Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tạo hành lang pháp lý thuận lợi khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả rất cần thiết.

Cần thiết ban hành Luật

Chiều 23/4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 8/4/2025, Chính phủ đã có Tờ trình số 176 trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, ban hành Luật, Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/6/2010. Sau 15 năm thi hành, Chính phủ nhận thấy, so với thời điểm ban hành, hệ thống pháp luật hiện nay đã có nhiều thay đổi, nhiều Luật mới có liên quan được ban hành hoặc đã được sửa đổi, bổ sung.

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia theo hướng xanh hóa. Việt Nam đã gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do và cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Cùng với đó, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang là xu hướng chủ đạo, tác động mạnh mẽ, toàn diện lên quá trình quản lý sản xuất, mang lại tiềm năng lớn trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên và nguyên, nhiên vật liệu.

Các thị trường lớn (như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…) cũng đã và đang dựng lên các rào cản kỹ thuật về hàng hóa xanh, nhãn về dấu vết carbon, gây bất lợi rất lớn cho các hàng hóa xuất khẩu chủ lực của nước ta, nếu không có các phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp.

Mặt khác, thực tiễn thi hành Luật cũng cho thấy một số quy định hiện hành của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Vì vậy, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là rất cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương mới của Đảng trong lĩnh vực năng lượng và khắc phục một số vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với bối cảnh trong nước, thế giới hiện nay và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; tận dụng, thu hút được các nguồn lực trong và ngoài nước để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình đầu tư tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Bám sát 4 chính sách lớn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, mục đích, quan điểm xây dựng Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trước những thách thức từ các rào cản kỹ thuật của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản và các khu vực khác trên thế giới thông qua các công cụ hỗ trợ tài chính, cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư các dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và thúc đẩy phát triển, mở rộng thị trường các ngành dịch vụ tư vấn năng lượng.

Đồng thời, góp phần chủ động, tích cực thực hiện các cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả bám sát 4 chính sách sửa đổi, bổ sung đã được Chính phủ thống nhất trình Quốc hội.

Cụ thể gồm: Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quản lý, phát triển đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.

Dự thảo Luật được bố cục gồm 3 điều, trong đó: Điều 1: Sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (gồm 21 khoản liên quan đến các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ của 19 điều của Luật hiện hành); Điều 2: Hiệu lực thi hành và Điều 3: Điều khoản chuyển tiếp.

Các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật tập trung vào việc xây dựng các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp về kỹ thuật và tài chính; cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền và đẩy mạnh chuyển đổi thị trường hiệu suất năng lượng.

Đáng chú ý, dự thảo Luật sửa đổi quy định 2 thủ tục hành chính, giảm 50% so với Luật hiện hành, bao gồm: Cắt giảm thủ tục về cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng theo hướng: Chuyển từ cấp giấy chứng nhận sang hình thức tự công bố, dán nhãn năng lượng; cắt giảm thủ tục cấp chứng chỉ kiểm toán năng lượng.

Như vậy, việc cải cách thủ tục hành chính đã đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính hiện có. Đồng thời, dự thảo Luật cũng phân cấp mạnh cho cơ sở.

Cụ thể là: Thực hiện phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh về ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ quản lý chuyên ngành về ban hành danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và lộ trình thực hiện.

Chỉ giữ lại một nội dung về việc Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục, lộ trình phương tiện, thiết bị phải loại bỏ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và trình độ khoa học công nghệ của đất nước theo từng thời kỳ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Sau phiên họp, trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực năng lượng.

Đồng thời rà soát, xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập (nếu có) với các luật khác để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, phù hợp với bối cảnh trong nước, thế giới hiện nay và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, góp phần thúc đẩy ngành năng lượng phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-tao-hanh-lang-phap-ly-thuan-loi-khuyen-khich-su-dung-nang-luong-tiet-kiem-hieu-qua-384528.html