Gia Lai: Cảnh báo phương thức, thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai) vừa có Công văn gửi Công an cấp xã trên địa bàn tỉnh về việc tăng cường công tác tuyên truyền phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Tại Công văn, Phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm công nghệ cao cho biết thời gian gần đây, Gia Lai tiếp tục ghi nhận thủ đoạn đối tượng giả danh Công an xã, phường, thị trấn gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, yêu cầu thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến định danh điện từ mức 2 (VNeiD), giả danh nhân viên điện lực, nhân viên giao hàng (Shipper), giả danh nhân viên ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, Cơ quan Công an không bao giờ gọi điện yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP hoặc hướng dẫn truy cập vào đường link lạ. Người dân chỉ thực hiện kích hoạt VNeiD tại trụ sở Công an hoặc qua App chính thức trên App Store/CH Play. Việc đăng ký và kích hoạt VNeiD là hoàn toàn miễn phí, cơ quan Công an không thu bất kỳ khoản phí nào.

Phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm công nghệ cao đề nghị người dân không chuyển tiền, không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, tin nhắn, không cung cấp mã OTP, tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai; không quét mã QR từ người lạ hoặc các trang web không rõ nguồn gốc.

Nếu nhận được tin nhắn yêu cầu nhấn vào link lạ cần thận trọng, kiểm tra kỹ lưỡng. Khi người dân nhận được thông báo nợ tiền điện, hãy kiểm tra trực tiếp trên Website hoặc ứng dụng chính thức của Công ty Điện lực. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của các đối tượng lạ gọi đến.

Luôn kiểm tra thông tin đơn hàng qua ứng dụng hoặc tổng đài chính thức của đơn vị vận chuyển, chỉ nhận hàng từ những đơn vị vận chuyển uy tín, kiểm tra kỹ trước khi thanh toán.

Khi nghi ngờ bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng liên hệ ngân hàng để khóa tài khoản và trình báo cơ quan Công an gần nhất.

Tại Công văn, Phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm công nghệ cao cũng cảnh báo đến người dân các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng.

Gỉa danh Công an xã, phường, thị trấn

· Các đối tượng gọi điện hoặc nhắn tin tự xưng là Công an các xã, phường, thị trấn yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP để hỗ trợ kích hoạt tài khoản định danh VNeiD mức 2. Tiếp đến đối tượng gửi đường link giả mạo, yêu cầu người dân đăng nhập, từ đó đánh cắp thông tin đăng nhập và chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng.

Đối tượng thông báo tài khoản VNeiD của người dân bị lỗi, cần cung cấp thông tin hoặc thực hiện lại các bước đăng ký. Tiếp đến đối tượng yêu cầu người dân tải các phần mềm giả mạo hoặc điều hướng vào các trang web giả mạo để đánh cắp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng.

· Giả danh Công an xã, phường, thị trấn yêu cầu người dân làm thủ tục xác nhận hộ khẩu cho người thân. Sau đó đối tượng yêu cầu người dân chuyển phí dịch vụ với số tiền từ 12.000 đồng. Quá trình thao tác các đối tượng hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng “Dịch vụ công” giả mạo, cung cấp hình ảnh căn cước công dân và chụp ảnh nhận diện khuôn mặt gửi cho đối tượng để chiếm quyền kiểm soát thiết bị, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

 Ảnh minh họa. Nguồn internet

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Giả danh nhân viên điện lực, viễn thông

· Đối tượng gọi điện, thông báo người dân nợ tiền điện, cước viễn thông và đe dọa sẽ bị cắt điện, ngừng cung cấp dịch vụ... Sau đó đối tượng yêu cầu người dân cung cấp mã đăng nhập, OTP, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc truy cập vào đường link giả mạo để thực hiện các thao tác trên ứng dụng ngân hàng điện từ qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

· Một số trường hợp đối tượng yêu cầu người dân đăng nhập vào tài khoản ngân hàng trên điện thoại và thực hiện các thao tác liên kết với App điện lực (giả mạo) và tải mã QR có thông tin số tiền cần thanh toán, khi thực hiện theo yêu cầu của đối tượng, tiền trong tài khoản ngân hàng sẽ bị đối tượng chiếm đoạt.

