Giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng, kinh tế thế giới đối mặt với cú sốc lạm phát tồi tệ

Cùng với kế hoạch tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, việc giá dầu thô tăng có thể đẩy lạm phát thế giới lên cao hơn và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Giá dầu Brent vượt 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014. Đây sẽ là một cú sốc kép đối với nền kinh tế thế giới vì nó có thể khiến bức tranh triển vọng kinh tế thêm ảm đạm và đẩy lạm phát lên cao hơn.

Điều này khiến tình tình khó khăn hơn đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác khi họ đang vật lộn tìm cách kiềm chế mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ mà không khiến đà phục hồi kinh tế đi lệch hướng từ đại dịch.

Cú sốc giá dầu

Giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng. Ảnh: Bloomberg.

Giá dầu Brent vượt 100 USD/thùng ngay sau khi tin tức Nga mở chiến dịch quân sự ở Đông Ukraine để bảo vệ lãnh thổ ly khai Donbass. Căng thẳng Nga – Ukraine càng leo thang, thị trường càng lo ngại Nga sẽ bị phương Tây trừng phạt mạnh tay, gây gián đoạn đến hoạt động xuất khẩu các nhiên liệu quan trọng.

Mặc dù các nước xuất khẩu năng lượng có thể hưởng lợi từ đà tăng trưởng bùng nổ của giá dầu, phần lớn thế giới sẽ bị ảnh hưởng, trong đó các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải trả hóa đơn cao hơn và sức chi tiêu suy giảm vì giá thực phẩm, vận tải và điện tăng.

“Đà tăng của giá dầu sẽ tạo thêm áp lực lên các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới trong việc triển khai chu kỳ thắt chặt chính sách cũng như tăng lãi suất mạnh hơn để hạn chế rủi ro lạm phát”, Chua Hak Bin, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Maybank, Singapore, nhận định.

JPMorgan Chase & Co cũng cảnh báo nếu giá dầu tăng lên 150 USD/thùng, tăng trưởng kinh tế thế giới gần như sẽ khựng lại và khiến lạm phát vọt lên hơn 7%, gấp hơn 3 lần trước mức mục tiêu mà hầu hết nhà hoạch định chính sách tiền tệ trên thế giới dự kiến.

Những ngày gần đây, giá dầu tăng chung xu hướng với thị trường giá cả hàng hóa trên thế giới. Các động lực bao gồm nhu cầu tăng khi kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị và chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.

Triển vọng về thỏa thuận hạt nhân Iran được gia hạn có lúc khiến thị trường “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, đà tăng vẫn mạnh mẽ. Chỉ hai năm trước, giá dầu tương lai có lúc giảm xuống dưới 0 USD.

Nhiên liệu hóa thạch như dầu thô, than và khí đốt tự nhiên, chiếm hơn 80% năng lượng cho thế giới. Chi phí sản xuất các nhiên liệu này giờ tăng hơn 50% so với một năm trước, theo công ty tư vấn Gavekal Research.

Nỗi lo lạm phát

Nhóm G20 đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao do giá năng lượng tăng. Ảnh: Bloomberg.

Ảnh hưởng đến năng lượng cũng góp phần làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu, khiến giá cả tăng cao và chậm giao hàng cho những nguyên liệu thô và sản phẩm cuối cùng.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế vừa nâng dự báo lạm phát năm 2022 lên trung bình 3,9% tại các nền kinh tế phát triển – cao hơn năm ngoái 2,3% và 5,9% tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu và xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, cho đến nay vẫn ghi nhận lạm phát ổn định. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn dễ bị tổn thương do các nhà sản xuất phải chịu chi phí đầu vào cao và thiếu hụt năng lượng.

Với áp lực giá ngày càng tăng cao hơn so với dự kiến, các ngân hàng trung ương đều đang ưu tiên chống lạm phát hơn kích cầu. Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ bất ngờ tăng với mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua, khiến thị trường có lúc tăng đặt cược vào khả năng Fed sẽ tăng lãi suất đến 7 lần trong năm nay.

Trong một cuộc phân tích về người thắng-kẻ thua khi giá dầu tăng mạnh, Bloomberg Economics ước tính Arab Saudi, Nga và các nước xuất khẩu dầu nhỏ hơn như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đều sẽ hưởng lợi. Thiệt hại lớn nhất sẽ thuộc về các nước nhập khẩu năng lượng như Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

Đối với hầu hết người tiêu dùng và các ngân hàng trung ương, kinh tế thế giới hiện nay không còn tiêu thụ dầu điên cuồng như những thập kỷ trước nữa.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của JPMorgan, một cú sốc giá dầu đủ lớn có thể làm chệch hướng kế hoạch bình thường hóa của nhiều ngân hàng dù cho tình hình lạm phát tăng vọt và lo ngại về tương lai đồng nghĩa với việc các quốc gia sẽ thắt chặt chính sách hơn, một khi lạm phát tăng mạnh.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh – ông Adre Baily, chỉ ra lý do sức ép từ giá năng lượng cho quyết định tăng lãi suất. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde mới đây cho biết các quan chức sẽ xem xét cẩn thận tác động của giá năng lượng đến nền kinh tế và đánh tín hiệu chuyển hướng sang thắt chặt chính sách. Ngân hàng trung ương Ấn Độ cũng đánh giá giá dầu tăng vọt là một rủi ro cho nền kinh tế.

Hương Vũ (Theo Bloomberg)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-dau-vuot-moc-100-usd-thung-kinh-te-the-gioi-doi-mat-voi-cu-soc-lam-phat-toi-te-hon-post183024.html