Giá dừa khô duy trì ở mức cao, người trồng phấn khởi

Hiện tại, các xã chuyên canh dừa trong vùng ngọt hóa Gò Công ở các địa phương phía Đông của tỉnh Đồng Tháp, thương lái đến thu mua dừa khô nguyên liệu với giá từ 150.000 - 180.000 đồng/chục (12 trái).

Dừa khô được sơ chế (lột vỏ).

Dừa khô được sơ chế (lột vỏ).

Ông Nguyễn Văn Thanh ở xã Bình Ninh, tỉnh Đồng Tháp vừa thu hoạch 0,8 ha dừa được 1.400 trái, bán được giá 180.000 đồng/chục, lợi nhuận thu được hơn 15 triệu đồng.

Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Bí thư Đảng ủy xã Bình Ninh, tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhằm phát huy tiềm năng cùng thế mạnh cây dừa trong nền nông nghiệp hàng hóa, xã tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 11/01/2022 về phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây dừa đến năm 2025 cùng những năm tiếp theo.

Địa phương khuyến khích nông dân thay đổi tập quán, ứng dụng rộng rãi khoa học - kỹ thuật nông nghiệp thâm canh; đồng thời, khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng dừa hữu cơ nhằm nâng chất lượng cùng giá trị sản phẩm dừa trên thị trường. Địa bàn xã Bình Ninh hiện có 10 ha dừa sản xuất theo tiêu chí GlobalGAP, 20 ha sản xuất theo tiêu chí GlobalGAP cùng 78 tổ hợp tác, 6 hợp tác xã, 4 doanh nghiệp và 30 cơ sở thu mua, sơ chế sản phẩm có liên quan từ trái dừa.

Xã Bình Ninh cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ cho trên 300 lượt nông dân vùng chuyên canh; trong đó, chú trọng hướng dẫn về quy trình trồng dừa hữu cơ, sử dụng phân và thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục được phép, ghi chép nhật ký canh tác, không sử dụng các chất bị cấm và đảm bảo thời gian cách ly... Việc khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào thâm canh đã giúp tăng năng suất dừa tại địa phương từ 22 tấn/ha/năm trước đây lên 24 tấn/ha/năm thời điểm hiện tại.

Đồng Tháp hiện có hơn 21.654 ha dừa, với diện tích cho trái là 18.116 ha, năng suất đạt 13,5 tấn/ha, sản lượng 244.115 tấn/năm, tập trung tại xã chuyên canh dừa trong vùng ngọt hóa Gò Công ở các địa phương phía Đông của tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, diện tích dừa đã tăng 5.749 ha, với tốc độ tăng trưởng diện tích trung bình 4,5%/năm. Theo thống kê, khi cây dừa vào giai đoạn cho thu hoạch ổn định, nhà vườn trồng dừa thu lợi nhuận trung bình khoảng 91,2 triệu đồng/ha/năm.

Tới đây, để khai thác tiềm năng phát triển của cây dừa, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp sẽ kiến nghị với UBND tỉnh cho chủ trương để phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương xây dựng đề án phát triển cây dừa trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, tỉnh Đồng Tháp sẽ thành lập các hợp tác xã để người dân trồng dừa phải tham gia hợp tác xã và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Các sở, ngành liên quan sẽ hỗ trợ các hợp tác xã, người dân trồng dừa xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ...

Một trong điều kiện thuận lợi cho phát triển tiềm năng cây dừa ở tỉnh Đồng Tháp là Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang đã đầu tư nhà máy chế biến trái cây cùng các sản phẩm từ trái dừa tại xã Bình Ninh với công suất chế biến 300.000 trái dừa/ngày đêm. Công ty sẵn sàng bao tiêu dừa hữu cơ cho nông dân.

Vừa qua, dừa tươi Đồng Tháp đã được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc do Công ty cổ phần FADO IExport thực hiện với 3 container cùng 70 tấn dừa tươi, bằng đường sắt liên vận quốc tế. Đây là tín hiệu vui cho mặt hàng này cũng như tạo ra cơ hội "ăn nên làm ra" cho các địa phương chủ lực về dừa; trong đó, có tỉnh Đồng Tháp.

Tin, ảnh: Hữu Chí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/gia-dua-kho-duy-tri-o-muc-cao-nguoi-trong-phan-khoi-20250714125213296.htm