Già làng Y Pan - ngọn lửa bền bỉ nơi ngã ba biên giới
Giữa núi rừng Tây Nguyên, tại xã biên giới Pờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), già làng Y Pan, người phụ nữ dân tộc Brâu (sinh năm 1930), vẫn là điểm tựa tinh thần của cộng đồng người dân nơi đây. Dù đã 95 tuổi đời, hơn 70 năm tuổi Đảng, cụ vẫn từng ngày mang nhiệt huyết gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, vận động nhân dân phát triển kinh tế và chung tay bảo vệ vững chắc phên giậu Tổ quốc.
Nữ y tá kiên cường nơi chiến trường
Câu chuyện về cuộc đời Y Pan bắt đầu bằng những mất mát không gì bù đắp. Y Pan sinh ra và lớn lên tại thôn Đắk Mế (Pờ Y), ngôi làng nhỏ nơi giao nhau của 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Mồ côi cả cha và mẹ từ thuở ấu thơ, Y Pan được một đơn vị bộ đội nhận nuôi dưỡng. Nhờ nhanh nhẹn, sáng dạ, 19 tuổi, Y Pan được tổ chức cử tập kết ra Bắc, theo học ngành y, một điều hiếm hoi đối với người dân tộc thiểu số ở vùng rất khó khăn thời bấy giờ. Những năm tháng học tập trên đất Bắc đã truyền cho bà niềm tin vững chắc vào lý tưởng cách mạng và khát vọng phụng sự quê hương. Năm 1974, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, bà tình nguyện trở lại chiến trường Tây Nguyên. Giữa núi rừng Tây Nguyên, nơi giặc liên tục đánh phá và điều kiện y tế vô cùng thiếu thốn, người nữ y tá dân tộc Brâu đã trở thành điểm tựa của bộ đội và đồng bào.

Già làng Y Pan. Ảnh: THÀNH AN
Bà Y Pan kể: “Ngày ấy, người Brâu đoàn kết lắm, mỗi người đều là một chiến sĩ. Người thì gùi lương thực, người cõng đạn, người giấu cán bộ, riêng già nhờ học ngành y nên được đi cùng bộ đội làm nhiệm vụ cứu chữa thương binh và người dân khi bị thương. Nhiều lúc già phải đi bộ cả chục cây số để tìm lá thuốc”. Không chỉ là y tá, bà còn là chiến sĩ tuyên truyền. Từ vùng biên giới Ngọc Hồi, bà góp phần thắp lên ngọn lửa cách mạng trong lòng thanh niên các dân tộc Brâu, Ê Đê, Xê Đăng... Những người con trai, con gái của buôn làng theo tiếng gọi non sông đều lên đường tham gia gùi gạo, gùi đạn, giữ từng tấc đất quê hương. Trong số ấy, có người đã không trở về, nhưng ngọn lửa mà bà Y Pan và đồng bào thắp lên thì không bao giờ tắt.
Ông Thao Lợi, người hàng xóm thân thiết sống cùng thôn Đắk Mế không giấu được sự cảm phục : “Già Y Pan là người rất gương mẫu, sống giản dị, nói là làm. Bao nhiêu năm rồi, già vẫn ngày ngày đi vận động bà con giữ rừng, giữ làng, bảo ban con cháu đi học. Cái gì khó là già xung phong làm trước nên cả buôn ai cũng nghe và làm theo già”.
Người gìn giữ buôn làng và truyền lửa đổi thay
Sau ngày đất nước thống nhất, Y Pan lại trở về với buôn làng, tiếp tục một hành trình mới, dựng xây cuộc sống hòa bình, ấm no. Nếu như trước đây khi chiến tranh, bà chiến đấu giữa rừng bom đạn để giữ đất quê hương thì nay bà chiến đấu với nghèo đói, lạc hậu, hủ tục để buôn làng được ấm no, hạnh phúc.
Nhân dân tín nhiệm bầu bà Y Pan là già làng, một vị trí hiếm hoi dành cho phụ nữ trong cộng đồng người Brâu truyền thống. Là đảng viên, bà tiếp tục giữ vai trò then chốt trong chi bộ địa phương, triển khai chính sách ở cấp cơ sở. Từ phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa đến bảo vệ đường biên... bà đều là người tiên phong, mẫu mực.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên và gian nan nhất của bà là vận động bà con bỏ tập quán du canh, du cư. Với người Brâu, đã từ lâu, tập quán du canh, du cư ăn sâu vào nếp nghĩ, họ quen với việc phát nương làm rẫy, gieo hạt rồi lại di chuyển. Với họ, việc làm ruộng, canh tác cố định là điều lạ lẫm, thậm chí là rất cực nhọc. “Ban đầu khi nói đến làm ruộng là họ phản đối kịch liệt. Người thì bảo đất bùn lầy, người thì sợ trâu bò không quen, già lại phải đến từng nhà, vận động từng người. Nhiều lần bị từ chối, nhưng già không nản, già nhờ cả Bộ đội Biên phòng đến tuyên truyền, vận động bà con, đến khi thấy được cái lợi thì họ mới chịu làm”, bà Y Pan kể.
