Giá điện tăng do chi phí đầu vào sản xuất điện tăng cao

Trong ngày 5 và 6-7, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh; cùng các ĐBQH tỉnh: Tạ Minh Tâm, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Thanh Cầm, Nguyễn Kim Tuyến, Nguyễn Thị Uyên Trang đến tiếp xúc cử tri các huyện Cái Bè, Gò Công Đông và TX. Gò Công.Tại các buổi tiếp xúc, sau khi nghe ĐBQH thông tin kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, cử tri phản ánh, kiến nghị một số vấn đề còn bức xúc ở địa phương.CẦN PHÁT HUY TIỀM NĂNG, LỢI THẾ HUYỆN CÁI BÈ

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri huyện Cái Bè cho rằng, huyện có tiềm năng và lợi thế hình thành khu công nghiệp nhưng cho đến nay vẫn chưa phát huy được. Quy hoạch của huyện chưa đồng bộ, kinh tế chưa phát triển như kỳ vọng của người dân.

Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở huyện Cái Bè.

Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở huyện Cái Bè.

Ngoài ra, cử tri bất an khi lưu thông trên Quốc lộ 1 (đoạn qua UBND xã Hòa Khánh), Quốc lộ 30 (cầu Cái Lân, cầu Rạch Ruộng thuộc xã Tân Thanh, xã Tân Hưng) thường xuyên bị ngập nước, dễ gây tai nạn giao thông, nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra. Đồng thời, trên địa bàn huyện còn nhiều cầu sắt, chưa đảm bảo nhu cầu lưu thông cho các phương tiện, cần có giải pháp khắc phục tình trạng này để đưa huyện Cái Bè phát triển tương xứng tiềm năng.

Trả lời ý kiến cử tri, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Phạm Thị Tại cho biết, tình hình phát triển kinh tế - xã hội huyện cơ bản đều đạt, vượt so với cùng kỳ, mức sống người dân cũng dần tăng lên. Sản xuất nông nghiệp có nhiều thuận lợi, năng suất cây trồng, vật nuôi được giữ vững.

Các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được phòng trị, khống chế tốt. Chất lượng giáo dục và đào tạo được duy trì; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được đẩy mạnh. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa chất lượng ngày càng nâng lên.

Lĩnh vực du lịch đã phục hồi nhanh; trong 6 tháng đầu năm, lượng khách tham quan, du lịch tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện cũng đã đạt được nhiều thành tựu phấn khởi…

Đồng chí Phạm Thị Tại ghi nhận ý kiến của cử tri, thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, chú trọng nâng cao chất lượng nông sản, vật nuôi; gắn kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Đồng thời, tăng cường mở rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên cây ăn trái, xúc tiến thị trường, xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc và các sản phẩm tiềm năng của huyện.

Cử tri huyện Cái Bè phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Cử tri huyện Cái Bè phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Cùng với đó, huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang; đầu tư nâng cấp các tuyến đường huyện, hệ thống bến, bãi đạt tiêu chuẩn giao thông, huy động tốt các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị từng bước đáp ứng nguyện vọng nhân dân trong huyện.

Đối với việc một số tuyến đường chưa đảm bảo an toàn giao thông, đồng chí Phạm Thị Tại cho biết, trong quý III-2023 và năm 2024, huyện sẽ hoàn thành lộ trình thay thế cầu sắt, cầu yếu trên địa bàn huyện, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông.

Liên quan việc ngập nước tại các tuyến quốc lộ, địa phương đã gửi phản ánh đến Khu Quản lý đường IV, Trạm thu phí BOT Cai Lậy để khắc phục, sửa chữa. Đồng thời, UBND huyện đề nghị các xã cặp quốc lộ nhanh chóng xử lý, khai thông dòng chảy hạn chế ngập trong thời gian chờ các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Cái Bè, đồng chí Nguyễn Văn Danh ghi nhận các ý kiến phản ánh của cử tri là chính đáng và đúng thực tế, đây cũng là vấn đề lãnh đạo tỉnh trăn trở, nhất là việc huyện còn nhiều cầu sắt đang tồn tại.

Đồng thời cho rằng, thời gian tới, huyện Cái Bè còn rất nhiều việc phải làm trong quá trình phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội... Mong muốn của cử tri cũng là mong muốn của Đoàn ĐBQH tỉnh. Đồng thời, những ý kiến của cử tri là động lực để chính quyền địa phương ghi nhận, xây dựng và phát triển thời gian tới.

GIẢI THÍCH RÕ NGUYÊN NHÂN TĂNG GIÁ ĐIỆN

Cử tri TX. Gò Công có ý kiến về vấn đề công ty điện lực tăng giá điện và cho rằng ngành Điện báo thua lỗ rồi tăng giá điện, người dân không biết thực tế có lỗ không, đề nghị ngành Điện giải thích cho cử tri được biết vấn đề này.

Cử tri TX.Gò Công phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Cử tri TX.Gò Công phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Trả lời cử tri về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết: Ngày 3-3-2023 Bộ Công thương đã công bố chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Qua kiểm tra cho thấy, tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2021 là trên 419 ngàn tỷ đồng, năm 2022 là trên 493 ngàn tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất, kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.

Theo đó, giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2021 gần 1.860 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020; giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2022 trên 2.032 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ trên 36.294 tỷ đồng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lỗ nhưng EVN lỗ chủ yếu do chi phí đầu vào sản xuất điện cao, nhiều phát sinh tăng lên. Ngoài ra, giá điện cũng chưa được điều chỉnh trong 4 năm qua.

Bản thân EVN đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tuy nhiên trên thế giới, nhiên liệu đầu vào như than, dầu khí, đặc biệt là giá than tăng hơn 3 lần, có thời điểm tăng 4 - 5 lần. Đây là nguyên nhân lớn khiến chi phí đầu vào tăng cao. EVN đã thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, cắt giảm đến 30% tổng chi phí sản xuất, tiết kiệm 10 ngàn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, EVN cũng tối ưu hệ thống vận hành. Mặt khác, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên Nhà nước đã không tăng giá một số dịch vụ công để hỗ trợ người dân. Vì vậy sau khi tính toán thì EVN lỗ như vậy nên phải thực hiện việc tăng giá từ ngày 4-5-2023 như cử tri phản ánh.

“Nếu đúng lộ trình, giá điện và giá một số dịch vụ công do Nhà nước quản lý đã tăng trước đó, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Nhà nước không tăng. Nhà nước còn phải xuất ngân sách ra để hỗ trợ miễn, giảm cho người dân. Vì vậy vừa qua sau khi kiểm tra và tình hình lỗ như thế nên EVN tăng giá điện.

Ngoài ra, với chức năng nhiệm vụ của mình, EVN phải rà soát cắt giảm chi phí quản lý để làm sao giảm giá thành, giá bán điện, phải quản trị điều hành hiệu quả hơn trong thời gian tới, chứ không phải theo lộ trình là tăng giá điện. Đây là yêu cầu của Quốc hội, của Chính phủ đối với EVN. Mong cử tri thông cảm và chia sẻ cùng Nhà nước” - đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết thêm.

THU HOÀI - TUẤN LÂM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202307/gia-dien-tang-do-chi-phi-dau-vao-san-xuat-dien-tang-cao-983954/