Giá nhà liên tục tăng, vượt xa khỏi 'tầm với' của nhiều người

Sở hữu nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của nhiều người, nhất là với quan điểm cố hữu 'an cư – lạc nghiệp' của người Việt. Nhưng với việc giá nhà liên tục tăng, việc sở hữu nhà ở đối với nhiều người sống ở thành phố lớn như TP HCM dường như quá khó khăn.

Tiết kiệm không nhanh bằng tốc độ tăng giá nhà

Với thu nhập của cả gia đình trung bình khoảng 40 triệu đồng/tháng, nhưng mỗi tháng, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tùng (quận 7, TP HCM) chỉ để ra được khoảng 20% thu nhập để tiết kiệm mua nhà sau khi đã trừ tất cả các chi phí dự phòng tháng sau. Anh này cho biết, thu nhập của gia đình anh đã nằm ở mức khá so với nhiều người, nhưng để tiết kiệm để mua nhà thì vẫn khá xa vời và liều lĩnh.

“Hiện tại, thu nhập của vợ chồng tôi chỉ đủ cho chi phí sinh hoạt và tiền học cho 1 đứa con. Khoản tiết kiệm bỏ ra cũng không ổn định vì có tháng ốm đau, đám lễ hay gia đình có việc phát sinh. Như vậy, nếu không tăng ca hoặc kiếm thêm việc làm ngoài thì hầu như hai vợ chồng tôi chỉ tiết kiệm được khoảng 50-60 triệu đồng/năm. Do đó có đủ tiền đóng ban đầu cũng không dám mua nhà…”, anh Tùng chia sẻ.

Có suy nghĩ tương tự, anh Nguyễn Quốc Vương (Tân Phú, TP HCM) cũng cho rằng việc mua nhà hiện nay thật sự khó khăn bởi tiết kiệm tiền không nhanh bằng tốc độ tăng giá của bất động sản. Nhất là khi anh Vương đang Là lao động chính trong gia đình có vợ và 2 con nhỏ nên việc quyết định vay mua bất động sản cần phải cân nhắc kĩ.

“Mặc dù gia đình cũng động viên, hỗ trợ để mua trả góp nhà, nhưng hiện tại gia đình mình chỉ có 1 người đi làm. Nếu trong trường hợp rủi ro, có vấn đề gì phát sinh trong công việc thì sẽ rất khó để thanh toán khoản nợ lãi ngân hàng. Hơn nữa mình cũng nhận thấy, khoản tiết kiệm của mình không là gì so với tốc độ tăng giá nhà, một số khu vực mình có quan tâm trước đây, giờ giá cũng tăng gần gấp đôi…”, anh Vương cho biết.

 Nhiều người không dám mua nhà do lo sợ các rủi ro với lãi vay.

Nhiều người không dám mua nhà do lo sợ các rủi ro với lãi vay.

Cũng vì lý do đó, anh Vương cũng như nhiều người khác đang sống bám trụ tại TP HCM cũng như một số tỉnh, thành phố lớn khác chưa dám mua nhà. Thay vào đó, một số người dùng khoản tiền tiết kiệm đem đi đầu tư và dùng lãi để thuê nhà, mặc dù cũng khá rủi ro.

Dữ liệu của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam mới đây cũng cho thấy, trong 10 năm qua giá địa ốc đã tăng hàng chục lần. Năm 2021, giá nhà bình quân đã tăng trưởng hai chữ số, thậm chí gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Lãi suất thấp cùng với lạm phát cao kỷ lục là những yếu tố góp phần làm giá nhà tăng mạnh, nhưng cốt lõi của vấn đề là tình trạng sụt giảm nguồn cung.

Giá cả bất động sản sẽ tăng với tốc độ khác nhau ở các khu vực và thị trường khác nhau, chủ yếu phụ thuộc vào cán cân cung - cầu. Tuy nhiên, nhìn chung giá nhà có thể sẽ không tăng nhiều vào năm 2024. Những giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã phát huy tác dụng. Phía cung của thị trường đã tiếp cận được dòng vốn tín dụng.

