Việt Nam cần tái cấu trúc để thích ứng với trật tự thương mại mới
Khi lý thuyết lợi thế cạnh tranh không còn được thực thi một cách tuyệt đối và thương mại tự do không còn là chuẩn mực, Việt Nam phải lựa chọn giữa việc tiếp tục mô hình cũ với nhiều rủi ro hay tái cấu trúc để tồn tại và vươn lên.

Cảng Tân Vũ ở Hải Phòng. Ảnh: Giang Huy
Sự phủ nhận lý thuyết lợi thế cạnh tranh
Lý thuyết lợi thế cạnh tranh, được David Ricardo đề xuất từ đầu thế kỷ 19, là nền tảng cho sự phát triển của toàn cầu hóa và thương mại tự do. Theo Ricardo, các quốc gia nên tập trung sản xuất những ngành mà họ có lợi thế so sánh về năng suất lao động, từ đó tối ưu hóa chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế toàn cầu. Trong một thế giới lý tưởng, nơi các quốc gia giao thương tự do và hợp tác lẫn nhau, mỗi nước sẽ phát huy tối đa thế mạnh của mình, tạo ra sự thịnh vượng chung.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy chính sách thương mại của Mỹ đang đi ngược lại nguyên lý đó. Mỹ tiếp tục áp dụng hàng loạt rào cản thương mại nhằm hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc, EU, Nhật Bản và các nước khác với mục tiêu là giảm thâm hụt thương mại và bảo vệ sản xuất trong nước, nhưng chính sách này cũng đồng thời hạn chế thương mại quốc tế và làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thay vì thúc đẩy sự hợp tác, các biện pháp bảo hộ này khiến các quốc gia bị chia cắt, khó tận dụng được lợi thế so sánh, dẫn đến năng suất sụt giảm và hiệu quả thương mại toàn cầu suy yếu. Trong bối cảnh đó, lý thuyết của Ricardo – vốn từng là kim chỉ nam cho tiến trình toàn cầu hóa – giờ đây đang bị chính thực tiễn phủ nhận.
Thực tế, chính sách bảo hộ này mâu thuẫn trực tiếp với lý thuyết của Ricardo, khi nó hạn chế thương mại và giảm khả năng chuyên môn hóa của các quốc gia. Việc áp thuế quan và các biện pháp hạn chế khác làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến năng suất giảm sút. Các quốc gia sẽ không thể tận dụng lợi thế so sánh của mình, làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu.
Toàn cầu hóa, vốn là động lực phát triển kinh tế trong hơn ba thập kỷ qua, đang bị đẩy lùi. Trước đây, các hiệp định thương mại tự do và sự gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã giúp giảm rào cản, tạo ra một thị trường toàn cầu thống nhất. Nhưng giờ đây, các quốc gia bắt đầu dựng lại các rào cản phi thuế quan, giới hạn nhập khẩu, thắt chặt tiêu chuẩn kỹ thuật – tất cả đều làm tăng chi phí và thu hẹp không gian hợp tác.
Điều này không chỉ tác động đến các nền kinh tế lớn mà còn tạo ra cú sốc đối với các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những nước có độ mở cao như Việt Nam. Khi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nguyên liệu khó tiếp cận, và thị trường xuất khẩu trở nên bất ổn, bài toán đặt ra cho Việt Nam là phải thay đổi mô hình phát triển nếu không muốn bị loại khỏi sân chơi toàn cầu.
Việt Nam cần thích ứng với trật tự thương mại mới
Trong bối cảnh các chính sách bảo hộ ngày càng rõ nét và thương mại tự do bị thu hẹp, Việt Nam – một nền kinh tế mở và đang phát triển – cần phải chủ động thay đổi chiến lược phát triển để thích nghi. Việc giữ nguyên mô hình tăng trưởng dựa vào gia công giá rẻ, khai thác tài nguyên và xuất khẩu hàng hóa có giá trị thấp sẽ không còn phù hợp trong trật tự thương mại mới.
