Giá dầu thế giới tiếp tục suy yếu

Sở Giao dịch Hàng hóa (MXV) cho biết lực bán chiếm áp đảo trên thị trường năng lượng trong phiên giao dịch hôm qua (5/2).

Toàn cảnh nhà máy lọc dầu Rosneft ở thị trấn Gubkinsky, Tây Siberia, Liên bang Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Toàn cảnh nhà máy lọc dầu Rosneft ở thị trấn Gubkinsky, Tây Siberia, Liên bang Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong đó, giá hai mặt hàng dầu thô giảm hơn 2% trong bối cảnh tồn kho xăng dầu tăng mạnh và cuộc trả đũa thương mại giữa Mỹ-Trung làm gia tăng lo ngại kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và tiêu thụ bị ảnh hưởng.

Cụ thể, giá dầu thô Brent giảm 1,59 USD (2,09%), xuống còn 74,61 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giảm 1,67 USD (2,3%), xuống còn 71,03 USD/thùng.

Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần kết thúc vào ngày 31/1, tồn kho dầu của Mỹ đã tăng mạnh 8,7 triệu thùng, khi các nhà máy lọc dầu phải đối mặt với nhu cầu xăng yếu và đang trong quá trình bảo dưỡng. Trong khi tồn kho xăng tăng 2,2 triệu thùng, tồn kho sản phẩm chưng cất giảm 5,5 triệu thùng.

Thêm vào đó, mối lo ngại về cuộc xung đột thương mại mới giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc cũng gây áp lực lên giá hàng hóa, trong đó có giá dầu. Vào thứ Ba (4/2), khi Mỹ tuyên bố áp thuế lên các mặt hàng của Trung Quốc, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 15% đối với than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ vào ngày 10/2 cũng như mức thuế bổ sung 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số phương tiện.

Thông tin này đã ngay lập tức khiến giá dầu WTI trong phiên giảm tới 3%, thấp nhất từ cuối tháng 12/2024. Nguyên nhân bởi việc Trung Quốc áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ sẽ làm giảm nhu cầu đối với những mặt hàng này, và nhu cầu này cần được chuyển hướng sang một thị trường khác.

Một diễn biến khác, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã kêu gọi các thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đoàn kết chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ, khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ khôi phục chiến dịch "gây sức ép tối đa" đối với Iran mà ông đã ban hành trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Nếu các lệnh trừng phạt này được áp dụng trở lại, tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể duy trì đà tăng giá dầu, đặc biệt là trong bối cảnh các nhà sản xuất của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) điều chỉnh nguồn cung chậm hơn dự kiến.

Theo EIA, xuất khẩu dầu của Iran đạt doanh thu 53 tỷ USD trong năm 2023, và con số này ở năm 2022 là 54 tỷ. Còn năm 2024, tuy chưa có thông tin chính thức, nhưng phía EIA dự báo sản lượng xuất khẩu đạt cao nhất từ năm 2018.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/gia-dau-the-gioi-tiep-tuc-suy-yeu-post858828.html