Giá ngũ cốc thế giới rời mức cao kỷ lục

Giá ngũ cốc thế giới đã giảm mạnh từ mức cao kỷ lục đạt được khi Nga vừa tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine.

Nông dân thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở Kharkiv, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Nông dân thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở Kharkiv, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy vậy, một mối đe dọa khác đối với an ninh lương thực toàn cầu vẫn còn, đó là tình trạng thiếu phân bón.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine làm dấy lên lo ngại về nạn đói ở các nước nghèo, vốn phụ thuộc lớn vào hàng hóa nông nghiệp từ Ukraine và Nga, hai quốc gia chiếm gần 1/3 tổng lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu vào năm 2021.

Giá lúa mì đạt đỉnh gần 440 euro (440 USD)/tấn trên thị trường châu Âu vào giữa tháng 5/2022, gấp đôi mức tương ứng của một năm trước, do các chuyến hàng quan trọng từ Ukraine bị mắc kẹt tại cảng. Tuy vậy, giá ngũ cốc đã giảm xuống còn khoảng 300 euro/tấn vào tháng Tám này.

Gautier Le Molgat, chuyên gia phân tích của công ty tư vấn Agritel cho biết: “Tình hình bắt đầu lắng dịu vào cuối tháng Năm, đầu tháng Sáu với những dự báo thu hoạch tích cực đầu tiên tại châu Âu và việc nối lại xuất khẩu của Ukraine, đầu tiên là đường bộ và đường sắt, sau đó là đường biển".

Ucraine và Nga đã đạt được một thỏa thuận vào tháng 7/2022, do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, cho phép Ukraine nối lại các chuyến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Thỏa thuận đã mở ra một hành lang vận chuyển cho 20 triệu tấn ngô, lúa mì và dầu hạt hướng dương dự trữ ở Ukraine. Theo Trung tâm Điều phối chung quản lý hành lang biển, hơn 720.000 tấn ngũ cốc đã rời Ukraine kể từ sau thỏa thuận này.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay: "Nhờ hợp tác quốc tế sâu rộng, Ukraine đang trên đà xuất khẩu tới 4 triệu tấn nông sản trong tháng Tám này".

Ngoài việc có thêm nguồn cung ngũ cốc cho thị trường và giúp giá "nguội bớt", thỏa thuận trên còn khiến phí bảo hiểm và chi phí vận tải đồng loạt giảm theo. Tuy nhiên, việc giảm căng thẳng giữa hai nước này hiện đang mang lại lợi ích cho Ukraine nhiều hơn là Nga, quốc gia đang kỳ vọng thu hoạch bội thu 88 triệu tấn lúa mì trong năm nay.

Theo ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Nga SovEcon, xuất khẩu lúa mì của Nga trong tháng 7 và tháng 8 đang giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đó là do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường ngũ cốc quốc tế, cũng như giá trị đồng ruble tăng mạnh và thuế xuất khẩu của Nga cao.

Andrei Sizov, giám đốc điều hành của SovEcon cho biết, khối lượng xuất khẩu thấp của Nga là một trong những lý do chính khiến giá lúa mì vẫn ở mức cao.

Một trong những lý do chính khác khiến giá ngũ cốc không giảm thêm là do giá năng lượng tăng cao. Giá dầu cao hơn ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, trong khi khí đốt tự nhiên là nhiên liệu để sản xuất phân bón hóa học mà hầu hết nông dân hiện nay sử dụng.

Joel Jackson, một nhà phân tích thị trường phân bón tại BMO Capital Markets, cho biết: “Giá phân bón đã tăng gấp ba lần trong 18 tháng qua và công việc khó khăn của tôi là dự đoán những gì sẽ diễn biến trong 18 tháng tới”.

Nicolas Broutin, người đứng đầu công ty phân bón Yara của Na Uy, nhà sản xuất phân bón lớn nhất châu Âu cho biết, với giá khí đốt châu Âu tăng vọt lên trên 300 euro/MWh, so với mức trung bình 20 euro/MWh trong những thập kỷ qua, các công ty phân bón gặp phải một vấn đề lớn vì họ không thể thỏa thuận giá cả hợp lý hơn đối với các nhà sản xuất amoniac.

Nhà phân tích Joel Jackson của BMO Capital Markets cho biết, các nhà sản xuất phân bón lo ngại rằng giá cao sẽ khiến nông dân giảm hoặc loại bỏ việc sử dụng chúng.

Theo ông, nông dân sẽ cố gắng chuyển chi phí phân bón cao hơn cho người tiêu dùng, làm tăng chi phí thức ăn.

Trong khi đó, việc hạn chế sử dụng phân bón sẽ dẫn đến năng suất và thu hoạch cây trồng thấp hơn, qua đó làm tăng giá lương thực./.

Minh Trang (Theo AFP)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-ngu-coc-the-gioi-roi-muc-cao-ky-luc/256288.html