Giá cước tăng cao, doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển hưởng lợi ra sao?

Dưới góc nhìn của các công ty chứng khoán, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cảng và vận tải biển sẽ ghi nhận kết quả tăng trưởng khả quan trong thời gian tới nhờ giá cước tăng cao, cùng đơn hàng xuất khẩu phục hồi.

Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định, các công ty vận tải biển sẽ được hưởng lợi nhờ áp lực lạm phát trên toàn cầu hạ nhiệt và nhu cầu tại thị trường Trung Quốc phục hồi, khi những chính sách hỗ trợ kinh tế đã bắt đầu thẩm thấu.

TPS vẫn lưu ý về tình trạng dư cung tàu container trên thị trường nội địa, điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá cước nội địa. Ảnh tư liệu minh họa.

TPS vẫn lưu ý về tình trạng dư cung tàu container trên thị trường nội địa, điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá cước nội địa. Ảnh tư liệu minh họa.

Hoạt động thương mại khu vực châu Á cũng được dự báo sẽ tăng trưởng ổn định trong năm 2024. Bên cạnh đó, giá cước neo cao sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp vận tải biển có hoạt động cho thuê tàu như HAH. Tuy nhiên, TPS vẫn lưu ý về tình trạng dư cung tàu container trên thị trường nội địa, điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá cước nội địa.

Trong dài hạn, ngành cảng biển toàn Đông Nam Á đang hưởng lợi mạnh mẽ từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng. Trung Quốc vẫn là nguồn nhập khẩu chủ yếu của thị trường châu Âu và Bắc Mỹ nhưng đang mất dần thị phần vào tay Đông Nam Á và Nam Á. Trong đó Việt Nam là nước đạt mức tăng mạnh nhất từ chiếm tỷ trọng 6% (2016) lên đến 13% (2022).

Công ty Chứng khoán SSI cũng kỳ vọng ngành logistics có thể phục hồi về sản lượng nhờ hoạt động sản xuất đang gia tăng, từ đó làm giảm áp lực lên giá cước trung bình. Đồng thời, chi phí nhiên liệu giảm cũng là một yếu tố tích cực.

Mặt khác, Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo, năm 2024 và 2025, giá dầu thô trung bình sẽ ở gần mức trung bình năm 2023 là 82 USD/thùng, nhờ sự cân bằng về cung - cầu. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải biển bình ổn chi phí nhiên liệu đầu vào trong thời gian tới.

Trong các tháng đầu năm, doanh nghiệp đầu ngành cảng và vận tải biển như Gemadept, Viconship… ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Các chuyên gia phân tích kỳ vọng doanh nghiệp ngành này sẽ được hưởng lợi nhờ giá cước tăng cao cùng đơn hàng xuất khẩu phục hồi trong thời gian tới.

Công ty cổ phần Gemadept (mã ck: GMD) mới đây ghi nhận kết quả kinh doanh quý I/2024 với doanh thu thuần đạt 1.005 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 708 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 130% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, GMD đề ra mục tiêu doanh thu 4.000 tỷ đồng, tăng 4 % so với thực hiện năm 2023. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất kể từ khi niêm yết. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế năm 2024 dự kiến giảm 46%, còn 1.686 tỷ đồng. Như vậy, Tập đoàn Gemadept đã hoàn thành 25% mục tiêu doanh thu và 42% mục tiêu lợi nhuận năm sau một quý.

Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ triển khai Gemalink giai đoạn 2, với tổng đầu tư vào khoảng 300 triệu USD. Sau khi hoàn thành, tổng công suất thiết kế cảng sẽ đạt 3 triệu TEU, mức cao nhất so với các đối thủ lớn khác trong khu vực Đông Nam Á. Khu vực cảng mới dự kiến đưa vào khai thức từ 2025 - 2026.

Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành. Ảnh: Chứng khoán Tiên Phong

Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành. Ảnh: Chứng khoán Tiên Phong

Tương tự, Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship, mã ck: VSC) ước lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 1.056 tỷ đồng doanh thu, EBIT hơn 266 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 172 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương đương tăng lần lượt 28%, 71% và 75%. Với kết quả này, Viconship đã thực hiện gần 43% kế hoạch doanh thu và hơn 54% mục tiêu lợi nhuận năm.

Diễn biến khác, Viconship đang triển khai chào bán hơn 133,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, mục đích huy động vốn chủ yếu là nhằm thâu tóm Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ (sở hữu cảng Nam Hải Đình Vũ tại Hải Phòng), dự kiến sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 35% lên 79%.

Ngược lại, Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An (mã ck: HAH) ghi nhận doanh thu thuần quý I/2024 đạt 704 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 47 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận sau thuế giảm còn 6,7%, mức thấp nhất kể từ khi niêm yết.

Tuy nhiên, TPS đặt kỳ vọng sản lượng khai thác của HAH sẽ duy trì ổn định, sản lượng khai thác tàu tăng trưởng 7,7% nhờ tăng thêm tuyến vận tải và bổ sung thêm tàu container mới. Đồng thời, ước tính cả năm HAH sẽ hoàn thành 88% kế hoạch doanh thu và 108% kế hoạch lợi nhuận năm.

Năm 2024, HAH đề ra mục tiêu doanh thu hơn 3.500 tỷ đồng, tăng 32% với đóng góp chính từ hoạt động khai thác tàu khi sản lượng dự kiến đạt 702.000 TEU, tăng 60% so với năm 2023. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm nhẹ 5% về mức 340 tỷ đồng.

Trong năm nay, công ty dự kiến sẽ nhận thêm ba tàu đóng mới. Công ty đặt mục tiêu gia tăng thị phần vận tải container và phạm vi hoạt động trên tuyến nội địa bằng việc tăng số chuyến và các cảng ghé mới, cùng với liên doanh ZIM-HAIAN phát triển các tuyến nội Á (Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Trung Đông), khai thác đội tàu hiệu quả thông qua việc áp dụng linh hoạt tỷ lệ tàu được công ty tự khai thác và cho thuê định hạn, đồng thời tiết giảm các chi phí.

Cuối năm ngoái, HAH đã nhận bàn giao một tàu container đóng mới có tải trọng 1.800 TEU mang tên HAIAN ALFA, đây là tàu mới hiện đại có tải trọng lớn nhất đội tàu container tại Việt Nam.

Gia Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-cuoc-tang-cao-doanh-nghiep-van-tai-bien-cang-bien-huong-loi-ra-sao-153341.html