Gia Lai quyết tâm đột phá để tăng trưởng kinh tế 2 con số
Năm 2025, Gia Lai tích cực triển khai nhiều giải pháp, tạo đột phá để tăng tốc phát triển, đạt các mục tiêu đề ra. Trong đó, tỉnh đề ra kịch bản tăng trưởng kinh tế ở mức cao (đạt 8,06%) và phấn đấu đạt 2 con số (10,06%).
Nghị quyết số 459/NQ-HĐND ngày 11-12-2024 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 xác định chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm của tỉnh là 6,67%.
Trong đó, ngành nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,15%; ngành công nghiệp-xây dựng tăng 5,49%; ngành dịch vụ tăng 9,26%. GRDP bình quân đầu người đạt 75,69 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 29.200 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 6.435 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng báo cáo về kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2025. Theo ông Đỗ Việt Hưng-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, với quyết tâm chính trị cao, tỉnh đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao (đạt 8,06%) và phấn đấu đạt 10,06%.
Theo kịch bản này, ngành nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,9%; ngành công nghiệp-xây dựng tăng 9,67%; ngành dịch vụ tăng 9,26%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 29.400 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 6.898 tỷ đồng.
Trong nông nghiệp, tỉnh tập trung áp dụng các giống mới, tiến bộ kỹ thuật, tưới tiết kiệm nước để tăng năng suất cây trồng. Cụ thể, năng suất lúa nước vụ mùa tăng từ 5,6 tấn/ha lên 6 tấn/ha, sản lượng tăng từ 231,24 ngàn tấn lên 246 ngàn tấn; năng suất cây mì tăng từ 20,7 tấn/ha lên 21 tấn/ha, sản lượng tăng từ hơn 1,61 triệu tấn lên gần 1,64 triệu tấn; sản lượng mủ cao su tăng từ 77,72 ngàn tấn lên 102,22 ngàn tấn; cây hồ tiêu giai đoạn 2022-2024 đã tái canh và trồng mới được 959,3 ha, dự kiến năm 2025 đưa vào kinh doanh tăng thêm 223 ha, sản lượng tăng từ 22,64 ngàn tấn lên 23,44 ngàn tấn.
Ngành công nghiệp-xây dựng sẽ có tốc độ tăng trưởng thêm 4,18%, trong đó, ngành công nghiệp tăng thêm 5,17%, gồm: dự kiến điện sản xuất tăng thêm 626 triệu kWh (từ 10,574 tỷ kWh lên 11,2 tỷ kWh); phát huy công suất sản phẩm đá granite tăng thêm 1.000 m2 (từ 1,48 triệu m2 lên 1,481 triệu m2).
Cùng với đó là huy động tăng thêm nguồn lực để tăng vốn đầu tư toàn xã hội thêm 200 tỷ đồng (từ 29.200 tỷ đồng lên 29.400 tỷ đồng). Tỉnh phấn đấu tổng thu ngân sách ngành dịch vụ tăng thêm 463 tỷ đồng (từ 6.435 tỷ đồng lên 6.898 tỷ đồng); doanh thu du lịch tăng thêm 50 tỷ đồng (từ 950 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng)...
Báo cáo cũng đưa ra một số giải pháp thực hiện kịch bản tăng trưởng cao. Về nông nghiệp, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu, cây làm thức ăn cho chăn nuôi, cây hàng năm khác có hiệu quả kinh tế cao hơn gắn với thị trường tiêu thụ và các nhà máy chế biến.
Về công nghiệp, triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo vùng nguyên liệu để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà máy sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định và phát huy công suất; kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến sâu.
Về dịch vụ, tỉnh thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch quốc tế; tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn; mở rộng thị trường xuất khẩu mới, nhất là các quốc gia mới nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện; hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu.
Liên quan đến công tác này, Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh cho biết: “Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức các hội nghị tập huấn về thương mại điện tử, hội nhập kinh tế quốc tế, các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, tăng cường thông tin đến doanh nghiệp về các thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia hội chợ triển lãm, các hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh”.
Ngày 22-1 vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung tại cuộc họp nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê tỉnh và các sở, ngành báo cáo các giải pháp về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương xây dựng các kịch bản tăng trưởng tương ứng với các kịch bản tăng trưởng của tỉnh và trọng tâm là tăng thu ngân sách. Cục Thống kê tỉnh thành lập tổ rà soát số liệu đầu vào tính GRDP định kỳ hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm trước khi báo cáo về Tổng cục Thống kê, đảm bảo đầy đủ, khách quan và sát thực tế, phản ánh đúng tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh.
Nhằm phấn đấu đưa 384 MW điện gió và 21 MWp điện mặt trời đã hoàn thành đi vào vận hành khai thác; khởi công 4 cụm công nghiệp (Đak Đoa, Ia Grai, Mang Yang, Đak Pơ); đưa vào vận hành, khai thác Khu Công nghiệp Nam Pleiku; khởi công Dự án cao tốc Quy Nhơn-Pleiku...
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát các dự án để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát quỹ đất, đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư, đấu giá, đấu thầu các dự án để tăng thu ngân sách, nhất là đối với các dự án lớn như: Khu đô thị CK 54, Công viên đồi thông, Khu du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya… Kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống chợ, trung tâm thương mại, khách sạn quy mô lớn, hiện đại.