Giá mủ biến động mạnh, loạt DN cao su hoàn thành kế hoạch năm 2023
Việc Trung Quốc tung ra các gói kích thích kinh tế và hỗ trợ ngành công nghiệp ô-tô đã tạo lực đẩy lên tiêu thụ và giá cao su thế giới cuối năm 2023. Đây cũng được coi là thời điểm để ngành cao su Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng thoát khỏi cảnh tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm.
Giá cao su biến động mạnh những tháng cuối năm 2023
Trên thị trường thế giới, năm 2023, giá cao su tại khu vực châu Á biến động mạnh, giá ở mức thấp trong 2 quý đầu năm và tăng trở lại trong quý III và quý IV/2023. Giá đạt mức cao nhất năm vào tháng 10 và 11/2023, nhưng sau đó đã giảm trở lại.
Tháng 12/2023, giá cao su biến động trái chiều, so với cuối tháng trước giá tại Nhật Bản giảm; trong khi tăng tại Thượng Hải và Thái Lan nhờ được thúc đẩy bởi nhu cầu từ các nhà máy của Trung Quốc ổn định, thị trường hy vọng về các biện pháp kích thích tại Trung Quốc và lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung từ Thái Lan.
Tại thị trường trong nước, năm 2023 giá mủ cao su nguyên liệu trong nước biến động theo xu hướng của thị trường thế giới, giá mủ cao giảm trong 2 quý đầu năm, sau đó tăng trở lại trong quý III và IV/2023. Tuy nhiên, hiện giá bán mủ cao su vẫn ở mức thấp so với các năm trước đây.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam gặp nhiều khó khăn do giá cao su xuất khẩu giảm mạnh, nên trị giá xuất khẩu cao su thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sự phục hồi hoạt động sản xuất tại Trung Quốc yếu hơn so với các dự báo, khiến sản lượng tiêu thụ lẫn giá bán cao su đều ở mức thấp.
Loạt doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm
Nhận định trước tình hình khó khăn, ngay từ đầu năm 2023, các doanh nghiệp đã đặt kế hoạch kinh doanh khá thận trọng, do đó, hầu hết đều hoàn thành chỉ tiêu đã đặt ra.
Theo BCTC hợp nhất công bố mới đây, doanh thu thuần quý IV/2023 của CTCP Cao su Thống Nhất (mã: TNC) đạt gần 33 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, đóng góp chính bởi sự hồi phục của hoạt động bán mủ cao su khi tăng đến 198%, đạt hơn 28 tỷ đồng, đóng góp gần 87% trong cơ cấu doanh thu. Các hoạt động còn lại như gia công mủ cao su, bán chuối xen canh và bán chuối hợp tác đều ghi nhận tăng trưởng âm.
Biên lãi gộp cải thiện nhẹ 0,8 điểm phần trăm lên 22,5%, giúp doanh nghiệp lãi gộp 7,4 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ
Hoạt động tài chính cũng là một điểm sáng trong quý IV/2023 với doanh thu tăng 29% lên 3 tỷ đồng, đồng thời chi phí dù không chiếm tỷ trọng cao nhưng đã giảm đến 86%, chỉ còn vỏn vẹn hơn 2 triệu đồng, giúp Cao su Thống Nhất có lãi từ hoạt động tài chính gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động khác có lãi trở lại thay vì lỗ như cùng kỳ.
Sau cùng, TNC lãi ròng hơn 5 tỷ đồng trong quý cuối năm, tăng 159% so với quý IV/2022.
Lũy kế năm 2023, doanh thu thuần TNC tăng 33% so với năm trước, đạt 129 tỷ đồng, trong đó hoạt động bán mủ cao su mang về hơn 91 tỷ đồng, tăng 101% và đóng góp hơn 70% trong cơ cấu doanh thu; lãi ròng gần 33 tỷ đồng, mặc dù giảm 37% nhưng đã kịp thời hoàn thành kế hoạch năm đề ra là 30 tỷ đồng.
Tương tự, Cao su Tây Ninh (mã: TRC) cũng bứt tốc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2023. Theo đó, trong cuối cùng năm 2023, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 235 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp được cải thiện 5,3 điểm phần trăm lên 31,6%, giúp TRC lãi gộp 74,3 tỷ đồng, tăng 55%.