Trước tiên, Việt Nam cần tái cấu trúc nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào gia công và xuất khẩu nguyên liệu thô. Hiện nay, nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam vẫn chủ yếu hoạt động dưới hình thức gia công cho các công ty nước ngoài hoặc xuất khẩu các sản phẩm chế biến đơn giản như nông sản, khoáng sản. Khi các rào cản thương mại gia tăng, những ngành này dễ bị tổn thương nhất do phụ thuộc vào giá đầu vào và đầu ra do thị trường quốc tế quyết định.
Để khắc phục, Việt Nam cần hướng tới nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao và các ngành có tiềm năng lớn như điện tử, dược phẩm, công nghệ thông tin.
Để làm được điều này, nhà nước cần khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D), đổi mới công nghệ, tăng năng lực sản xuất và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Chỉ khi doanh nghiệp Việt có thể sản xuất các sản phẩm có giá trị cao, đủ tiêu chuẩn quốc tế, thì mới có thể thoát khỏi thế yếu trong các cuộc cạnh tranh về thuế quan và bảo hộ.
Thứ hai, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác đa phương và song phương. Mặc dù một số quốc gia lớn đang rút khỏi các cam kết quốc tế, thế giới vẫn duy trì xu hướng hội nhập. Các hiệp định như CPTPP, RCEP, EVFTA chính là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa thị trường, tiếp cận nhiều nền kinh tế mới, và giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Mỹ hay Trung Quốc.
Hợp tác song phương với các nước có tiềm năng cũng rất quan trọng, không chỉ giúp tiếp cận thị trường mà còn tạo điều kiện để Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực. Đồng thời, đó cũng là cơ hội để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, học hỏi quản trị, và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội.
Thứ ba, Việt Nam cần chú trọng phát triển công nghiệp nội địa – nhất là các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến sâu và công nghệ. Việc chỉ dựa vào lắp ráp sẽ khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương khi các nguồn cung linh kiện hoặc nguyên liệu từ nước ngoài bị cắt đứt. Tăng cường năng lực tự chủ trong sản xuất sẽ giúp Việt Nam giảm lệ thuộc vào bên ngoài và tăng khả năng ứng phó với các cú sốc thương mại.
Thứ tư, chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số là xu hướng không thể đảo ngược. Trong bối cảnh thương mại vật lý bị gián đoạn, các kênh số như thương mại điện tử, dịch vụ số, tài chính công nghệ trở thành những công cụ quan trọng để duy trì hoạt động kinh tế. Việt Nam cần tăng tốc đầu tư vào hạ tầng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực số, và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào sản xuất, phân phối, và quản trị.
Thứ năm, cần xây dựng chính sách nội địa vững mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp Việt vượt qua giai đoạn khó khăn. Những chính sách này bao gồm ổn định kinh tế vĩ mô, giảm chi phí vốn, cải cách hành chính, và hỗ trợ tiêu dùng trong nước. Thị trường gần 100 triệu dân nếu được khai thác đúng cách sẽ là bệ đỡ quan trọng để giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu.
Ngoài ra, việc phát triển các ngành công nghiệp chiến lược như năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin và công nghiệp thực phẩm chế biến cũng sẽ góp phần tăng sức đề kháng cho nền kinh tế. Những ngành này không chỉ tạo ra giá trị cao mà còn phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững trên thế giới.
Cuộc chiến thương mại hiện nay không chỉ là cuộc xung đột giữa các cường quốc, mà còn là phép thử đối với mô hình phát triển của các nền kinh tế đang nổi như Việt Nam. Khi lý thuyết lợi thế cạnh tranh không còn được thực thi một cách tuyệt đối và thương mại tự do không còn là chuẩn mực, Việt Nam phải lựa chọn: tiếp tục mô hình cũ với nhiều rủi ro hay tái cấu trúc để tồn tại và vươn lên.
Câu trả lời cần đi kèm hành động quyết liệt: đầu tư vào giá trị gia tăng, phát triển thị trường mới, đẩy mạnh công nghệ và nâng cao nội lực. Chỉ khi làm chủ được năng lực sản xuất, công nghệ và thị trường, Việt Nam mới có thể đứng vững trong trật tự kinh tế thế giới đang thay đổi từng ngày.
----------------------------
(*) Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Trường Kinh doanh UEH