Gia đình ông Nguyễn Văn Bé Ba nỗ lực vượt qua nghèo khó

Từng sống cảnh nghèo 'rớt mồng tơi', cả gia đình ông Nguyễn Văn Bé Ba (SN 1956) ngụ ấp Mỹ Phú B, xã Mỹ An, huyện Tháp Mười rong ruổi khắp nơi kiếm sống bằng nghề cắt lúa mướn. Tuy nhiên, ông và các thành viên trong gia đình không ngừng cố gắng vươn lên. Bằng ý chí, nghị lực và cả một chút liều lĩnh, gia đình ông Bé Ba đã vượt qua nghèo khó, cuộc sống ổn định.

Nghề trồng mít đã góp phần giúp gia đình ông Nguyễn Văn Bé Ba thoát nghèo

Nghề trồng mít đã góp phần giúp gia đình ông Nguyễn Văn Bé Ba thoát nghèo

Vốn sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em, kinh tế trông cậy vào mấy công ruộng làm 1 - 2 vụ/năm nên cảnh nghèo đeo bám ông Bé Ba từ thuở nhỏ. Ông lớn lên trong những tháng ngày cơ cực, túng thiếu. Hơn 30 tuổi, ông Bé Ba nên nghĩa vợ chồng với bà Lê Thị Ngân (quê ở xã Phú Điền). Ông Bé Ba xúc động kể: “Nhà tôi nghèo, còn bên vợ cũng chẳng khá hơn. Khi ra ở riêng, căn nhà lá nhỏ xíu là tổ ấm của vợ chồng tôi và cha mẹ cho 2 công ruộng làm phương kế sinh nhai. Nhưng khổ nỗi, thời đó hệ thống thủy lợi chưa phát triển, chưa có đê bao, mỗi năm chỉ làm được 2 vụ lúa, lại thường xuyên thất bát. Rồi lần lượt 4 đứa con ra đời nên cảnh nghèo “di truyền” từ cha mẹ tôi sang đời tôi. Có nhiều khi các con than đói mà trong nhà lại hết gạo, lúc ấy, tôi rất buồn tủi và tự nhủ phải quyết tâm thoát nghèo”.

Để có thu nhập trang trải cuộc sống, gần như quanh năm, cả gia đình ông Bé Ba đi cắt lúa mướn ở nhiều cánh đồng trong tỉnh Đồng Tháp và một số tỉnh khác: Long An, An Giang, Hậu Giang... Sau hơn 20 năm gắn bó với nghề cắt lúa mướn, vợ chồng ông Bé Ba đành giải nghệ phần vì lớn tuổi, phần vì bị cạnh tranh bởi máy gặt đập liên hợp. Về quê, ông suy nghĩ phải tìm loại cây trồng nào đó thay thế cây lúa để tăng giá trị kinh tế. Năm 2013, ông Bé Ba đánh liều chuyển 2 công ruộng sang trồng 300 cây mít Thái. Bà Lê Thị Ngân - vợ của ông Bé Ba bộc bạch: “Lúc chồng tôi quyết định chuyển sang trồng mít, tôi lo lắm vì chỉ có mấy triệu đồng làm vốn và cũng chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật trồng loại cây này. Trồng lúa dù sao cũng có gạo ăn, còn trồng mít mà thất bại là đói luôn. Nhưng thấy chồng quyết tâm quá nên tôi cũng ủng hộ”.

Nắm được hoàn cảnh và sự nỗ lực của ông Bé Ba nên không chỉ hỗ trợ cất căn nhà tình thương, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện cho ông vay 20 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững để đầu tư thêm vào nghề trồng mít. Với sự siêng năng, chăm sóc kỹ lưỡng của vợ chồng ông Bé Ba, vườn mít phát triển tốt, cho thu nhập khá. Đặc biệt, năm 2016 và 2017, ông Bé Ba trúng đậm mít về năng suất và giá cả. Với giá bán trung bình 50 ngàn đồng/kg, vườn mít giúp ông có lợi nhuận mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Ông Bé Ba còn nuôi thỏ, gà, vịt... để tăng thu nhập. Cùng với đó, các con của ông đã lớn khôn, đi làm phụ giúp gia đình. “Không thể nghèo bền vững để trông chờ sự giúp đỡ của Nhà nước, mình phải không ngừng nỗ lực vươn lên. Tôi rất vui vì kinh tế gia đình phát triển và đã được công nhận thoát nghèo năm 2019. Gia đình tôi tích lũy được một số tiền đang gửi ngân hàng, dự định xây dựng ngôi nhà mới khang trang hơn trong thời gian tới” - ông Bé Ba phấn khởi nói.

Đồng chí Bùi Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ An cho biết: “Trước đây, vợ chồng chú Bé Ba không có nghề nghiệp ổn định, ít đất sản xuất lại đông con nên kinh tế rất khó khăn và là hộ nghèo của xã. Tuy nhiên, vợ chồng chú không “đầu hàng” trước cái nghèo mà nỗ lực lao động, nghiên cứu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả nên đã thoát nghèo, kinh tế gia đình phát triển. Chú Bé Ba là một trong những tấm gương tiêu biểu của địa phương về tinh thần, ý chí vượt qua nghèo khó”. UBND tỉnh Đồng Tháp đã tặng Bằng khen cho gia đình ông Nguyễn Văn Bé Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020.

N.AN

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/gia-dinh-ong-nguyen-van-be-ba-no-luc-vuot-qua-ngheo-kho-97653.aspx