Ngược lại, doanh thu tài chính giảm 8% về 4,2 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính tăng 31% (chủ yếu do tăng chi phí lãi vay), dẫn đến lỗ hoạt động tài chính 300 triệu đồng. Ngoài ra, một khoản chi phí khác chiếm tỷ trọng cao là chi phí quản lý doanh nghiệp cũng ghi nhận tăng đến 44% lên mức 52 tỷ đồng.
Sau cùng, TRC lãi ròng 49,7 tỷ đồng, tăng 68%. Mức lãi trong riêng quý IV này cao hơn lãi ròng lũy kế 9 tháng đầu năm (20 tỷ đồng).
Lý giải cho kết quả tích cực này, TRC cho biết chủ yếu do Công ty Tây Ninh Siêm Riệp PTCS (công ty con của TRC) phát sinh lợi nhuận, trong khi cùng kỳ trước vẫn còn lỗ trong kế hoạch.
Lũy kế năm 2023, TRC ghi nhận doanh thu thuần 582 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. Lãi ròng 70 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ nhưng hoàn thành kế hoạch năm đề ra là 68,2 tỷ đồng.
Cao su Bến Thành (mã: BRC) có pha “nước rút” hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2023 nhờ mảng cao su hồi phục mạnh trong quý cuối cùng của năm 2023. Theo đó, doanh thu thuần quý IV/2023 của đơn vị đạt 87 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ. Kết quả này do doanh thu bán hàng hóa (hàng mua đi bán lại) giảm mạnh hơn 84% còn 1,5 tỷ đồng, bất chấp doanh thu từ hoạt động cốt lõi là sản phẩm cao su tăng hơn 7%, đạt 84,3 tỷ đồng (bán băng tải chiếm khoảng 70%).
Tuy nhiên, mảng cao su lại có biên lãi gộp cao hơn so với hàng mua đi bán lại, giúp lãi gộp tăng 10% lên 20,4 tỷ đồng, với khoảng 60% từ bán băng tải.
Chi phí bán hàng giảm 19% còn 9,1 tỷ đồng cũng là một điểm sáng cho kỳ kinh doanh cuối năm 2023 của BRC, chủ yếu nhờ giảm chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí vật liệu bao bì. Ngược lại, một khoản chi phí cũng chiếm tỷ trọng cao khác là chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 54% lên 4,7 tỷ đồng, do công ty trích lập dự phòng nhiều hơn.
Sau cùng, BRC lãi ròng 5,2 tỷ đồng, tăng mạnh 85% so với cùng kỳ. Lũy kế năm 2023, BRC ghi nhận doanh thu thuần 332,2 tỷ đồng, giảm 2% so với năm trước, trong khi lãi ròng tăng 4% lên 19,4 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 19,3 tỷ đồng đã đề ra từ đầu năm.
Đáng chú ý, Cao su Tân Biên (Tabiruco, mã: RTB) còn vượt kế hoạch lợi nhuận sau khi đã tăng tới 85%. Cụ thể, doanh thu thuần quý IV/2023 của RTB đạt 255 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ, nhờ hoạt động bán hàng hóa mủ cao su tăng trưởng, bù đắp lại sự sụt giảm do giá bán thành phẩm cao su giảm.
Tuy nhiên, biên lãi gộp của hoạt động bán hàng hóa mủ cao su chỉ khoảng 11%, thấp hơn nhiều so với mức 79% của hoạt động bán thành phẩm mủ cao su, kéo theo lãi gộp RTB giảm 31% còn 77 tỷ đồng.
Lợi nhuận từ các hoạt động khác không đáng kể. Sau cùng, RTB lãi ròng 24 tỷ đồng trong quý IV/2023, giảm 37% so với cùng kỳ.
Kết thúc năm 2023, doanh thu thuần đạt 952 tỷ đồng, tăng 2% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế 225 tỷ đồng và lãi ròng 171 tỷ đồng, đều giảm 15%.
Dù sụt giảm so với cùng kỳ nhưng RTB vẫn hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế đề ra là 218 tỷ đồng. Lưu ý, đây là kế hoạch mới đã được RTB điều chỉnh tăng 82% so với kế hoạch cũ đã vượt qua chỉ sau 9 tháng đầu năm.