Gia Lai cần khoảng 17.000 tỷ đồng đầu tư hệ thống tưới tiêu cơ bản
Sau sáp nhập, Gia Lai xác định đầu tư hạ tầng là then chốt để tháo gỡ điểm nghẽn, trong đó cấp thiết là xây dựng hệ thống tưới vùng Gia Lai cũ.
Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai diễn ra ngày 7/7, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, sau sáp nhập, tỉnh cần nhận diện khó khăn, thách thức, trong đó đặc biệt là hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh, để có giải pháp tập trung tháo gỡ, tạo bước đột phá cho giai đoạn phát triển mới.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Quốc Dũng chỉ đạo tại hội nghị.
Một trong những nội dung được Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo quyết liệt là giải quyết căn cơ bài toán nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Dù có tổng dung tích hồ chứa hơn 600 triệu m³ nước, hệ thống hạ tầng thủy lợi ở Gia Lai cũ hiện chỉ đảm bảo tưới cho khoảng 14% diện tích canh tác.
Theo ông Dũng, tỉnh Gia Lai cũ có tổng dung tích hồ chứa tương đương Bình Định cũ nhưng hiệu quả khai thác rất thấp do hạ tầng tưới tiêu còn yếu kém.
Cụ thể, tỉnh Bình Định cũ có tổng dung tích các hồ chứa khoảng 650 triệu m3 nước cùng hệ thống tưới tiêu (khoảng 85% hệ thống kênh mương hóa) đồng bộ có thể chủ động tưới được 95% diện tích đất canh tác, tương đối phủ kín địa bàn từ miền núi đến đồng bằng.
Trong khi đó, tỉnh Gia Lai cũ có trên 600 triệu m3 nước nhưng diện tích tưới chỉ được khoảng 68.000 ha, tương đương khoảng 14% tổng diện tích đất canh tác của tỉnh Gia Lai cũ. Đây là khó khăn, thách thức lớn của tỉnh trong việc phát triển kinh tế sau này.

Bình Định cũ đã chủ động tưới được 95% diện tích đất canh tác, trong khi đó Gia Lai cũ chủ động khoảng 14% diện tích đất canh tác.
Để giải quyết bài toán này, Bí thư Tỉnh ủy cho biết phải cần khoảng 17.000 tỷ đồng để đầu tư hệ thống tưới tiêu cơ bản cho vùng Gia Lai cũ. Ông Dũng cho hay, đây là số tiền khá lớn, cần phải chia ra từng bước, thời gian cụ thể; tranh thủ tận dụng nguồn vốn Trung ương, vốn tỉnh hoặc hình thành dự án mới để vay ODA.
"Nếu 5 năm tới không giải quyết được chuyện này, chính chúng ta có lỗi với dân. Tỉnh có đầy đủ tiềm năng thế mạnh, đứng thứ hai của cả nước về diện tích nên chỉ tiêu này không có lý gì không thể làm được. Tỉnh sẵn sàng đương đầu khó khăn, thử thách, tạo áp lực để phát triển", Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai khẳng định.

Quang ảnh hội nghị.
Theo ông Dũng, đây là lúc bước vào giai đoạn tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trong điều kiện còn khó khăn, thách thức chung.
"Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ các nội dung, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, hiệu quả, nhất là xác định rõ những giải pháp trọng tâm, khả thi để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ chính trị đề ra", Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đề nghị.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, mặc dù chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi như tình hình quốc tế phức tạp, giá cả thị trường biến động, dòng vốn chậm, thiên tai, dịch bệnh nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Bình Định (cũ) và Gia Lai (cũ) đều đạt được những kết quả tích cực.
Tỉnh Bình Định (cũ) ước đạt mức tăng trưởng GRDP 7,92%; Gia Lai (cũ) đạt 6,9%.
Tính chung toàn tỉnh Gia Lai (mới) đạt mức tăng trưởng 7,49%. Nhiều lĩnh vực như đầu tư, thương mại, dịch vụ, văn hóa - xã hội, xây dựng Đảng, quốc phòng - an ninh có chuyển biến rõ rệt, tạo đà thuận lợi cho giai đoạn phát triển tiếp theo.