Giá đồng ở Mỹ đắt nhất thế giới, nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng
Do Tổng thống Trump áp thuế quan 50% lên đồng nhập khẩu, giá đồng ở Mỹ chênh lệch cao hơn tới 2.600 USD/oz so với giá đồng tại thị trường London...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Giá kim loại đồng ở Mỹ tăng vọt sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế quan 50% lên đồng nhập khẩu. Đà tăng mạnh đã đưa giá đồng ở Mỹ trở nên đắt đỏ nhất thế giới và có thể ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp và nền kinh tế nước này - theo hãng tin CNBC.
Mỹ nhập khẩu gần một nửa lượng đồng - kim loại được sử dụng phổ biến trong máy móc, đồ điện tử, hàng gia dụng, cho tới xây dựng - mà nước này tiêu thụ. Ông Trump đã tuyên bố muốn tăng hoạt động sản xuất đồng trong nước, nhưng giới chuyên gia nói rằng việc này đòi hỏi thời gian nhiều năm và thậm chí sẽ phải mất nhiều thập kỷ để Mỹ có thể tự cung tự cấp được đồng. Chưa kể, chi phí sản xuất cũng là một vấn đề lớn.
Các nhà giao dịch cho biết kể từ khi ông Trump công bố ý định áp thuế quan lên đồng vào tháng 2 năm nay, các nhà nhập khẩu đồng ở Mỹ đã ra sức giành giật đồng từ các thị trường từ Á sang Âu để đưa về Mỹ. Tuần này, ông Trump tuyên bố thuế quan 50% đối với đồng nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 1/8.
Hôm thứ Ba, giá đồng ở Mỹ tăng 13%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất từ năm 1989, đóng cửa ở mức kỷ lục 5,69 USD/pound. Trong khi đó, giá đồng trên sàn LME ở London chỉ tăng 0,3%.
Ngày thứ Năm, giá đồng ở LME và Sở giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) đương đầu với áp lực giảm giá, dao động gần mức thấp nhất 3 tuần. Giá đồng ở LME giao dịch gần mức 9.650 USD/tấn và giá đồng ở SHFE dao động trên ngưỡng 10.910 USD/tấn. Trong khi đó, giá đồng trên sàn COMEX ở Mỹ duy trì gần mức cao kỷ lục.
Chênh lệch cao hơn (premium) của giá đồng trên sàn COMEX so với giá đồng ở LME có lúc lên tới 26% trong phiên ngày thứ Tư, tương đương chênh lệch hơn 2.600 USD/tấn - theo dữ liệu của công ty Benchmark Mineral Intelligence.
Do giá đồng ở Mỹ không ngừng tăng cao dù lượng đồng tồn trữ ở nước này lớn hơn bình thường, chênh lệch giữa giá đồng trên sàn COMEX với giá đồng ở LME đã dao động từ 500-1.500 USD/oz kể từ khi ông Trump yêu cầu cơ quan chức năng Mỹ mở cuộc điều tra đối với kim loại đồng nhập khẩu vào tháng 2. Thông thường, chênh lệch giá đồng giữa hai thị trường thường không đáng kể. Vào năm ngoái, mức chênh lệch là khoảng 150 USD/tấn.
Trong khi đó, giá đồng ở thị trường Thượng Hải nhìn chung duy trì được khoảng cách chênh lệch nhỏ với giá đồng ở LME.
Benchmark dự báo đến tháng 8 năm nay, khi thuế quan 50% của Mỹ đối với đồng có hiệu lực, người tiêu dùng ở Mỹ có thể sẽ phải mua đồng với giá 15.000 USD/tấn, trong khi phần còn lại của thế giới chỉ phải trả mức giá 10.000 USD mỗi tấn đồng.
Khoảng chênh lệch giá lớn này sẽ bắt đầu có ảnh hưởng lớn về mặt kinh tế - trưởng phân tích về thị trường đồng của Benchmark, ông Daan de Jonge, nhận định. “Về chi tiêu của hộ gia đình, khi mua tủ lạnh, điều hóa, ô tô… mới, mọi thứ sẽ đắt hơn. Nhà sản xuất chắc chắn sẽ phải đẩy phần chi phí tăng thêm do giá đồng tăng về phía người tiêu dùng”, ông nói. Tùy thuộc vào mức thuế quan cuối cùng mà Mỹ áp lên hàng nhập khẩu, người tiêu dùng Mỹ có thể chọn mua hàng nhập khẩu nếu hàng sản xuất ở Mỹ đắt hơn sản phẩm nhập khẩu đó do giá đồng ở Mỹ cao hơn.

Chênh lệch giữa giá đồng ở New York và London - Đơn vị: USD/tấn.
“Nếu nhìn vào đầu tư công, nợ của chính phủ Mỹ đang có lãi suất cao hơn, đồng USD lại đang giảm giá. Giờ thì giá nguyên vật liệu thô lại tăng mạnh. Tôi cho rằng điều này sẽ bắt đầu có ảnh hưởng tới công ăn việc làm”, ông Jonge phát biểu.
Một tác động khác là các dự án có thể thay thế đồng bằng nhôm, kim loại có giá rẻ hơn và có thể dùng để thay thế đồng trong một số trường hợp. Nhưng nhôm nặng hơn và đòi hỏi chi phí tốn kém hơn để bảo trì trong dài hạn, ông Jonge nói.
Trở ngại đối với việc tăng sản lượng đồng ở Mỹ bao gồm thời gian cấp phép khai mỏ kéo dài và chi phí khổng lồ của việc mở những mỏ đồng mới.
“Vấn đề là liệu Mỹ có thay thế được hàng nhập khẩu bằng hàng sản xuất trong nước hay không và bao lâu thì thay thế được”, chuyên gia cấp cao Peter Chase của tổ chức German Marshall Fund nói với CNBC. Các nguồn cung cấp đồng lớn của Mỹ bao gồm Chile, Canada, Peru và Mexico. “Thuế quan 50% không có nghĩa là sản lượng đồng của Mỹ sẽ tăng bùng nổ ngay vào ngày mai”.
Cũng theo ông Chase, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ sẽ sớm cảm nhận tác động của thuế quan đồng và giá đồng ở nước này tăng cao có thể ảnh hưởng bất lợi tới các kế hoạc xây dựng hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI) của Mỹ.