Giá gạo tăng trở lại, lúa giữ ổn định ngày đầu tuần
Hoạt động xuất khẩu gạo năm 2024 của Việt Nam tiếp tục được dự báo lạc quan, với nhiều tín hiệu tích cực kể cả về thị trường và giá.
Gạo tăng trở lại, lúa ổn định
Giá lúa gạo hôm nay (25/3) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ với gạo, trong khi đó giá lúa giữ ổn định. Cụ thể, theo số liệu trên báo Quân Đội Nhân Dân giá gạo bật tăng trở lại với mức tăng từ 50 đến 300 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu IR 504 tăng 100 đồng/kg lên mức 10.700 - 10.750 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 duy trì ổn định ở mức 13.100 - 13.200 đồng/kg, tăng 2002 - 300 đồng/kg.
Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm IR 504 tăng 50 đồng/kg lên mức 10.650 - 10.750 đồng/kg. Trong khi đó, cám khô duy trì ổn định quanh mức 5.000 - 5.050 đồng/kg.
Tại các chợ lẻ, giá gạo đi ngang. Theo đó, giá gạo thường dao động quanh mốc 14.000 - 15.000 đồng/kg; gạo Jasmine 17.000 - 18.000 đồng/kg; gạo Nàng Nhen 26.000 đồng/kg; thơm thái hạt dài 19.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Hương lài 21.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg.
Trong khi đó, Giá lúa hôm nay không biến động. Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa IR 50404 duy trì ở mức 7.400 - 7.600 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 7.600 - 7.800 đồng/kg; lúa OM 380 dao động 7.500 - 7.600 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 dao động quanh mốc 7.700 - 7.900 đồng/kg; giá lúa OM 18 ở mức 7.900 - 8.100 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 duy trì quanh mốc 7.900 - 8.000 đồng/kg.
Đặc biệt, trên thị trường lúa, bình quân giá lúa tươi mua tại ruộng ở mức 7.800 - 8.200 đồng/kg. Ghi nhận tại các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, thị trường giao dịch ổn định. Tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang lúa thơm các loại vững giá, giao dịch có đều, nhu cầu mua khá. Giao dịch chủ yếu là lúa ST 24. Tại Cần Thơ, lúa vụ Đông Xuân vãn đồng nhiều, nông dân bắt đầu sạ vụ hè thu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến giữa tháng 3, các tỉnh Nam Bộ đã thu hoạch 796.837ha, chiếm trên 50% diện tích gieo trồng. Các địa phương cũng đã xuống giống vụ Hè Thu đạt 195.669 ha, chiếm 14% so với kế hoạch; tập trung tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ổn định sau phiên điều chỉnh tăng. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo tiêu chuẩn 5% tấm hiện ở mức 596 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 568 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 481 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo năm 2024 vẫn lạc quan
Năm 2023 là năm thành công lớn của ngành lúa gạo nước ta. Việt Nam tiếp tục là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Hoạt động xuất khẩu gạo năm 2024 của Việt Nam tiếp tục được dự báo lạc quan, với nhiều tín hiệu tích cực kể cả về thị trường và giá.
Dẫn số liệu dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023- 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo bằng năm 2023 nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực.
Theo ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2024, giữa bối cảnh theo các chuyên gia dự báo tình hình thế giới vẫn sẽ có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ các tháng đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 1-2024 đã đạt 362 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt.
Ngành nông nghiệp và các thương nhân ngành lúa gạo tin tưởng, xuất khẩu gạo năm 2024 vẫn rất lạc quan, đặc biệt là ở yếu tố giá. Gạo vẫn là mặt hàng xuất khẩu mang về giá trị kim ngạch lớn hơn năm ngoái.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên báo Lao Động, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho hay: Việt Nam có thể đáp ứng khoảng trên 8 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu mà không cần mở thêm diện tích trồng lúa.
“Kế hoạch sản xuất lúa năm nay khoảng xấp xỉ 7,1 triệu hécta, sản lượng 43,4 triệu tấn thóc, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống và dành khoảng trên 8 triệu tấn gạo xuất khẩu. Về cơ bản rất khó để tăng diện tích, chỉ thích ứng giảm thiểu thấp nhất ảnh hưởng của El Nino và các điều kiện bất thuận khác để tăng sản lượng lúa gạo”, ông Cường khẳng định.
Một số chuyên gia ngành lúa gạo cũng cho hay, mặc dù tiềm năng xuất khẩu gạo lớn, nhưng cũng khó tăng thêm diện tích trồng lúa bởi diện tích ở miền Bắc đã hết. Còn diện tích tại khu vực phía Nam thì ảnh hưởng của ngập mặn sẽ tác động lên sản lượng và chất lượng lúa. Do đó, để tăng sản lượng, cần thực hiện các giải pháp chứ không thể cứ mở thêm diện tích là có thêm lúa gạo.
Trúc Chi (t/h)