Giá lợn hơi giảm, bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp

Trong khi giá lợn có chiều hướng giảm thì bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp với hơn 22.000 con lợn trên địa bàn cả nước bị tiêu hủy...

Ngày 25-6, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước tiếp tục giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg so với hôm qua, dao động trong khoảng 63.000 - 68.000 đồng/kg. Cụ thể, tại miền Bắc, giá lợn hơi được thương lái thu mua trong khoảng 67.000 - 68.000 đồng/kg.

Trong đó, giá lợn hơi tại Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nam, Vĩnh Phúc… đồng loạt giảm 1.000 đồng/kg, thương lái thu mua 67.000 đồng/kg; tại Thái Bình thu mua lợn hơi ở mức cao nhất khu vực 68.000 đồng/kg.

Tại thị trường miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi giảm 1.000 đồng/kg, thu mua trong khoảng 63.000 - 67.000 đồng/kg.

Khu vực miền Nam, giá lợn hơi giảm 2.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 66.000 - 68.000 đồng/kg.

Các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (Ảnh: Hương Giang).

Các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (Ảnh: Hương Giang).

Trong khi giá lợn có chiều hướng giảm thì bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã phải tiêu hủy hơn 22.000 con lợn, tập trung tại Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Nam, Quảng Ninh…

So cùng kỳ năm 2023, số ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tăng 2,4 lần; số lượng lợn phải tiêu hủy tăng gần 94 con; số thôn, xã/phường có dịch cũng tăng, nhiều ổ dịch đến nay vẫn chưa qua 21 ngày…

Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phan Quang Minh cho biết, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới rất cao. Việc kiểm soát buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn, kiểm soát giết mổ lợn ở các địa phương còn phức tạp; chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chưa bảo đảm yêu cầu về an toàn sinh học…

Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát, lây lan của bệnh dịch tả lợn châu Phi, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; hướng dẫn người dân áp dụng nghiêm ngặt biện pháp chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học. Bên cạnh đó, cần kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý kịp thời, dứt điểm các ổ bệnh; ưu tiên nguồn lực tại chỗ của địa phương trong xử lý ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/gia-lon-hoi-giam-benh-dich-ta-lon-chau-phi-dien-bien-phuc-tap-670196.html