Giá cá tra thương phẩm chạm đáy, nông dân lỗ 5.000 đồng mỗi kg

Dù bán với giá rất thấp, nhưng người nuôi cá tra vẫn chấp nhận vì nếu để lâu sẽ càng lỗ nặng bởi cá quá lứa, hệ số tiêu thụ thức ăn rất cao.

Một dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Một dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Tại buổi làm việc của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ với ngành công thương, ngày 11/6, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020, khi các thị trường xuất khẩu cá tra chính của Việt Nam là Mỹ, EU và Trung Quốc đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì sản phẩm cá tra xuất khẩu của Cần Thơ cũng gặp khó khăn.

Theo ông Toại, lượng cá bán ra của các doanh nghiệp chủ yếu là số tồn trong kho, còn xuất khẩu thì phải tới đầu tháng 5/2020 mới bắt đầu trở lại.

Dự báo trong 6 tháng cuối năm, lượng cá tra xuất khẩu sẽ tăng lên nhưng sẽ rất chậm.

Trong khi đó, giá cá tra nguyên liệu tại Cần Thơ đang chạm đáy. Cụ thể, cá thương phẩm vượt kích cỡ (size lớn) hiện có giá từ 17.000-18.000 đồng/kg với hình thức trả tiền ngay sau khi bán cá. Còn nếu thanh toán sau một tháng là 19.000 đồng và sau ba tháng là 19.500 đồng/kg.

Trước khó khăn trên, nhiều nông hộ nuôi cá tra ở Cần Thơ vẫn thả cá giống, nhưng không cho ăn để giảm chi phí.

Cùng với đó, giá cá giống cũng đang ở mức rất thấp, chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi cá giống chịu lỗ từ 3.000-4.000 đồng/kg so với giá thành sản xuất.

Nông dân cho cá tra ăn. (Ảnh: TTXVN)

Nông dân cho cá tra ăn. (Ảnh: TTXVN)

Ở khâu chế biến, đến nay ngành cá tra vẫn chưa có sản phẩm đột phá nào. Nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng quay lại thị trường trong nước khi giá xuất khẩu giảm mạnh.

Các doanh nghiệp chế biến cá tra theo hình thức đông lạnh và cắt khúc đối với cá trọng lượng lớn (2-3 kg/con) đưa đi giới thiệu tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc để tiêu thụ.

Dù bán với giá rất thấp, nhưng người nuôi cá tra vẫn chấp nhận vì nếu để lâu sẽ càng lỗ nặng bởi cá quá lứa, hệ số tiêu thụ thức ăn rất cao. Theo Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, hiện cá tra thương phẩm nông dân đang lỗ tới 5.000 đồng/kg.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Toại, qua trao đổi với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trên địa bàn, doanh nghiệp cho biết thị trường Mỹ đang bắt đầu nhập khẩu cá tra trở lại. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng nắm được giá cá tra của Việt Nam nên cũng chỉ mua với giá thấp.

Trước tình hình khó khăn của ngành cá tra, lãnh đạo Sở Công Thương Cần Thơ nhận định, trong 6 tháng cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, nguồn cá nguyên liệu sẽ sụt giảm.

Nhiều hộ nuôi cá tra hiện chỉ cho cá ăn cầm chừng (2 ngày/lần) khiến tỷ lệ phi mỏng, dẫn đến doanh nghiệp không chịu mua và phải đem tiêu thụ tại các chợ truyền thống.

Bên cạnh đó, có doanh nghiệp sau khi thả giống thì bỏ ao, không cho cá ăn gần 6 tháng, đến khi cho ăn lại thì cá chết gây thiệt hại không nhỏ.

Từ thực tế trên, theo ông Toại, nguồn cá tra nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ suy giảm và thiếu hụt trong thời gian tới. Tuy nhiên, chất lượng cá thương phẩm lại không cao do người nuôi không cho ăn thường xuyên.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết hiện xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc bắt đầu tăng trở lại, nhưng giá không tăng và tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Brazil... nên xuất khẩu cá tra trong quý 2/2020 khó có thể thoát khỏi mức tăng trưởng âm.

Nếu quý 3 tình hình dịch bệnh tại các nước đang là tâm dịch nằm trong tầm kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại thì xuất khẩu cá tra mới có cơ hội phục hồi trở lại./.

Thanh Liêm (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/gia-ca-tra-thuong-pham-cham-day-nong-dan-lo-5000-dong-moi-kg/645167.vnp