Giá hồ tiêu và cà phê sẽ còn căng thẳng trong 5 năm tới
Sản lượng suy giảm, trong khi nhu cầu ngày càng tăng, dự báo, trong 5 năm tới, sự căng thẳng về giá hồ tiêu và cà phê còn lớn hơn rất nhiều so với hiện tại.
Theo Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nửa đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 902.000 tấn cà phê, thu về 3,22 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê xuất khẩu giảm 10,5% nhưng giá trị lại tăng mạnh 34,6%. Lý do là giá cà phê xuất khẩu bình quân tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Tương tự, tính đến giữa tháng 6/2024, nước ta xuất khẩu gần 129.000 tấn hồ tiêu các loại, kim ngạch đạt 565,3 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng hồ tiêu xuất khẩu giảm 10% nhưng giá trị lại tăng mạnh 27% nhờ giá hạt tiêu tăng mạnh và neo ở ngưỡng cao.
Tại thị trường nội địa, tính chung, trong niên vụ vừa qua, giá cà phê tăng 320%, đem lại lợi nhuận lớn cho người nông dân. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu và mua hàng trên thế giới gặp rất nhiều khó khăn vì giá cao và nguồn cung giảm.
Cụ thể, giá cà phê thời điểm tháng 1/2024 ở ngưỡng 78.900 đồng/kg, sau đó tăng dựng đứng và đạt đỉnh lịch sử 134.000 đồng vào ngày 29/4. Thời điểm hiện tại, giá cà phê nhân xô tại thị trường nội địa dao động từ 120.000 - 121.000 đồng/kg.
Cùng với giá cà phê, giá hồ tiêu cũng bất ngờ tăng phi mã từ đầu năm đến nay. Cụ thể, đầu năm nay, giá hồ tiêu chỉ dao động ở 80.000 - 82.000 đồng/kg, sau đó giá tăng từng ngày. Đặc biệt, nửa đầu tháng 6 vừa qua, giá loại hạt này tăng sốc, đạt đỉnh 180.000 đồng/kg vào ngày 12/6 - mức cao kỷ lục tính từ năm 2016. Những ngày gần đây, giá hạt tiêu dao động từ 152.000 - 155.000 đồng/kg.
Giá hồ tiêu xuất khẩu cũng tăng phi mã. Hiện các loại tiêu đen của Việt Nam được giao dịch ở mức 6.400 - 6.900 USD/tấn, tăng 67,5% so với thời điểm đầu năm nay; tiêu trắng có giá 9.500 USD/tấn, tăng 66,7%. Đáng chú ý, trong tháng 6/2024, giá tiêu xuất khẩu của nước ta tăng mạnh, từ vị trí chót bảng vọt lên đứng đầu bảng trong Top các nước xuất khẩu lớn trên thế giới.
Giá thành sản xuất cà phê nhân hiện ở mức 36.000 - 40.000 đồng/kg; giá thành sản xuất hồ tiêu ở mức 80.000 đồng/kg. Với mức giá bán hiện nay, nông dân còn hạt tiêu và cà phê sẽ thu lãi lớn.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), niên vụ 2023 - 2024, tổng diện tích trồng cà phê của nước ta là 709.041 ha, sản lượng cà phê giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,47 triệu tấn do yếu tố hạn hán, mất mùa. Đây là mức thấp nhất trong 4 năm.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) dự báo, sản lượng cà phê Robusta niên vụ 2024 - 2025 sẽ chỉ đạt 1,28-1,35 triệu tấn, giảm tới 20% so với niên vụ 2023 - 2024. Sản lượng cà phê của Việt Nam suy giảm khiến nguồn cung Robusta trên toàn cầu tiếp tục bị siết chặt, thúc đẩy giá cà phê thế giới neo cao.
Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cũng thông tin, hiện tượng hạn hán kéo dài dẫn đến sản lượng hồ tiêu năm nay của nước ta giảm 10%, xuống khoảng 170.000 tấn so với năm ngoái, mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây. Nhiều nước sản xuất lớn cũng được dự báo sụt giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và suy giảm diện tích canh tác. Thế nên, giá hồ tiêu được dự báo sẽ tăng mạnh trong những năm tới, bởi áp lực nguồn cung thiếu hụt lượng lớn.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group – nhận định, nguồn cung cà phê, hồ tiêu đều giảm nên giá bán các mặt hàng nông sản này có thể tăng cao. Cùng với những bất lợi về thời tiết khiến sản lượng cà phê và hồ tiêu suy giảm, trong khi nhu cầu ngày càng tăng. Dự báo, trong 5 năm tới, sự căng thẳng về giá còn lớn hơn rất nhiều so với hiện tại.
Về kim ngạch xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, năm 2024, xuất khẩu cà phê chắc chắn sẽ vượt trên 5 tỷ USD, thậm chí có thể lên tới 6 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử. Còn ngành hàng hồ tiêu kỳ vọng sẽ đạt 1 tỷ USD.