Gia Lai: Hàng chục hộ dân vùng biên giới 'kêu cứu' vì bị triệt đường mưu sinh
Hàng chục hộ dân xã biên giới tỉnh Gia Lai sống chủ yếu nhờ đánh bắt cá trên hồ thủy lợi, bỗng nhiên bị nhóm người lạ ngăn chặn khiến cuộc sống rơi vào bế tắc.
Người dân kêu cứu vì không được đánh bắt cá
Những ngày qua, hàng chục hộ dân sinh sống tại khu vực biên giới xã Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) như ngồi trên đống lửa, khi công việc mưu sinh đánh bắt cá trên lòng hồ thủy lợi Ia Mơr, nguồn thu nhập chính của gia đình bị các đối tượng lạ mặt ngăn chặn.
Người dân đã đồng loạt làm đơn cầu cứu gửi đến các cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, hầu hết các hộ dân sinh sống trên địa bàn xã biên giới Ia Mơr, hàng chục năm nay không có ruộng rẫy. Nguồn thu nhập chính của gia đình đều phụ thuộc vào việc chài lưới trên sông.
Những ngày gần đây, khi người dân mang dụng cụ chài lưới ra lòng hồ đánh bắt cá, bị nhóm người lạ chốt chặn ngay đầu chân đập thủy điện hù dọa, yêu cầu phải rời khỏi khu vực lòng hồ.
Sự việc kéo dài khiến người dân không có nguồn thu nhập, nhiều gia đình không có chi phí trang trải cuộc sống hàng ngày.
Sáng 10/8, PV Người Đưa Tin đã có mặt tại xã biên giới Ia Mơ để ghi nhận thông tin. Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Trang (SN 1977, ngụ xã Ia Mơ) bức xúc cho hay: "Tôi quê ở Đồng Tháp. Ở quê cuộc sống khó khăn, vợ chồng và 2 con nhỏ khăn gói lên đây định cư được hơn 10 năm nay.
Ruộng rẫy không có một tấc, mọi chi tiêu, con cái học hành đều phụ thuộc vào việc chài lưới đánh bắt thủy hải sản trên sông. Cuộc sống không mấy khấm khá, nhưng đủ ăn đủ mặc, đủ tiền đóng học cho các con.
Khoảng hơn một tháng trở lại đây, có một nhóm người lạ mặt đến chốt chặn ngay lối vào lòng hồ thủy lợi Ia Mơr, không cho các hộ dân vào đánh bắt cá. Khi chúng tôi mang dụng cụ chài lưới vào lòng hồ thì bị nhóm người lạ chặn lại, hù dọa.
Cả tháng nay không đánh bắt cá được, gia đình tôi chẳng có nguồn thu nhập nào. Đặc biệt, chuẩn bị vào năm học mới nhưng trong nhà chưa có đồng nào để mua sách vở, thiết bị học tập cho các cháu".
Hàng chục hộ dân nơi lòng hồ bức xúc vì bị cấm cản mưu sinh.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Danh (SN 1959, ngụ xã Ia Mơ) cho biết, ông lên xã Ia Mơ lập nghiệp từ năm 2003 đến nay. Gia đình không có ruộng rẫy, cuộc sống chủ yếu là đánh bắt cá trên lòng hồ. Dù vất vả, đêm hôm đánh cá nhưng có đồng ra đồng vào duy trì cuộc sống bao nhiêu năm nay.
Theo ông Danh, vừa qua xã có ban hành văn bản cấm đánh bắt thủy hải sản theo phương pháp tận diệt, như kích điện, nổ mìn, người dân rất đồng tình ủng hộ. Bởi hầu hết hàng chục hộ dân nơi đây đều sống nhờ vào nguồn thủy lợi trên sông, đánh bắt tận diệt khiến lượng thủy hải sản ngày càng cạn kiệt, nguồn thu nhập của người dân cũng bấp bênh.
Ông Danh bức xúc: "Chúng tôi sống quanh lòng hồ, quanh năm đánh bắt thủ công bằng chài lưới, cắm câu, không ảnh hưởng gì đến môi trường, không tận diệt nguồn hải sản. Thế nhưng thời gian gần đây, công việc mưu sinh của người dân bị nhóm người lạ ngăn chặn khiến chúng tôi rơi vào cảnh cùng cực.