Giả danh nhân viên Shipper giao hàng, yêu cầu thanh toán trước.

· Đối tượng thu thập thông tin khách hàng thông qua nhiều phương thức như: thông tin liên hệ và mặt hàng đặt mua của khách hàng từ các bình luận hoặc tin nhắn đặt mua công khai trên livestream; tiến hành thu thập thông tin người mua hàng từ các phần mềm, trang thương mại điện tử... Khi thu thập được thông tin cá nhân và đơn hàng, đối tượng lừa đảo sẽ chọn thời điểm khách hàng không có mặt tại nhà (thường là giờ hành chính) để gọi điện, giả danh là nhân viên giao hàng đơn vị bán hàng mà khách hàng đã mua sản phẩm.

Sau đó, nếu khách hàng cho biết không có mặt tại nhà, đối tượng sẽ nói để hàng trong sân nhà, gửi hàng xóm hoặc người quen... và yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán đơn hàng. Thậm chí, chúng thường dùng thủ đoạn tạo áp lực, thúc ép người nhận bằng cách thông báo đơn hàng sẽ bị hủy nếu không chuyển khoản ngay hoặc đưa ra những lời hứa hẹn hấp dẫn để dụ dỗ nạn nhân. Sau khi nhận tiền thanh toán mua hàng, đối tượng sẽ chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc với khách hàng nếu đó là món hàng có giá trị cao.

Còn nếu giá trị thấp, các đối tượng sẽ thông báo có sự nhầm lẫn, số tài khoản trên là số tài khoản đăng ký làm hội viên shipper, khi chuyển tiền đến số tài khoản đó thì hệ thống sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ từ 3 triệu đến 3,5 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của khách hàng. Khi nạn nhân có yêu cầu muốn lấy lại tiền và hủy đăng ký thành viên thì đối tượng sẽ gửi tin nhắn chứa đường link dẫn đến trang web giả mạo của đơn vị giao hàng để yêu cầu nhập thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng, mã OTP.

Khi người dân bấm vào đường link giả mạo và đăng nhập các thông tin cá nhân thì sẽ bị nhiễm mã độc, bị chiếm đoạt thông tin cá nhân quan trọng và mất quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, tải khoản ví điện tử...

Gỉa danh nhân viên ngân hàng tư vấn mở thẻ tín dụng

Các đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ qua điện thoại, tin nhắn SMS.... để thuyết phục người dân mở thẻ ghi nợ vật lý hoặc làm hồ sơ phát hành thẻ tín dụng tại ngân hàng. Đáng chú ý, chúng còn có thủ đoạn giả mạo tổng đài ngân hàng. Khi nạn nhân nhận cuộc gọi, chúng phát ra thông điệp tự động với nội dung: “Chúc mừng quý khách đã đủ điều kiện phát hành thẻ tín dụng tại ngân hàng. Nếu có nhu cầu, nhấn phím 1 hoặc phím 2 để gặp tổng đài viên".

Nếu người dân làm theo hướng dẫn, cuộc gọi sẽ bị ngắt. Sau đó đối tượng sẽ gọi lại, tiếp tục giả danh nhân viên ngân hàng để yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và bảo mật như số thẻ, mã OTP hoặc mật khẩu đăng nhập dịch vụ ngân hàng số. Ngoài ra, đối tượng còn yêu cầu người dùng cung cấp thông tin thẻ như hình ảnh thẻ, tên trên thẻ và mã OTP được gửi qua tin nhắn để liên kết với ví điện tử, từ đó chiếm đoạt tiền trong thẻ.

Trường hợp có công dân bị đối tượng lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản kịp thời ghi nhận các thông tin liên quan, khẩn trương trao đổi, phối hợp với Phòng PA05 để xác minh, truy vết, kịp thời tạm giữ dòng tiền, hạn chế thấp nhất việc đối tượng luân chuyển, chiếm đoạt dòng tiền.

PHƯƠNG VI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gia-lai-canh-bao-phuong-thuc-thu-doan-lua-dao-chiem-doat-tai-san-tren-khong-gian-mang-post316741.html