Gia Lai tăng cường phòng-chống dịch bệnh bạch hầu
Ngày 20-9, Sở Y tế Gia Lai có công văn số 3325/SYT-NVY gửi các đơn vị trực thuộc sở, cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh về việc tăng cường công tác phòng-chống dịch bệnh bạch hầu.
Theo đó, Sở Y tế đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục tham mưu Sở Y tế xây dựng kế hoạch triển khai phòng-chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2023 và các năm tiếp theo để chủ động, sẵn sàng ứng phó các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động, ngay cả khi dịch bạch hầu bùng phát trở lại; giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh bạch hầu; phối hợp với các đơn vị y tế theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, khống chế kịp thời dịch bệnh bạch hầu, không để dịch lớn xảy ra.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục triển khai công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu và các đối tượng nguy cơ để phát hiện các trường hợp mắc bệnh và người lành mang trùng; nếu nghi ngờ có dịch xảy ra, tiến hành khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, hướng dẫn các địa phương có ca bệnh triển khai tốt công tác vệ sinh môi trường theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị y tế, hóa chất, thuốc điều trị dự phòng cho các trường hợp bệnh, nghi bệnh và những người tiếp xúc tại vùng ổ dịch, nơi điều trị.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan như Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai tăng cường các hoạt động truyền thông về bệnh bạch hầu và tác dụng trong tiêm vắc xin phòng-chống dịch bệnh bạch hầu để nâng cao nhận thức của người dân về tiêm chủng, khuyến khích người dân chủ động tiêm vắc xin Td để phòng tránh bệnh bạch hầu. Tuyên truyền người dân hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh, khi có triệu chứng như sốt, đau họng đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và hướng dẫn điều trị. Thực hiện nghiêm túc việc điều tra thông tin ca bệnh và báo cáo theo quy định. Đồng thời, hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm, thực hiện giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/TT-BYT ngày 28-12-2015 của Bộ Y tế đảm bảo đầy đủ, chính xác.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu theo Quyết định số 2957/QĐ-BYT ngày 10-7-2020 của Bộ Y tế; đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị. Sau khi bệnh nhân điều trị ổn định xuất viện thông báo cho Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố biết về thông tin bệnh nhân để tiếp tục theo dõi bệnh nhân ngoại trú theo quy định. Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, cơ số thuốc cấp cứu, điều trị, trang thiết bị y tế, khu vực cách ly để phục vụ công tác điều trị dịch bệnh trong mọi tình huống, đồng thời hỗ trợ kịp thời cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế tối đa các trường hợp mắc và tử vong.
Các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ tới bạch hầu hoặc người tiếp xúc với người bệnh bạch hầu ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu và triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn để sớm định hướng điều trị. Tăng cường theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng để kịp thời xử trí, chuyển tuyến khi cần thiết. Hội chẩn chuyên môn xin ý kiến tuyến trên đối với các ca bệnh khó, ca bệnh nặng, hội chẩn trước khi chuyển tuyến. Tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám và nắm được các biện pháp phòng bệnh. Thực hiện nghiêm chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28-12-2015 của Bộ Y tế về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tiến hành điều tra, xử lý kịp thời ổ dịch.
Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ Trạm Y tế trong việc khống chế ổ dịch.
Trạm Y tế xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện việc tiếp tục theo dõi bệnh nhân ngoại trú sau điều trị bạch hầu tại địa phương theo quy định; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư trang thiết bị, hóa chất, bố trí khu vực cách ly đối với những trường hợp mắc/nghi ngờ mắc Bạch hầu, bố trí nhân lực phù hợp để sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong.