Già hóa dân số, khủng hoảng thiếu lao động trầm trọng đe dọa tham vọng kinh tế của Trung Quốc

Dù nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ nhưng lực lượng lao động hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của quốc gia này đang dần thu hẹp lại.

Già hóa dân số đang là một trong những thách thức lớn nhất của Trung Quốc. (Nguồn: AP)

Già hóa dân số đang là một trong những thách thức lớn nhất của Trung Quốc. (Nguồn: AP)

Lực lượng lao động sụt giảm nghiêm trọng

Dữ liệu tổng điều tra dân số vừa được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 11/5 cho thấy, tổng dân số Trung Quốc đã tăng 5,38% lên 1,41 tỷ người trong một thập kỷ qua. Đây là mức thấp nhất kể từ khi cuộc tổng điều tra dân số theo thập kỷ bắt đầu được triển khai vào năm 1953.

Cuộc điều tra cũng cho thấy tỷ lệ sinh trong năm 2020 của Trung Quốc là 1,3 trẻ em/phụ nữ, ngang bằng với các quốc gia có dân số già như Nhật Bản hay Italy. Con số này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã suýt chút nữa bỏ lỡ mục tiêu mà quốc gia này đặt ra vào năm 2016 là tăng dân số lên khoảng 1,42 tỷ người vào năm 2020, với tỷ lệ sinh vào khoảng 1,8 trẻ em/phụ nữ.

Theo NBS, lực lượng lao động của Trung Quốc đang ngày càng giảm đi. Số người trong độ tuổi từ 15 đến 59 đã giảm xuống dưới 900 triệu người, chiếm khoảng 63% tổng dân số và giảm 7% so với con số của thập kỷ trước đó.

Ông He Yafu, một chuyên gia độc lập về nhân khẩu học của Trung Quốc, tháng trước dự đoán dân số sẽ bắt đầu giảm ngay trong năm tới, khi số lượng sinh giảm xuống dưới 10 triệu và số người chết vượt quá 10 triệu.

Đã có những dấu hiệu cho thấy tỷ lệ sinh và dân số quốc gia Trung Quốc đang trên đà giảm, có thể gây những hậu quả nghiêm trọng. Theo số liệu chính thức, Bắc Kinh, thành phố có dân số khoảng 21 triệu người, đã giảm 24,3% tỷ lệ sinh trong năm 2020 so với một năm trước đó.

Năm ngoái, Trung Quốc cũng chứng kiến 10,035 triệu ca sinh được đăng ký mới trong hệ thống đăng ký hộ khẩu, giảm so với 11,79 triệu năm 2019, dù con số này không bao gồm toàn bộ dân số.

Các chuyên gia xã hội học cho rằng, bên cạnh chính sách một con được thực hiện khá nghiêm ngặt trong nhiều thập kỷ thì nhiều thanh niên trẻ ở thành thị, đặc biệt là những người sinh sau năm 1990, có xu hướng coi trọng sự độc lập và sự nghiệp của cá nhân hơn là việc lập gia đình và sinh con, bất chấp những áp lực từ gia đình.

Ngoài ra, chi phí sinh hoạt tăng cao ở các thành phố lớn cũng khiến các cặp vợ chồng trẻ do dự trong việc sinh con.

Theo một báo cáo vào năm 2005 của một tổ chức tư vấn nhà nước, chi phí trung bình để một gia đình bình thường ở Trung Quốc nuôi dạy một đứa trẻ rơi vào khoảng 490.000 Nhân dân tệ (gần 74.838 USD). Đến năm 2020, con số này đã tăng lên tới 1,99 triệu Nhân dân tệ - gấp 4 lần con số của năm 2005.

Các chuyên gia xã hội học nhận định, đây thực sự là một tin xấu, đáng lo ngại đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt và có triển vọng vượt qua Mỹ trong tương lai gần.

Theo dự đoán của ông Lin Yifu, cố vấn Chính phủ và từng là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại một diễn đàn của Chính phủ Trung Quốc vào tháng Ba vừa qua, nền kinh tế Trung Quốc có thể “vượt” Mỹ vào năm 2030 – nếu quốc gia này duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 5% đến 6% trong thập kỷ tới.

Dù vậy, lực lượng lao động đang giảm nhanh có thể khiến triển vọng này trở nên khó khăn hơn.

Ông Yue Su, nhà kinh tế học đến từ tổ chức kinh tế EIU có trụ sở ở London (Anh quốc) ước tính, lực lượng lao động của Trung Quốc có thể giảm tới 5% trong thập kỷ tới.

“Sự suy giảm đáng kể ở lực lượng lao động bắt đầu từ năm 2017 có khả năng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của Trung Quốc. Những đóng góp của nhân khẩu học trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong những thập kỷ gần đây có thể sẽ nhanh chóng tan biến”, ông Yue Su nói.

Xét về bối cảnh, với 13,5% dân số hiện từ 65 tuổi trở lên, Trung Quốc đang có số người cao tuổi gần bằng Nhật Bản những năm đầu thập niên 90 – thời điểm được nhận định là khởi đầu của 3 thập kỷ kinh tế đình trệ và mất mát của quốc gia này.

Nhưng GDP bình quân đầu người hiện tại của Trung Quốc - thước đo về mức sống của mỗi quốc gia – đang ở mức 10.504 USD, kém rất xa so với 31.465 USD của Nhật Bản vào năm 1992, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.

Nhiều thách thức song hành

Tỷ lệ sinh trong năm 2020 của Trung Quốc là 1,3 trẻ em/phụ nữ, ngang bằng với các quốc gia có dân số già như Nhật Bản hay Italy. (Nguồn: CNN)

Tỷ lệ sinh trong năm 2020 của Trung Quốc là 1,3 trẻ em/phụ nữ, ngang bằng với các quốc gia có dân số già như Nhật Bản hay Italy. (Nguồn: CNN)

Tuy nhiên, sự thay đổi về nhân khẩu học không phải là thách thức duy nhất của Trung Quốc.

Kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Trung Quốc hiện vẫn chủ yếu dựa trên sự hỗ trợ của Chính phủ, chưa kể hàng loạt các phi vụ phá sản, vỡ nợ tại nhiều công ty có vốn Nhà nước đang khiến thị trường nợ thêm căng thẳng.

Bên cạnh đó, những rủi ro chính trị cũng đang ngày càng lớn.

Vấn đề Hong Kong và Tân Cương đã khiến quan hệ Trung Quốc và phương Tây thêm căng thẳng, đe dọa tổn hại đến nỗ lực xây dựng các quan hệ đối tác toàn cầu.

Điều bất ngờ là ông Ning Jizhe, người đứng đầu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc lại cho rằng, già hóa dân số mang lại cơ hội thay vì thách thức khi nhu cầu hàng tiêu dùng và công nghệ hướng tới người cao tuổi sẽ gia tăng.

Ông cũng gợi ý gia tăng tuổi hưu, dù vậy đề xuất này cũng đang gây tranh cãi và vấp phải nhiều sự phản đối từ dư luận Trung Quốc.

Các nhà phân tích đến từ Ngân hàng Citi cảnh báo, việc phải chăm sóc số người già ngày càng tăng sẽ kéo theo những gánh nặng tài chính ngày càng leo thang.

“Có thể nói, Trung Quốc đang đối mặt với ẩn số lớn về nhân khẩu học ở các thế hệ tới đây”, các chuyên gia này cho hay.

(theo CNN/Reuters/SCMP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-hoa-dan-so-khung-hoang-thieu-lao-dong-tram-trong-de-doa-tham-vong-kinh-te-cua-trung-quoc-144899.html