Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, trang bị 'chìa khóa' chính sách và công cụ cho doanh nghiệp Việt

Ngày 14/7, chương trình đào tạo về Kinh tế tuần hoàn và Sản xuất, Tiêu dùng bền vững đã diễn ra, mở đầu cho chuỗi tập huấn tăng cường năng lực cho doanh nghiệp do Bộ Công Thương, UNDP và Đại sứ quán Hà Lan phối hợp tổ chức.

Hợp tác chiến lược vì một nền kinh tế xanh

Trong bối cảnh áp lực từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và các tiêu chuẩn xanh từ thị trường quốc tế ngày càng gia tăng, việc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững không còn là lựa chọn, mà đã trở thành mệnh lệnh sống còn. Chương trình đào tạo cơ bản về Kinh tế tuần hoàn và Sản xuất, Tiêu dùng bền vững đã chính thức khai mạc tại TP. Hồ Chí Minh, thu hút sự tham gia đông đảo của đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách.

Sự kiện được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, là hoạt động khởi đầu cho chuỗi tập huấn chuyên sâu kéo dài một tuần, nằm trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy Kinh tế Tuần hoàn cho doanh nghiệp” (ACE-Biz) do Bộ Công Thương, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Hà Lan phối hợp triển khai.

Toàn cảnh buổi đào tạo trực tiếp.

Toàn cảnh buổi đào tạo trực tiếp.

Chương trình không chỉ là một khóa học, mà còn là một diễn đàn cấp thiết, nơi các bên liên quan cùng nhau mổ xẻ những thách thức, cập nhật các khung chính sách mới nhất và trang bị những công cụ thực tiễn để chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc chương trình, Bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương), khẳng định: "Kinh tế tuần hoàn không còn là một lựa chọn, mà là một yêu cầu tất yếu để đảm bảo sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Bộ Công Thương cam kết đồng hành, tạo dựng hành lang pháp lý thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động cụ thể như các chương trình đào tạo về kinh tế tuần hoàn, giúp doanh nghiệp không chỉ tuân thủ quy định mà còn biến thách thức thành cơ hội."

Đại diện nhà tài trợ, Bà Fleur Gribnau, Thư ký Thứ Nhất Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, chia sẻ những kinh nghiệm thành công từ Hà Lan và nhấn mạnh vai trò của hợp tác quốc tế. Bà cho biết: " Chúng tôi tin rằng, thông qua việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật, dự án ACE-Biz sẽ tạo ra những tác động lan tỏa, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tự tin hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững."

Đại diện nhà tài trợ, Bà Fleur Gribnau, Thư ký Thứ Nhất Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, chia sẻ những kinh nghiệm thành công từ Hà Lan và nhấn mạnh vai trò của hợp tác quốc tế.

Đại diện nhà tài trợ, Bà Fleur Gribnau, Thư ký Thứ Nhất Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, chia sẻ những kinh nghiệm thành công từ Hà Lan và nhấn mạnh vai trò của hợp tác quốc tế.

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, nêu bật vai trò của KTTH trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). "UNDP nhận thấy tiềm năng to lớn của kinh tế tuần hoàn trong việc giảm phát thải, bảo vệ tài nguyên và tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng một hệ sinh thái toàn diện cho kinh tế tuần hoàn, nơi chính sách, tài chính và công nghệ được kết nối chặt chẽ để hỗ trợ doanh nghiệp," ông Haverman phát biểu.

Giải mã "Mê cung" chính sách và yêu cầu thị trường

Một trong những nội dung được các doanh nghiệp quan tâm nhất là việc cập nhật và diễn giải các khung chính sách liên quan. PGS. TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED), đã hệ thống hóa các chính sách quan trọng trong nước như Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP với quy định về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), và đặc biệt là Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh, việc hiểu rõ các quy định này không chỉ giúp doanh nghiệp tránh rủi ro pháp lý mà còn là cơ sở để xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn.

Trong khi đó, GS. Timber Haaker từ Đại học Khoa học ứng dụng Saxion (Hà Lan) đã "giải mã" các yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế, đặc biệt là châu Âu. Các khái niệm như Thỏa thuận Xanh châu Âu (EU Green Deal), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), và Quy định về thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR) kèm theo Hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số (DPP) đã được phân tích cặn kẽ. "Đây không còn là những xu hướng xa vời, mà là những hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt và vượt qua. Việc chuẩn bị từ bây giờ là vô cùng cấp thiết," GS. Haaker cảnh báo.

Từ lý thuyết đến công cụ thực hành

Công cụ Đánh giá tác động vòng đời sản phẩm (LCA) theo tiêu chuẩn ISO 14040 và 14044 đã được TS. Hồ Hữu Lân, Đánh giá viên trưởng Bereau Veritas ISO 14040- 14044, giới thiệu chi tiết. Thông qua các bài học thành công từ ngành bao bì và dệt may tại Việt Nam, các đại biểu sẽ có cơ hội hình dung rõ hơn về cách thức áp dụng LCA để xác định các "điểm nóng" về môi trường trong chuỗi giá trị, từ đó đưa ra các giải pháp cải tiến hiệu quả, tối ưu hóa việc sử dụng nguyên liệu và năng lượng.

Đặc biệt, GS. Timber Haaker đã trực tiếp hướng dẫn quy trình xây dựng kế hoạch chuyển đổi kinh doanh tuần hoàn cho doanh nghiệp theo tiêu chuẩn mới nhất ISO 59010:2024. Quy trình 5 bước, từ xác định mục tiêu, lựa chọn chiến lược, chuyển đổi mô hình, xây dựng mạng lưới đối tác đến đánh giá và cải tiến liên tục, cung cấp một lộ trình rõ ràng, có cấu trúc để doanh nghiệp có thể tự áp dụng…

Những thành viên tham gia chương trình đào tạo chụp hình kỷ niệm với ban tổ chức.

Những thành viên tham gia chương trình đào tạo chụp hình kỷ niệm với ban tổ chức.

Với sự dẫn dắt của các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng cách tiếp cận bài bản, thực tế, chương trình không chỉ dừng ở lý thuyết, mà đã bắt đầu trang bị cho doanh nghiệp “hành trang” vững chắc – từ chính sách, tiêu chuẩn đến công cụ thực hành.

Trong những ngày tới, chuỗi đào tạo sẽ đi vào các nội dung chuyên sâu hơn, đặc biệt dành riêng cho các ngành nhựa và dệt may – những ngành chịu sức ép lớn từ thị trường về phát thải và sử dụng tài nguyên. Đây hứa hẹn sẽ là cơ hội quý giá để cung cấp những giải pháp kỹ thuật sâu hơn cho các doanh nghiệp Việt, phù hợp với đặc thù của từng ngành hàng trong hành trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.

Hữu Hiệp

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thuc-day-kinh-te-tuan-hoan-trang-bi-chia-khoa-chinh-sach-va-cong-cu-cho-doanh-nghiep-viet-100335.html