Gia Lai: Khai mạc hai sự kiện khoa học quốc tế, quy tụ hàng trăm chuyên gia

Hai sự kiện khoa học quốc tế cùng khai mạc tại ICISE, quy tụ gần 140 nhà nghiên cứu đến từ gần 30 quốc gia. Sự kiện không chỉ khẳng định vị thế học thuật của Việt Nam mà còn cho thấy Gia Lai đang dần trở thành điểm hẹn mới của những dòng chảy tri thức toàn cầu.

Điểm đến của học thuật

Ngày 7/7, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, Quy Nhơn Nam, Gia Lai) đồng loạt khai mạc hai sự kiện khoa học quốc tế gồm Hội thảo cơ sinh học lần thứ 3: từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng và Trường học Việt Nam về Vật lý Thiên văn lần thứ 9 (VSOA9).

Hội thảo cơ sinh học lần thứ 3: từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng.

Hội thảo cơ sinh học lần thứ 3: từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng.

Hai sự kiện do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm ICISE phối hợp với các tổ chức quốc tế uy tín tổ chức, thu hút gần 140 đại biểu, gồm nhiều giáo sư danh tiếng, nhà khoa học đầu ngành, nghiên cứu sinh và sinh viên xuất sắc đến từ gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong đó, hội thảo cơ sinh học diễn ra từ ngày 7–11/7, quy tụ gần 100 chuyên gia đến từ 25 quốc gia. Chương trình tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu tiên tiến như tín hiệu tế bào, cơ học mô, vật liệu sinh học, kỹ thuật y sinh và mô hình hóa lý thuyết.

Đây là dịp hội tụ nhiều tên tuổi lớn trong ngành, như GS Dennis Discher (Đại học Pennsylvania, Mỹ), GS Song Li (Đại học California, Mỹ), GS Xavier Trepat (Viện kỹ thuật sinh học Catalonia, Tây Ban Nha)… Đặc biệt, hội thảo còn dành không gian mở cho các nhà nghiên cứu trẻ tiếp cận xu hướng mới và mở rộng hợp tác liên ngành.

Diễn ra từ ngày 7–12/7, Trường học Việt Nam về Vật lý Thiên văn lần thứ 9 (VSOA9) thu hút gần 40 học viên và chuyên gia quốc tế. Chủ đề chính xoay quanh sự hình thành và tiến hóa của các thiên hà, lĩnh vực đang có nhiều đột phá nhờ các quan sát từ kính James Webb (JWST) và hệ kính thiên văn ALMA.

Trường học Việt Nam về Vật lý Thiên văn lần thứ 9.

Trường học Việt Nam về Vật lý Thiên văn lần thứ 9.

Bên cạnh các bài giảng lý thuyết, chương trình cung cấp kỹ năng phân tích dữ liệu thiên văn hiện đại. Các giảng viên đến từ Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Quốc lập Trung ương (Đài Loan), Trung tâm Sinh học Vũ trụ (Tây Ban Nha) và Trung tâm Vũ trụ Việt Nam trực tiếp giảng dạy.

VSOA là chuỗi trường học quốc tế thường niên do Trung tâm ICISE và Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam sáng lập từ năm 2013, nhằm bồi dưỡng thế hệ trẻ yêu khoa học và thúc đẩy mạng lưới hợp tác thiên văn học khu vực.

Khoa học cần môi trường, địa phương cần tầm nhìn

Không chỉ đơn thuần là nơi tổ chức hội thảo, ICISE đang từng bước định hình lại bản đồ hạ tầng khoa học Việt Nam theo hướng hội nhập và bền vững. Được sáng lập từ tầm nhìn của GS Trần Thanh Vân – nhà vật lý nổi tiếng toàn cầu, ICISE là trung tâm học thuật hiếm hoi tại Đông Nam Á hoạt động độc lập, phi lợi nhuận, tập trung vào khoa học cơ bản và kết nối quốc tế.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet vừa tham dự Hội nghị Quốc tế “Từ Mekong đến Đại dương: Kết nối thế hệ trẻ của các Trường Trung học thuộc khối LabelFrancÉducation”, tại Trung tâm ICISE.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet vừa tham dự Hội nghị Quốc tế “Từ Mekong đến Đại dương: Kết nối thế hệ trẻ của các Trường Trung học thuộc khối LabelFrancÉducation”, tại Trung tâm ICISE.

Trong bối cảnh Việt Nam đang định hướng trở thành quốc gia có nền kinh tế tri thức, việc đầu tư cho “hạ tầng mềm” như ICISE là yêu cầu tất yếu. Đây không chỉ là hạ tầng vật lý (phòng hội thảo, thiết bị, chỗ ở cho chuyên gia...) mà là “hạ tầng chất xám” - nơi tri thức toàn cầu hội tụ, đối thoại và lan tỏa.

Từ các hội thảo chuyên đề đến các trường học mùa hè, từ ngành vật lý thiên văn đến cơ sinh học, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo… ICISE đang từng bước trở thành hạt nhân học thuật chiến lược, kết nối Việt Nam với những dòng chảy tri thức quan trọng nhất của thế giới.

Trong dài hạn, nếu được tích hợp vào chính sách quốc gia về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, mô hình ICISE hoàn toàn có thể nhân rộng ra các vùng khác, như Đà Lạt, Huế, Tây Nguyên, hay thậm chí là các khu đại học và khu công nghệ cao. Đó sẽ là những “vườn ươm học thuật”, nơi không chỉ tạo cảm hứng nghiên cứu cho giới trẻ, mà còn đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của một quốc gia đi lên bằng tri thức.

Theo ông Nguyễn Hữu Hà – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai, từ năm 2013, ICISE đã đón hơn 16.500 nhà khoa học đến từ hơn 60 quốc gia, trong đó có 18 chủ nhân Giải Nobel. Đây không chỉ là niềm tự hào của địa phương, quốc gia, mà còn là biểu tượng sinh động cho tinh thần kết nối tri thức và cống hiến vì sự phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Hà – Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Gia Lai.

Ông Nguyễn Hữu Hà – Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Gia Lai.

“Lãnh đạo tỉnh Bình Định trước đây và tỉnh Gia Lai hiện nay luôn xác định khoa học và giáo dục là con đường chiến lược để phát triển. Vì vậy, chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để ICISE phát huy tối đa sứ mệnh của mình: làm cầu nối giữa các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, thúc đẩy các nhóm nghiên cứu xuất sắc, nuôi dưỡng đam mê khoa học cho thế hệ trẻ”, ông Hà nhấn mạnh.

Tri ân GS Yannick Giraud-Héraud

Trung tâm ICISE trân trọng tri ân GS Yannick Giraud-Héraud (Phòng thí nghiệm Vật lý hạt vũ trụ và Vũ trụ học, Đại học Paris Cité, Pháp), người đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa ban tổ chức Hội thảo Cơ sinh học và ICISE từ năm 2016, góp phần đặt nền móng cho hợp tác khoa học bền chặt.

Giáo sư đã về với cõi vĩnh hằng vào ngày 13/6. Di sản của ông sẽ còn lan tỏa trong từng phiên thảo luận, từng thế hệ học viên tại ICISE, như một biểu tượng của tinh thần kết nối không biên giới trong khoa học.

Minh Thảo

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/gia-lai-khai-mac-hai-su-kien-khoa-hoc-quoc-te-quy-tu-hang-tram-chuyen-gia/20250707081636204