Giá heo hơi hôm nay 6/1: Đi ngang, phấn đấu mục tiêu xuất khẩu chăn nuôi đạt trên 1 tỷ USD vào năm 2025
Giá heo hơi hôm nay đi ngang trên cả nước. Ngành chăn nuôi Việt Nam hiện đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1 - 1,5 tỷ USD vào năm 2025.
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Bắc
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc tiếp tục đi ngang, dao động trong khoảng 50.000 – 52.000 đồng/kg.
Cụ thể, thương lái tại Hưng Yên, Hà Nội và Tuyên Quang tiếp tục thu mua heo hơi với giá cao nhất khu vực là 52.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại các địa phương còn lại ổn định, dao động trong khoảng 50.000 – 51.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên ổn định, dao động trong khoảng 48.000 - 50.000 đồng/kg.
Trong đó, mức giá thấp nhất khu vực là 48.000 đồng/kg được ghi nhận tại Đắk Lắk, Bình Thuận, Quảng Trị và Khánh Hòa.
Ở chiều ngược lại, 50.000 đồng/kg là mức giá cao nhất khu vực được ghi nhận tại Thanh Hóa, Quảng Bình và Lâm Đồng.
Giá heo hơi tại các địa phương khác ổn định ở mức 49.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Nam
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Nam đi ngang theo xu hướng chung, dao động trong khoảng 49.000 - 51.000 đồng/kg.
Trong đó, thương lại tại Cà Mau hiện thu mua heo hơi với mức giá cao nhất khu vực là 51.000 đồng/kg.
Ở chiều ngược lại, mức giá thấp nhất khu vực được ghi nhận tại các địa phương bao gồm: Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre và Sóc Trăng.
Giá heo hơi tại các địa phương còn lại ở mức 50.000 đồng/kg.
Theo dõi giá heo hơi được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Phấn đấu giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1 - 1,5 tỷ USD vào năm 2025
Ngày 30/12/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành Quyết định số 1740/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030.
Mục tiêu của Đề án là nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể, đối với giết mổ gia súc, gia cầm, Đề án hướng đến phát triển một số cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp với thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa; Bảo đảm tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025; khoảng 70% và 50% vào năm 2030.
Về chế biến thịt, Đề án đặt mục tiêu phát triển một số cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô, công nghệ, quản lý ngang tầm khu vực và thế giới; bảo đảm tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt tương ứng từ 25 - 30% năm 2025 và từ 40 - 50% vào năm 2030. Trong đó, tốc độ tăng giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi chế biến bình quân đạt khoảng 2 - 3%/năm hiện nay lên 3,5 – 4,5%/năm giai đoạn 2023 - 2025 và 4,5 – 5,5%/năm giai đoạn 2026 - 2030.
Đối với trình độ công nghệ, hiện nay, cơ sở chế biến thịt quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ khoảng từ 15% tăng lên 25 - 30% vào năm 2025 và 50 - 55% vào năm 2030; tỷ lệ cơ sở công nghệ trung bình tiên tiến từ khoảng 53% giảm còn 45 - 50% vào năm 2025 và 35 - 40% vào năm 2030; tỷ lệ cơ sở trình độ công nghệ trung bình và lạc hậu từ khoảng 32% giảm còn 20 - 25% vào năm 2025 và 5 - 10% vào năm 2030.
Đồng thời, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1 - 1,5 tỷ USD vào năm 2025 và từ 3 - 4 tỷ USD vào năm 2030.
Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, Đề án nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp. Trước hết cần nâng cao chất lượng giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến. Tiếp đó, phát triển hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chế biến các sản phẩm chăn nuôi. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết dọc và tăng cường kiểm soát chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi chế biến. Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong nước và xuất khẩu.