Gia đình là chỗ dựa cho con

Đọc để thấy rằng, yêu thương sẽ là nguồn sống nuôi dưỡng những tâm hồn, để gia đình thực sự là bến đỗ bình yên và hạnh phúc.

Hai quyển sách “Người ăn chay” và “Lỗi error 404” với những câu chuyện liên quan đến bạo lực gia đình.

Hai quyển sách “Người ăn chay” và “Lỗi error 404” với những câu chuyện liên quan đến bạo lực gia đình.

Nhà là nơi chốn bình yên để chúng ta có thể tìm về, nếu ở đó có đủ tình yêu thương, sự chia sẻ. Nhưng không phải ai cũng may mắn có được một gia đình hạnh phúc; không phải cha mẹ nào cũng thấu hiểu con cái. Xin chia sẻ hai quyển sách viết về những thân phận không may mắn, như một lời nhắn gửi đến bậc phụ huynh, hãy luôn là chỗ dựa cho con, hãy luôn lắng nghe và thấu hiểu, để những đứa trẻ có được một tuổi thơ bình an, hạnh phúc.

“Người ăn chay” của HanKang là liên truyện gồm 3 truyện ngắn tạo thành (Người ăn chay, Vết chàm Mongolia và Cây pháo hoa). Ở “Người ăn chay” cho thấy mọi rắc rối đến từ bạo lực gia đình. Mọi người nhìn nhận sự tan vỡ gia đình trong truyện đến từ cái tôi của tự do sáng tạo nghệ thuật; là sai lầm khi kết hôn không đúng đối tượng; là sự hy sinh, chịu đựng của người phụ nữ châu Á.

Nhưng với tôi, sâu xa nhất vẫn là do bạo lực gia đình. Tôi đã rất sốc khi đọc những câu nói cộc lốc, lạnh lùng của nhân vật tôi- chồng của Yeong-hye trong câu chuyện đầu tiên. Chính sự thiếu quan tâm, điều trị từ ngày đầu khi thấy vợ có những biểu hiện lạ của anh ta đã khiến cho bệnh tình của Yeong-hye ngày một nặng hơn.

Càng đọc, càng thấy bạo lực gia đình đã hiện hữu từ thuở ấu thơ. “Những nắm đấm của bố luôn chĩa vào mỗi Yeong-hye. Yeong-ho thì bị đánh từng nào, nó lại ra đường đánh lại những đứa trẻ con khác từng đấy nên cũng vơi bớt khổ sở. Còn cô là con gái lớn, thường thay người mẹ đã quá mệt mỏi nấu canh giải rượu cho bố nên ông khá dè chừng với cô. Yeong-hye vốn hiền lành, nhưng có lúc bướng bỉnh không chịu khuất phục bố, nó không có bất cứ kháng cự nào, nhưng có điều, nó tiếp nhận tất cả đến tận xương tủy”.

Yeong-hye dần dần ít nói, ít cười và một ngày, phải vào viện tâm thần.

“Lỗi Error 404” của Plaaastic là tự truyện của cô gái có một tuổi thơ không tiếng cười cùng những hoành hành của căn bệnh trầm cảm suốt thời tuổi trẻ. Nhân vật tôi trong “Lỗi Error 404” được biết đến là một đứa trẻ con nhà giàu, thông minh. Song, lại không có tuổi thơ êm đềm.

Cô- 7 tuổi đã nghĩ về cái chết, 9 tuổi bị lạm dụng tình dục nhưng chẳng ai quan tâm, 15 tuổi một mình rời nhà sang Singapore học và đánh vật với cuộc sống xứ người. Plaaastic rơi vào trầm cảm. Nguyên nhân bắt đầu từ chính cuộc sống gia đình. Từ nhỏ, mẹ đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào cô, và khi không đạt được, bà sẵn sàng đánh mắng.

Bà không cho cô chơi với bất kỳ ai. Còn ba Plaaastic không hề quan tâm, bênh vực khi cô bị mẹ đánh mắng. “Không một sinh nhật nào tôi được mời. Không một đứa bạn nào được bước chân vào nhà”. “Một tuổi thơ chật vật và thổn thức, tôi lê cái mông đòn roi ì ạch qua từng ngày một”. Đó là những ký ức còn đọng lại trong Plaaastic về tuổi thơ cô.

Plaaastic sau những đớn đau của thể xác lẫn tâm hồn, muốn tìm về với gia đình nhưng cuối cùng vẫn tiếp tục cuộc sống đơn độc trong nhà trọ, dù nhà cách đó không xa.

Tôi vẫn tin vào cái kết, rằng Plaaastic tìm được hạnh phúc, chuyển sang “nghiện yêu” thay vì “nghiện chất kích thích” khi tìm được tình yêu đích thực đời mình. “Chúng tôi ngồi với nhau mãi, đi với nhau mãi, tôi nói mãi nói mãi, anh lắng nghe với đôi mắt nâu mở to màu hạt dẻ, đầu gối vào chân tôi, trên một hiên nhà.

Tôi cứ thế liên hồi, chúng tôi cứ thế liên hồi, và mặt trời lên từ khi nào không biết. Tôi nhìn những tia sáng đầu buổi lạ lẫm, màu trời chuyển dần sang hồng, và lần đầu tiên từ rất lâu rồi, tôi muốn biết, thật sự muốn biết, xem thứ ánh sáng sắp lên này sẽ mang tới cho tôi điều gì”.

Tôi vốn nghĩ rằng, yêu thương sẽ chữa lành mọi vết thương. Nhưng, dường như không phải vậy. Có thông tin, Plaaastic không thể vượt qua được ám ảnh của căn bệnh trầm cảm.

Đọc đến cuối, tôi vẫn nghĩ Yeong-hye sẽ bình phục, bắt đầu đi tìm công việc mới để dần hòa nhập cuộc sống, bắt đầu bước sang một trang mới của đời mình. Nhưng, dường như không phải vậy. Những nỗi buồn vẫn chất ngất, nặng trĩu trong trái tim cô.

Thân phận của những người con, người phụ nữ trong “Người ăn chay” và “Lỗi Error 404” thật đớn đau. Họ phải chịu đựng, tìm mọi cách vùng vẫy để sống, để yêu. Khi sức cùng lực kiệt, khi mọi cố gắng cũng không thể lấp đầy được vết thương lòng, họ đành chấp nhận rời đi như một lẽ tự nhiên, không than thở, oán trách ai.

Từ những trang sách, để thấy rằng nếu có yêu thương, quan tâm và sẻ chia, ắt đã không có những câu chuyện buồn. Đọc để thấy rằng, yêu thương sẽ là nguồn sống nuôi dưỡng những tâm hồn, để gia đình thực sự là bến đỗ bình yên và hạnh phúc.

Ngọc Diêu

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/gia-dinh-la-cho-dua-cho-con-a160209.html