 Các loại hình nhà ở giá rẻ không đủ nguồn cung và lãi suất ưu đãi cũng chưa đủ hấp dẫn.

Các loại hình nhà ở giá rẻ không đủ nguồn cung và lãi suất ưu đãi cũng chưa đủ hấp dẫn.

Tuy nhiên, cho vay nhà ở lại đang có chiều hướng giảm dần. Vì trong bối cảnh kinh tế khó khăn, vay mua nhà phục vụ nhu cầu ở thực không phải là ưu tiên hàng đầu của người dân ở thời điểm hiện tại. Hơn thế nữa, nguồn cung hiện hữu trên thị trường cũng không phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của số đông. Ngoài ra, điều kiện vay vốn “ngặt nghèo", khó thỏa mãn cùng với môi trường đầu tư, kinh doanh rủi ro buộc nhà đầu tư phải thận trọng hơn, khiến lượng khách hàng tiềm năng tham gia thị trường cũng suy giảm.

Ngoài ra, khó khăn trong việc phát triển dự án nhà ở xã hội bao gồm việc xử lý thủ tục đầu tư, tiếp cận vốn, bán hàng... cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá nhà vì nó tác động tới tiến độ bàn giao và xây dựng nhà ở.

Tình trạng lệch pha cung cầu vẫn chưa thể giải quyết

Theo báo cáo thị trường 10 tháng đầu năm của Hiệp hội Bất động sản TP HCM, nguồn cung bất động sản tại thị trường TP HCM và trên cả nước vẫn đang trong tình trạng lệch pha cung cầu, dẫn đến thiếu nguồn cung nhà ở. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, tại TP HCM chỉ có 13 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện để huy động vốn với 15.020 căn (tăng 1,37 lần so với cùng kỳ năm 2022) gồm 13.767 căn hộ chung cư (91,6%) và 1.253 căn nhà thấp tầng (8,4%).

Trong đó, phân khúc nhà ở cao cấp có 9.969 căn, còn lại là phân khúc nhà ở trung cấp với 5.051 căn và vẫn tiếp tục tình trạng không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân giá vừa túi tiền, cũng như không có thêm nhà ở xã hội.

 Báo cáo của HoREA cũng cho thấy nguồn cung của nhà ở giá rẻ không đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Báo cáo của HoREA cũng cho thấy nguồn cung của nhà ở giá rẻ không đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Đáng nói, từ năm 2020 đến nay, nhà ở cao cấp luôn chiếm tỷ lệ áp đảo lên đến 70-80% sản phẩm nhà ở trên thị trường, phần còn lại là nhà ở trung cấp và hầu như không còn nhà ở bình dân và nhà ở xã hội, loại nhà đáp ứng nhu cầu thực của đa số người dân.

Với việc lệch pha cung cầu, thị trường lại “mạnh” ở phân khúc cao cấp đã dẫn tới việc khả năng tiếp cận nhà ở của nhiều người bị gặp khó. Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA nhấn mạnh, từ 2017 đến nay giá nhà ở liên tục neo cao, vượt khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình.

Đặc biệt, từ 2021, căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m2 đã hoàn toàn biến mất khỏi thị trường TP HCM. Với căn hộ có giá 2-3 tỉ đồng, người có thu nhập trung bình thấp, có tiền để dành được khoảng 100 triệu đồng/năm cũng phải mất khoảng 25 năm mới có thể mua được nhà.

Chưa kể hiện nay, nhiều gia đình vẫn đang dừng ở mức thu nhập trung bình 15 triệu đồng/tháng hoặc thấp hơn còn không tích lũy được nổi số tiền như trên hoặc lo ngại về các yếu tố rủi ro khi mua nhà. Do đó, nhiều người chỉ có thể lựa chọn ở thuê hoặc tìm những dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ ở xa TP HCM. Nhưng với nguồn cung hạn hẹp như báo cáo nói trên của phân khúc này đã khiến nhiều người muốn sở hữu nhà ở đã khó lại càng thêm khó.

An Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-nha-lien-tuc-tang-vuot-xa-khoi-tam-voi-cua-nhieu-nguoi-post273942.html