Giá kim loại công nghiệp tăng vọt nhờ nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc

Giá các kim loại công nghiệp bao gồm đồng và kẽm đã tăng vượt trội trong năm nay do dấu hiệu nhu cầu phục hồi từ các nhà sản xuất Trung Quốc làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt.

Chỉ số theo dõi hiệu suất của sáu kim loại công nghiệp trên Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn đã tăng 8% kể từ đầu năm 2024, vượt xa mức tăng 6,3% của chỉ số chứng khoán toàn cầu của MSCI.

Trong tháng 4, chỉ số này, bao gồm cả chì, nhôm, thiếc và niken đã tăng mạnh khi các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng hơn rằng lãi suất toàn cầu cao kéo dài nhằm kiềm chế lạm phát sẽ không cản trở tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, các nhà phân tích đã nêu lên mối lo ngại rằng những trở ngại trong sản xuất từ các công ty khai thác sẽ hạn chế nguồn cung.

 Đồng đã tăng gần 10% kể từ đầu năm và đạt mức cao nhất trong 15 tháng là 9.523 USD/tấn vào thứ Ba. Ảnh: Oliver Bunic/Bloomberg.

Đồng đã tăng gần 10% kể từ đầu năm và đạt mức cao nhất trong 15 tháng là 9.523 USD/tấn vào thứ Ba. Ảnh: Oliver Bunic/Bloomberg.

Ewa Manthey, chiến lược gia hàng hóa tại ING, cho biết: “Hy vọng về sự phục hồi nhu cầu toàn cầu trong năm nay đang hỗ trợ giá kim loại công nghiệp cao hơn”.

Các thương nhân cũng hoan nghênh những dấu hiệu đầu tiên về nhu cầu quay trở lại từ Trung Quốc, quốc gia có hiệu quả kinh tế suy giảm kể từ sau đại dịch Covid-19. Chỉ số quản lý mua hàng mới nhất của Trung Quốc, được công bố vào cuối tháng 3, báo hiệu tin vui về hoạt động nhà máy mở rộng lần đầu tiên kể từ tháng 9.

Kim loại đồng đã tăng gần 10% kể từ đầu năm 2024 và đạt mức cao nhất trong 15 tháng là 9.523 USD/tấn vào thứ Ba (9/4). Kim loại này có nhiều ứng dụng đa dạng bao gồm xây dựng, đường dây điện và xe điện, được nhiều người coi là phong vũ biểu quan trọng về sức khỏe kinh tế toàn cầu.

Vào tháng 3, các nhà máy luyện đồng của Trung Quốc, nơi xử lý hơn một nửa nguồn cung kim loại đỏ của thế giới, đã đồng ý bắt tay vào việc cắt giảm sản lượng chung hiếm hoi để đối phó với tình trạng thiếu nguyên liệu thô, mặc dù vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Morgan Stanley hiện dự đoán sản lượng đồng khai thác sẽ giảm 0,7% trong năm nay. Trong khi Macquarie dự đoán trong tuần này rằng tăng trưởng sản xuất kẽm tinh chế sẽ giảm 0,4%.

Trong khi đó, giá kẽm trên LME tăng 0,8%, giao dịch ở mức 2.756 USD/tấn vào thứ Năm, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2023. Thiếc, nhôm và chì cũng đạt mức cao nhất nhiều tháng trong tuần này.

Các nhà phân tích cho rằng sự lạc quan mới đối với kim loại phần lớn là nhờ Trung Quốc, nhưng theo Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, điều đó cũng được hỗ trợ không kém bởi “dữ liệu mạnh mẽ trong lĩnh vực xây dựng ở Mỹ và châu Âu”.

Đầu tuần, ngân hàng Bank of America (Mỹ) đã nâng dự báo giá đối với các kim loại công nghiệp do dự đoán nguồn cung thắt chặt và nhu cầu tăng nhanh, đặc biệt là đối với đồng.

Nhà môi giới dự báo giá đồng và nhôm sẽ tăng lên mức trung bình lần lượt là 12.000 USD/tấn và 3.250 USD/tấn vào năm 2026.

Barclays khuyến nghị nên đầu tư nhiều vào cổ phiếu khai thác mỏ ở châu Âu, nơi sẽ được hưởng lợi từ giá kim loại tăng và những “dấu hiệu sống” mới ở Trung Quốc. Lĩnh vực này tụt hậu so với thị trường chung trong phần lớn năm nay nhưng đã hoạt động tốt hơn kể từ đầu tháng Tư.

Điệp Nguyễn (Theo FT)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-kim-loai-cong-nghiep-tang-vot-nho-nhu-cau-ngay-cang-tang-cua-trung-quoc-post291424.html