Giá cà phê bùng nổ kỷ lục giữa mối lo thiếu hụt nguồn cung

Chốt phiên giao dịch hôm 27-11, giá cà phê arabica chạm mức cao nhất 47 năm. Thị trường cà phê bùng nổ khi các nhà rang xay chạy đua mua vào vì lo nguồn cung toàn cầu thiếu hụt giữa lúc thời hạn hoãn áp dụng quy định chống phá rừng của EU vẫn chưa chắc chắn.

Nông dân thu hoạch cà phê ở Cerrado, Brazil. Ảnh: Comunicaffe

Nông dân thu hoạch cà phê ở Cerrado, Brazil. Ảnh: Comunicaffe

Vào thời điểm thị trường đóng cửa hôm 27-11, giá cà phê arabica giao tháng 3-2025 ở thị trường New York tăng 5,51%, lên 3,26 đô la Mỹ/pound (0,45 kg). Đây là mức giá cao nhất của loại cà phê này kể từ năm 1997. Giá cà phê arabica hiện tại cao hơn 70% so với đầu năm.

Tại thị trường London, giá cà phê robusta giao tháng 1-2025 tăng thêm 7,55%, tương đương 389,5 đô la, lên mức 5.547,5 đô la/tấn. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất từ trước đến nay của loại cà phê sử dụng phổ biến trong các sản phẩm hòa tan. Cà phê robusta đã tăng giá gần gấp đôi trong năm nay.

Nhiều thương nhân cho biết, thị trường nóng đột ngột do các nhà rang xay cà phê, những bên mua thương mại chế biến hạt cà phê để tiêu thụ, sốt sắng gom nguồn cung. Những khách hàng này lo rủi ro nguồn cung thiếu hụt và tình trạng không chắc chắn của Quy định về quản lý việc nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu (EUDR), cấm sử dụng đất rừng bị phá để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp quan trọng, bao gồm cà phê.

“Tôi chưa bao giờ thấy điều gì như thế này trước đây. Vấn đề sẽ không được giải quyết trong năm nay và đó là lý do tại sao các nhà rang xay bắt đầu rơi vào trạng thái hoảng loạn”, Tomas Araujo, trợ lý giao dịch của Công ty môi giới StoneX nói.

Thời tiết tiết nóng và khô ở Brazil hiện nay làm dấy lên lo ngại về việc sản lượng của nhà sản xuất arabica lớn nhất thế giới sẽ giảm vào niên vụ tới, làm giảm nguồn cung toàn cầu vốn đang eo hẹp. Lượng mưa dưới mức trung bình ở Brazil có thể hạn chế sản lượng và thúc đẩy giá cà phê. Cơ quan khí tượng Somar Meteorologia cho biết, lượng mưa ở bang Minas Gerais, vùng trồng cà phê arabica lớn nhất của Brazil chỉ đạt 6 mm vào tuần trước, tương đương 10% lượng mưa trung bình trong lịch sử.

Quốc gia Nam Mỹ này trải qua tình hình hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm vào tháng Tám và tháng Chín, tiếp theo là mưa lớn vào tháng Mười, dẫn đến lo ngại về mùa trổ hoa kém của cây cà phê. Theo các nhà nông học, khi mưa đến, cây cà phê bị khô hạn sẽ tập trung dưỡng chất để phát triển lá, thay vì, trổ hoa và kết trái.

Triển vọng kém tích cực của sản lượng arabica ở Brazil xuất hiện trong bối cảnh nguồn cung robusta thiếu hụt 3 năm liên tiếp do thời tiết xấu ở Việt Nam, nhà sản xuất robusta lớn nhất thế giới.

Araujo nói thêm, vụ thu hoạch arabica 2025-2026 của Brazil có vẻ sẽ không đạt được mục tiêu giữa lúc ngành kinh doanh cà phê đang trông chờ vào sản lượng cải thiện của nước này để giảm bớt áp lực nguồn cung thiếu hụt của robusta.

Hôm 27-11, tại thị trường London, giá cà phê robusta giao tháng 1-2025 tăng thêm 389,5 đô la (7,55%), lên mức 5.547,5 đô la/tấn. Ảnh: Investing.com

Hôm 27-11, tại thị trường London, giá cà phê robusta giao tháng 1-2025 tăng thêm 389,5 đô la (7,55%), lên mức 5.547,5 đô la/tấn. Ảnh: Investing.com

Cuộc chạy đua tích trữ cà phê của các nhà nhập khẩu châu Âu càng gấp gáp hơn do mối lo ngại về thời hạn áp dụng quy định của EUDR, yêu cầu chứng minh 7 mặt hàng nông nghiệp nhập khẩu vào EU, bao gồm cà phê, không được sản xuất trên đất bị phá rừng sau năm 2020.

EUDR có hiệu lực vào cuối năm nay nhưng gần đây, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đề xuất trì hoãn thực thi trong 12 tháng để các đối tác thương mại có thêm thời gian để chuẩn bị tuân thủ. Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ trì hoãn đồng thời, thông qua một số sửa đổi đối với EUDR. Theo đó, EUDR sẽ bao gồm một hạng mục phân loại mới dành cho những nước “không có rủi ro” về nạn phá rừng, ngoài ba hạng mục phân loại hiện nay rủi ro “thấp”, “tiêu chuẩn” (trung bình) và “cao”.

Hạng mục phân loại “không có rủi ro” sẽ dành cho những nước có diện tích rừng phát triển ổn định hoặc tăng. EUDR sẽ đặt ra ít yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt hơn đối với những nước này.

Để sửa đổi này có hiệu lực, các nhà đàm phán của Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu (EUCO) và EC sẽ phải thảo luận để đi đến sự đồng thuận cuối cùng. Hiện tại, EUCO, tổ chức đại diện cho các nước thành viên EU đã phản đổi sửa đổi trên. Nếu các bên đạt được sự nhất trí về sửa đổi trong cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra đầu tháng Mười Hai, EUDR sẽ được trì hoãn theo đề xuất của EC. Nếu không, quy định này có thể sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 30-12-2024.

Các thương nhân lo ngại, đề xuất trì hoãn EUDR có thể không được chấp thuận hoặc được chấp thuận muộn để được ghi vào luật vào cuối năm.

Tomas Araujo của StoneX cho biết, các nhà rang xay của Mỹ cũng đang gấp rút mua dự trữ cà phê cho năm tới. Họ lo Tổng thống đắc cử Donald Trump áp thuế nhập khẩu đối với một loạt hàng hóa sau khi nhậm chức vào tháng 1-2025, Carlos Mera, người đứng đầu bộ phận hàng hóa nông nghiệp của ngân hàng Rabobank cho biết.

“Nếu bạn là một nhà rang xay cà phê và tin rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ áp thuế đối với cà phê, bạn sẽ cố gắng nhập khẩu ngay bây giờ, vì nếu không, bạn sẽ phải trả thuế sau này", Mera nói và cho thêm, khoảng 23% sản lượng cà phê xuất khẩu toàn cầu là đến thị trường Mỹ.

Theo Financial Times, AFP

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gia-ca-phe-bung-no-ky-luc-giua-moi-lo-thieu-hut-nguon-cung/