Nhờ sự kiên trì đó, nhiều gia đình đã chuyển sang làm ruộng trồng lúa nước, chăn nuôi, trồng rau. Từng bước một, cuộc sống ổn định hơn, trẻ em được đến trường, bệnh tật ít đi, hủ tục cũng dần được xóa bỏ. Không chỉ vậy, bà còn cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc, vận động thanh niên không vượt biên trái phép. Đồng chí Trần Xuân Tiềm, cán bộ biên phòng tăng cường xã Pờ Y chia sẻ: “Già Y Pan là người đặc biệt, cụ vừa là người cán bộ mẫu mực, vừa là người truyền cảm hứng cho người dân. Nhờ cụ mà đến nay, nhiều em học sinh không bỏ học, thanh niên không vượt biên, người dân không nghe theo kẻ xấu”. Cũng từ những người như cụ đã hỗ trợ chính quyền và LLVT trong việc tuyên truyền chính sách, xây dựng mô hình “làng văn hóa”, kết nối các dân tộc cùng sinh sống, cùng phát triển trên dải đất biên giới đầy nắng gió này.
Giờ đây, dù tuổi cao, cụ Y Pan vẫn nhanh nhẹn, giữ ánh mắt sắc sảo và giọng nói chắc nịch, rắn rỏi của người chiến sĩ năm xưa. Trong ngôi nhà sàn đơn sơ giữa lòng thôn Đắk Mế, cụ vẫn hằng ngày tiếp đón người dân, trò chuyện với già, trẻ, tiếp tục là “cây đại thụ” che bóng cho buôn làng. Già Y Pan không quên nhắc đến văn hóa của dân tộc Brâu, một trong số những dân tộc ít người nhất Việt Nam. Cụ luôn nhấn mạnh rằng, muốn phát triển thì người Brâu không được quên gốc rễ của mình. “Mình phải sống tốt theo Đảng, Nhà nước, nhưng cái cồng chiêng, cái khèn, bài hát dân tộc phải giữ cho con cháu sau này”, cụ nói.
Trong lòng đồng bào và cán bộ, chiến sĩ biên phòng, cụ Y Pan là hiện thân của sự kiên cường giữa đại ngàn, là tấm gương sáng ngời của người phụ nữ Tây Nguyên. Từ tấm gương của cụ, có thể thấy rõ nét truyền thống cách mạng vẫn đang được bồi đắp qua từng thế hệ, âm thầm nhưng mạnh mẽ, như dòng suối nguồn chảy mãi không ngừng. Với những cống hiến không mỏi mệt ấy, cụ Y Pan không chỉ được ghi nhận trong cộng đồng buôn làng mà còn nhiều lần được các cấp, ngành biểu dương. Cụ đã được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen từ cấp Trung ương đến địa phương vì những đóng góp trong công tác dân vận, bảo vệ an ninh biên giới và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số. Nhưng với cụ, phần thưởng lớn nhất chính là sự đổi thay của quê hương, là những mùa lúa đầy bồ, những đứa trẻ được đến trường và buôn làng yên bình mỗi sớm mai thức giấc.
Già Y Pan luôn nhấn mạnh: “Cái bụng mình theo Đảng, theo Bác Hồ thì phải làm đúng lời Bác dạy. Phải sống gương mẫu thì bà con mới tin, mới làm theo. Làm cán bộ, đảng viên thì không được nghĩ cho mình trước mà phải nghĩ cho buôn làng”. Đó là tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời của một người phụ nữ mang trong mình trái tim nồng nhiệt với đất, với người, với dân tộc.
Giữa đại ngàn Tây Nguyên xanh thẳm, tấm gương của già Y Pan vẫn lặng lẽ tỏa sáng. Đó không chỉ là câu chuyện của một con người, mà là biểu tượng của một thế hệ, của lòng trung thành, tận tụy và bản lĩnh vượt thời gian, một “ngọn lửa sống” truyền cảm hứng cho những thế hệ mai sau tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị tốt đẹp của cộng đồng dân tộc Việt Nam.