Giá dịch vụ lai dắt tàu biển được tính thế nào?

Mức giá dịch vụ lai dắt tàu biển sẽ được tính tùy từng trường hợp cụ thể và phải theo quy định về khung giá của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Tại Thông tư 12/2024 quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam vừa được Bộ GTVT ban hành và sẽ có hiệu lực từ 1/7, giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền sẽ được tính tùy từng trường hợp cụ thể.

Bên thuê lai dắt còn được quyền ký kết hợp đồng thuê tàu lai từ khu vực khác nếu dịch vụ lai dắt tàu thuyền không đáp ứng nhu cầu cho tàu thuyền vào khu vực cảng (Ảnh minh họa).

Bên thuê lai dắt còn được quyền ký kết hợp đồng thuê tàu lai từ khu vực khác nếu dịch vụ lai dắt tàu thuyền không đáp ứng nhu cầu cho tàu thuyền vào khu vực cảng (Ảnh minh họa).

Theo quy định, thời gian lai dắt thực tế được tính từ thời điểm tàu lai bắt đầu thực hiện việc hỗ trợ lai, kéo, đẩy tàu thuyền được lai cho đến khi kết thúc việc hỗ trợ lai, kéo, đẩy tàu thuyền được lai theo yêu cầu của thuyền trưởng tàu được lai và hoa tiêu hàng hải dẫn tàu.

Trường hợp thời gian lai dắt thực tế nhỏ hơn 1 giờ, doanh nghiệp được phép làm tròn là 1 giờ. Thời gian lai dắt thực tế để tính giá dịch vụ tối đa là 2 giờ.

Nếu thời gian lai dắt trên 2 giờ phải có xác nhận của thuyền trưởng hoặc hoa tiêu dẫn tàu. Giá lai dắt chỉ được tính bằng 10% khung giá của 1 giờ cho toàn bộ thời gian lai dắt vượt quá 2 giờ.

Trường hợp cung cấp tàu lai với số lượng và công suất của tàu lai lớn hơn mức tối thiểu quy định tại nội quy cảng biển của cảng vụ hàng hải khu vực, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lai dắt căn cứ số lượng và công suất tàu lai tối thiểu quy định tại nội quy cảng biển khu vực và khung giá theo quyết định của Bộ GTVT để tính giá dịch vụ lai dắt.

Cũng theo quy định mới, nếu cung cấp tàu lai với số lượng và công suất lớn hơn mức tối thiểu quy định tại nội quy cảng biển của cảng vụ hàng hải khu vực theo yêu cầu của cảng vụ hàng hải, hoa tiêu, thuyền trưởng hoặc hãng tàu, doanh nghiệp sẽ phải tính giá dịch vụ lai dắt dựa trên số lượng, công suất tàu lai thực tế và khung giá quy định.

Ngoài ra, bên thuê lai dắt còn được quyền ký kết hợp đồng thuê tàu lai từ khu vực khác khi dịch vụ lai dắt tàu thuyền không đáp ứng nhu cầu cho tàu thuyền vào khu vực cảng.

Một trong những trường hợp xảy ra còn có khi dịch vụ lai dắt tàu thuyền không đáp ứng nhu cầu cho tàu thuyền vào khu vực cảng. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lai dắt phải điều động tàu lai từ khu vực khác đến vị trí lai dắt.

Lúc này, giá do hai bên tự thỏa thuận nhưng không vượt quá 70% khung giá theo quyết định của Bộ GTVT và theo số giờ điều động thực tế.

Nếu doanh nghiệp cung cấp tàu lai không đáp ứng được công suất yêu cầu theo quy định tại nội quy cảng biển, phải sử dụng từ hai tàu lai trở lên thì giá dịch vụ lai dắt tàu biển tính theo khung giá quy định tương ứng với công suất tàu lai tối thiểu theo quy định của nội quy cảng biển.

Đặc biệt, với tàu lai chuyên dùng Azimuth hoặc tàu lai VSP, doanh nghiệp được áp dụng khung giá tối đa bằng 150% khung giá quy định.

Trường hợp tàu lai đã tới vị trí đón tàu được lai dắt đúng thời gian theo yêu cầu của chủ tàu được lai và được cảng vụ hàng hải chấp thuận nhưng tàu được lai dắt chưa tới khiến tàu lai phải chờ đợi thì bên thuê lai dắt phải trả thêm tiền chờ đợi bằng 50% khung giá theo quy định của Bộ GTVT và theo số giờ chờ đợi thực tế.

Thông tư lưu ý trong trường hợp tàu lai đã tới vị trí đón tàu được lai dắt đúng giờ mà tàu yêu cầu được lai dắt không sẵn sàng để điều động, khiến tàu lai phải trở về vị trí xuất phát hoặc chuyển sang hoạt động khác thì bên thuê lai dắt phải trả bằng 50% khung giá theo quy định và theo số giờ điều động thực tế.

Hiểu Đồng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/gia-dich-vu-lai-dat-tau-bien-duoc-tinh-the-nao-192240528182151179.htm