Gia Lai: Sạt lở bờ sông Ba, uy hiếp tính mạng và tài sản của hàng trăm hộ dân

Do ảnh hưởng của mưa lũ, đặc biệt là trận 'đại hồng thủy' năm 2009 đã khiến tình trạng sạt lở dọc sông Ba (đoạn qua huyện Krông Pa, Gia Lai) ngày càng nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn, nhiều điểm sạt lở có nguy cơ gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân và các công trình cầu.

“Thấp thỏm” sống chung với mưa lũ

Những năm gần đây, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngày càng bất thường. Hằng năm mưa lớn liên tục, kéo dài đã khiến tình hình sạt lở bờ sông càng nghiêm trọng, làm thu hẹp đáng kể diện tích đất sản xuất, gây thiệt hại lớn về tài sản cho nông dân sản xuất ven sông, đồng thời đe dọa đến tính mạng con người trong thời gian mưa lũ.

Điển hình là dọc dòng sông Ba (đoạn chảy qua địa bàn huyện Krông Pa) có diễn biến dòng chảy hết sức phức tạp. Lũ trên sông Ba thường xuyên dâng cao, hai bờ sông có nhiều điểm xảy ra sạt lở rất nguy hiểm tính mạng và tài sản của nhân dân sinh sống xung quanh khu vực.

 Trung bình mỗi năm sông Ba sẽ "nuốt" vài chục mét đất của các hộ dân đoạn qua địa bàn thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm

Trung bình mỗi năm sông Ba sẽ "nuốt" vài chục mét đất của các hộ dân đoạn qua địa bàn thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm

Dẫn PV đi dọc sông Ba, ông Nguyễn Đình Hoành (SN 1953, trú tại thôn sông Ba, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) cho biết: “Gia đình tôi từ tỉnh Thái Bình vào đây từ năm 1985. Ngày ấy được Nhà nước cấp cho hơn 1 sào dọc dòng sông. Sau đó gia đình có cất nhà phía trước giáp đường Quốc lộ 25 còn mặt phía sau giáp sông Ba thì canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên những năm gần đây, tình trạng mưa lũ đã khiến dòng sông bị sạt lở nghiêm trọng”.

Theo ông Hoành, năm nào mưa lớn cũng sạt lở, đất đai và cây cối cứ thế cuốn theo dòng nước lớn. Trung bình mỗi năm, gia đình ông lại mất vài chục mét đất. “Năm nay mưa muộn chứ như mọi năm giờ này là ngập hết rồi. Nhà có trồng được ít bắp mà cũng đang kêu người bán cây cho trang trại bò sữa, vớt vát được đồng nào hay đồng đó chứ để mưa xuống là mất hết. Mảnh đất 1,8 sào được Nhà nước cấp ngày trước sau khi chia cho các con và bị mưa lũ 'bào mòn' nay chỉ còn miếng nhỏ xíu”, ông Hoành chia sẻ.

 Mảnh đất canh tác nông nghiệp phía sau nhà của gia đình ông Hoành đã bị sông Ba xâm lấn hàng chục mét

Mảnh đất canh tác nông nghiệp phía sau nhà của gia đình ông Hoành đã bị sông Ba xâm lấn hàng chục mét

Theo ghi nhận của PV, phần lớn những hộ dân có đất tiếp giáp với sông Ba đều phải chịu cảnh sạt lở, mất đất mùa mưa lũ, thậm chí hoa màu cũng bị cuốn trôi hoàn toàn. Phần nương rẫy giáp sông của người dân gần như phụ thuộc vào ông trời. Năm nào không mưa lũ thì bà con được ăn còn lũ lên thì xác định “mất trắng”.

Bà Nguyễn Thị Họa (SN 1976) tâm sự: “Gia đình thuộc diện hộ nghèo, không có đất đai nhà cửa nên được một hộ gia đình ở thôn Sông Ba cho mượn nhà ở nhờ vừa trông nom nhà cửa giúp người ta. Ngôi nhà được xây dựng sát với đường Quốc lộ 25 nay cũng đã xuống cấp. Đặc biệt, phía sau nhà phần đất tiếp giáp với sông Ba, tình trạng sạt lở đã “ăn sâu” đến móng các công trình phụ và móng nhà tạo ra những hố, vực sâu. Thấy cũng nguy hiểm, nhưng hiện cũng chưa biết chuyển đi đâu vì chưa có điều kiện mua đất, cất nhà. Chỉ biết nhắc nhở cả gia đình, đặc biệt là các con chú ý cẩn thận khi ra phía sau nhà thôi”.

