'Giá điện ở vùng sâu, vùng xa lẽ ra phải 7.000 đồng/kWh'
Phó tổng giám đốc EVN cho biết lẽ ra giá thành đưa điện đến vùng sâu, vùng xa có thể lên đến khoảng 7.000 đồng/kWh nhưng thực tế giá điện ở khu vực này chỉ khoảng 1.900 đồng/kWh.
Ông Nguyễn Xuân Nam - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 26.9 cho biết với trách nhiệm là tập đoàn kinh tế nhà nước, nhiệm vụ cao nhất của EVN là cung ứng điện cho đất nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân, trong đó bao gồm cả việc thực hiện trách nhiệm xã hội khi duy trì mức giá bán lẻ điện ổn định theo chỉ đạo của Chính phủ.
Lấy ví dụ, ông Nguyễn Xuân Nam cho biết để đưa điện đến các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thì giá thành sản xuất điện lên đến khoảng 7.000 đồng/kWh, nhưng giá điện EVN bán cho khu vực này hiện nay cũng vẫn duy trì mức khoảng 1.900 đồng/kWh. "Giá EVN bán ra thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất điện ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,... cũng là thực hiện nhiệm vụ chính trị với chính sách mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau", ông Nam nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Nam, năm 2022, do ảnh hưởng của những bất ổn trên thế giới nên giá các mặt hàng than, khí, dầu,... tăng đột biến. Ví dụ, có thời điểm giá than đã tăng gấp 5 lần, lên đến 400 USD/tấn, giá dầu cũng tăng gấp đôi trong khi giá mua điện chiếm đến 84% trong cơ cấu giá điện.
Do đó, giá than, khí tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản xuất điện, gây khó khăn cho EVN trong cân bằng tài chính. Bước sang năm 2023, tuy giá các mặt hàng than, khí, dầu đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao.
Sau 4 năm, mặc dù giá bán lẻ điện cũng đã được điều chỉnh tăng 3%, nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần khó khăn về tài chính và EVN vẫn phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cân bằng tài chính, Phó tổng giám đốc EVN chia sẻ.
Theo lãnh đạo EVN, thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, thời gian tới, việc điều hành giá điện sẽ được luật hóa và tiệm cận theo giá thị trường.
Giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% từ ngày 4.5 vừa qua, lên 1.920,37 đồng/kWh. Song mức này chỉ bằng một phần ba so với mức tăng 9,27% giá thành sản xuất điện năm 2022 (2.032,26 đồng). Do đó, tình hình tài chính của EVN vẫn chưa cải thiện sau đợt tăng giá này. Khó khăn tiếp tục bủa vây, EVN trước đó đã kiến nghị Chính phủ, bộ ngành cho phép sớm được điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang được thực hiện theo Quyết định 24/2017, trong đó thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Như vậy, nếu được đồng ý, đợt tăng giá tiếp theo có thể sẽ vào cuối năm nay.
Đề nghị tăng tiếp giá điện được EVN đưa ra trong bối cảnh sản xuất kinh doanh tiếp tục lỗ khiến họ gặp khó khăn về dòng tiền từ tháng 7 đến hết năm. EVN đang nợ tiền mua điện của các đơn vị phát điện và nhiều khả năng sẽ không cân đối đủ tiền để thanh toán chi phí này. Trước nguy cơ thiếu hụt dòng tiền, EVN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước cho doanh nghiệp này vay không lãi suất để thanh toán tiền điện cho các đơn vị trên.
Năm nay, kế hoạch đầu tư xây dựng của EVN là 94.860 tỉ đồng. Với kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, EVN cho hay không thể trả nợ đúng hạn các ngân hàng, và chi phí, lãi suất các khoản vay tăng lên do đánh giá mức độ rủi ro tăng thêm với bên cho vay. Việc này khiến họ gặp khó trong huy động, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án, đảm bảo vận hành an toàn, cung ứng điện cho các năm tiếp theo.
Trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao, nhưng giá bán lẻ điện bình quân 2022 không được điều chỉnh kịp thời khiến EVN bị lỗ hơn 36.200 tỉ đồng từ sản xuất kinh doanh điện. Sau khi trừ đi các khoản tiết kiệm đầu tư, sửa chữa lớn và tài chính khác, mức lỗ là trên 26.200 tỉ đồng. EVN đề nghị Chính phủ, các bộ chấp thuận khoản lỗ hai năm (2022-2023) là do "thực hiện chính sách".