Cả tháng nay, cứ vào khu vực lòng hồ chuẩn bị đánh bắt lại bị nhóm người lạ ngăn cấm, đuổi về. Tôi già yếu, vợ đau ốm bệnh tật. Hai vợ chồng già không biết sống ra sao những ngày sắp tới".
Anh Đặng Tấn Thiện (SN 1974, ngụ xã Ia Mơ) cho biết: "Dù bị nhóm người lạ cấm cản, hù dọa nhưng vì miếng cơm manh áo cho các con, tôi lén lút chờ đêm khuya vào lòng hồ đánh bắt. Mong sao chính quyền địa phương sớm có biện pháp để những người dân mưu sinh tại lòng hồ như tôi được yên ổn làm ăn, nuôi con".
Theo anh Thiện, lý do người dân không được đánh bắt cá trên lòng hồ, do có một người ở Tp.Pleiku đã thuê lại mặt hồ để nuôi thủy sản. Nguời đàn ông này đã mua số lượng lớn cá giống để đổ xuống lòng hồ, sợ người dân đánh bắt nên thuê người lên để trông coi, cấm cản những ai đánh bắt cá trên hồ.
"Chưa có một cơ quan, tổ chức nào cho phép việc thuê lại diện tích lòng hồ để kinh doanh"
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Hoàng Bình Yên, Phó Trưởng ban phụ tránh, Ban quản lý thủy lợi Ia Mơr cho biết, thời gian qua có một số cá nhân tự ý vào khu vực lòng hồ la Mơr thả vó đèn, đánh bắt và làm lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép trong lòng hồ.
Ngoài ra, còn một số thuyền bè sử dụng kích diện tự chế hủy diệt nguồn lợi thủy sản, hủy diệt môi trường sinh thái của hồ. Việc người dân tự ý đánh bắt thủy sản bằng vó đèn và kích diện tự chế, đi lại trên hồ dễ gây mất an ninh trật tự trong khu vực, an toàn cho tính mạng con người, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến quá trình vận hành an toàn của công trình thủy lợi la Mơr cũng như tình hình giao thông đường thủy trong lòng hồ.
Hàng năm đã xảy ra các tai nạn đáng tiếc trong khu vực lòng hồ. Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn công trình thủy lợi hồ chứa nước la Mơr, không làm ảnh hưởng môi trường sinh thái, cũng như chủ động trong việc ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, Ban quản lý dự án thủy lợi Ia Mơr đề nghị UBND xã là Mơ tuyên truyền, vận động nhân dân tự ý tháo dỡ vó đèn, các lồng bè nuôi cá, trả lại mặt nước cho lòng hồ, nghiêm cấm sử dụng kích điện để đánh bắt cá.
Những cá nhân chống đối, không tự ý tháo dỡ cần có biện pháp cưỡng chế để hoàn trả mặt nước cho công trình.
Cũng trao đổi với PV, Trung tá Nguyễn Đình Đương, Đồn Trưởng đồn Biên Phong Ia Mơr cho biết: "Vừa qua, tôi đã nghe anh em địa bàn báo cáo vụ việc. Tôi đã chỉ đạo các đồng chí địa bàn dưới xã tuần tra, bám nắm tình hình. Đối tượng nào có hành vi cấm cản, hù dọa người dân đánh bắt cá, chúng tôi sẽ mời ngay về đồn làm việc".
Theo Trung tá Đương, cơ quan chức năng chỉ cấm cản các hành vi đánh bắt theo hình thức tận diệt, hủy hoại nguồn thủy hải sản. Còn các hộ dân sinh sống quanh lòng hồ, nguồn thu nhập chủ yếu của họ là nguồn lợi thủy hải sản, đánh bắt bằng chài, lưới, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện.
Ông Hoàng Bình Yên thông tin thêm: "Chưa có một cơ quan, tổ chức nào cho phép việc thuê lại diện tích lòng hồ để kinh doanh nuôi cá. Việc người dân mưu sinh đánh bắt cá trên lòng hồ theo phương pháp thủ công, không ai có quyền cấm cản. Bởi đó là công việc mưu sinh nuôi sống gia đình, có chi phí cho con cái học hành, là nguyện vọng chính đáng của người dân nơi đây".