 Căn nhà được người khác cho bà Họa mượn ở, tình trạng sạt lở đã vào đến móng các công trình phụ

Căn nhà được người khác cho bà Họa mượn ở, tình trạng sạt lở đã vào đến móng các công trình phụ

Đầu tư kè chống sạt lở 200 tỷ đồng

Theo báo cáo của UBND huyện Krông Pa, tình trạng sạt lở sông Ba đã hưởng trực tiếp đến 3 buôn dọc bờ sông gồm: Buôn H'Lang, thôn mới và thôn Sông Ba với tổng số hộ dân là 819 hộ/3496 nhân khẩu, diện tích đất ở là 16ha, đất sản xuất nông nghiệp 81ha và khu vực trung tâm hành chính xã Chư Rcăm, Trường Tiểu học Chư Rcăm, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi.

Đặc biệt, mùa lũ năm 2009 đã gây ra ngập lụt trên diện rộng cuốn trôi người cùng nhà cửa, hoa màu và đàn gia súc của nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gần 80.000 người dân sinh sống và sản xuất dọc bờ sông Ba. Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa lũ năm 2018 và các năm về trước đã gây sạt lở nguy hiểm, có những đoạn đặc biệt nguy hiểm có nguy cơ gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản nhân dân và an toàn của các công trình cầu.

 Không chỉ "nuốt" đất của hàng trăm hộ dân, tình trạng sạt lở dọc sông Ba ngày một "ăn sâu" vào Quốc lộ 25

Không chỉ "nuốt" đất của hàng trăm hộ dân, tình trạng sạt lở dọc sông Ba ngày một "ăn sâu" vào Quốc lộ 25

Bà Nguyễn Thị Đồng Khánh - Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm cho biết: “Năm 2021, gần 100 hộ dân ở buôn H’Lang (xã Chư Rcăm) được di dời về nơi ở mới tại khu tái định cư buôn Du. Từ khi được chuyển về khu tái định cư, bà con đã không còn nỗi lo về sạt lở đất hay bị nước sông Ba cuốn trôi mỗi khi đến mùa mưa lũ. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hộ dân khác nằm trong vùng bị ảnh hưởng vẫn chưa được di dời. Mỗi khi mưa lớn kéo dài, chính quyền xã thường xuyên phối hợp với các thôn, buôn theo dõi nắm bắt tình hình sạt lở để kịp thời có phương án di dời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của người dân”.

Trước thực trạng trên, tháng 6/2024, UBND huyện Krông Pa đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Gia Lai và các Sở về việc đề nghị đầu tư xây dựng dự án: “Kè chống sạt lở bờ sông Ba khu vực xã Chư Rcăm”. Cụ thể, kè có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 200 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương 2024. Thời gian dự kiến dự án từ năm 2024-2025.

Ông Hồ Văn Thảo – Chủ tịch UBND huyện Krông Pa nhận định: “Việc đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Ba tại vị trí xung yếu đã bị sạt lở, đặc biệt là hai đoạn bờ tả ngạn phía hạ lưu cầu Lệ Bắc phạm vi đi qua khu vực nghĩa địa buôn H'Lang và đoạn dọc theo Quốc lộ 25 (xã Chư Rcăm) nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống bão lụt, đảm bảo sự ổn định bờ sông, ngăn chặn sự lấn sâu ngày càng tăng của dòng chảy sông Ba là hết sức cấp bách và cần thiết”.

 Trước tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, UBND huyện Krông Pa đã có đề xuất xây kè chống sạt lở giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống

Trước tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, UBND huyện Krông Pa đã có đề xuất xây kè chống sạt lở giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống

Theo ông Thảo, việc xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Ba sẽ ngăn chặn được sự lấn sâu ngày càng tăng của dòng chảy sông. Đồng thời đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản cho hàng hàng nghìn nhân khẩu thuộc 3 thôn trên trong mùa mưa bão. Qua đó, ổn định cuộc sống lâu dài, phát triển sản xuất bền vững cho nhân dân, đồng thời đảm bảo các yêu cầu thoát lũ và giao thông đường thủy trong khu vực.

Để kịp thời khắc phục tình trạng sạt lở, mới đây, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT quan tâm, xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí để thực hiện dự án nêu trên với tổng số vốn 200 tỷ đồng.

Bài và ảnh: Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-lai-sat-lo-bo-song-ba-uy-hiep-tinh-mang-va-tai-san-cua-hang-tram-ho-dan-post317879.html