Giá phân bón liệu có ổn định?

Sau khi lập đỉnh cao vào quý III-2022, giá khí đốt tự nhiên nằm trong xu hướng giảm liên tục và duy trì mặt bằng giá thấp suốt từ đầu năm 2023 đến nay.

Nguyên liệu khí đốt giảm

Khí đốt tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong sản xuất phân đạm, chiếm 70-90% tổng chi phí sản xuất. Nó không chỉ là nguồn năng lượng để các nhà máy phân bón hoạt động mà còn dùng để sản xuất các nguyên liệu thô, bao gồm: Ammonia, Urea, Ammonium Nitrate.

Do đó, khi giá khí đốt tự nhiên tăng, chi phí sản xuất phân đạm tăng, dẫn đến giá phân đạm cao hơn cho người tiêu dùng. Ngược lại, khi giá khí đốt tự nhiên giảm, chi phí sản xuất phân đạm giảm.

Nhờ thời tiết ấm áp bất thường trong năm 2024, phá vỡ nhiều kỷ lục về nhiệt độ. Mùa đông ôn hòa, đặc biệt là ở Pháp và Đức, đã chiếm ưu thế, dẫn đến mùa đông ấm thứ 3 và thứ 4 của họ trong 34 năm, đã góp phần làm giảm nhu cầu sưởi ấm của khu vực Liên minh châu Âu (EU). Bên cạnh đó, việc cắt giảm cả nhu cầu công nghiệp đối với khí đốt tự nhiên trên khắp châu Âu cũng góp phần làm lấp đầy tồn kho khí đốt ở khu vực này.

Tính đến hết quý II, lượng khí đốt dự trữ tại các cơ sở lưu trữ ngầm của châu Âu đã đầy 70,5%, cao hơn 12,3% so với mức trung bình 5 năm qua. Theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, trữ lượng khí đốt của khu vực là 77,24 tỷ m3 (bcm). Nhờ tồn kho dồi dào, giá khí đốt tự nhiên trung bình của châu Âu trong quý I đã thấp hơn khoảng 48,3% so với cùng kỳ năm ngoái do lượng hàng tồn kho cao tại khu vực EU.

Giá tham chiếu khí đốt tự nhiên trung bình của châu Âu theo TTF DA của Hà Lan (một chuẩn mực hàng đầu của châu Âu) là 27,4 EUR cho mỗi MWh trong quý I so với 53 EUR/MWh trong quý I-2023, theo dữ liệu của sàn giao dịch Intercontinental Exchange (ICE). Mặc dù giá có tăng trong quý II, nhưng lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7, trung bình giá khí đốt ở châu Âu thấp hơn khoảng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá khí đốt ở Mỹ cũng thấp hơn khoảng 12,7% so với cùng kỳ.

Nguồn cung phân bón thuận lợi hơn

Giá Ammonia lỏng, khan giảm trong năm 2024 ngoài lý do giá khí đốt giảm còn có nguyên nhân không kém phần quan trọng là do nguồn cung lớn hơn. Việc khôi phục và mở rộng các cơ sở sản xuất, cùng với khối lượng nhập khẩu cao hơn, đã góp phần tạo nên nguồn cung Ammonia dồi dào trên thị trường châu Âu. Ngoài ra, nguyên nhân thứ ba khiến giá Ammonia lỏng, khan giảm là do nhu cầu chậm lại.

Giá các loại cây trồng chính, đặc biệt là ngũ cốc như lúa mì đã giảm, làm giảm lợi nhuận của các trang trại, khiến nông dân châu Âu phải giảm lượng phân bón sử dụng. Địa chính trị và động lực thương mại là những lý do khác khiến giá phân bón giảm. Việc nới lỏng một số lệnh trừng phạt đối với Nga đã dẫn đến việc nhập khẩu phân bón lớn hơn từ Nga vào EU và khiến nguồn cung Ammonia dồi dào trên thị trường gây áp lực lên giá.

Theo truyền thống, châu Âu phụ thuộc đáng kể vào phân bón của Nga, đặc biệt là phân đạm. Tuy nhiên, mức độ phụ thuộc và những tác động của nó đã trở nên rõ ràng hơn do căng thẳng địa chính trị kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra vào năm 2022.

Cơ quan thống kê Eurostat của EU cho biết thị phần của Nga trong lượng phân bón nhập khẩu ngoài EU đã giảm từ tỷ trọng 37% trong quý I-2022 xuống còn 14% trong quý I-2023; nhưng đã tăng trở lại mức 27% trong quý I. Những nước mua khí đốt lớn nhất của Nga tại châu Âu cũng đã tăng cường mua phân bón có nguồn gốc từ Nga trong năm 2023.

Đức đã tăng gần gấp đôi lượng phân bón mua từ Nga trong năm 2023 so với năm 2022 và cao gấp 7 lần so với năm 2021. Lượng phân bón nhập khẩu từ Nga của Pháp cũng đã tăng 25% trong năm 2023 so với năm 2022 và tăng gấp đôi so với năm 2021.

Vũ khí chiến lược của Nga

Các công ty phân bón khoáng sản lớn nhất ở châu Âu đang lo lắng rằng khu vực này dường như đang mất cảnh giác khi trở nên gần như hoàn toàn phụ thuộc vào phân bón của Nga, giống như những gì đã xảy ra với khí đốt vài năm trước. Phân đạm là loại phân cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của cây trồng, được sản xuất bằng khí đốt tự nhiên, và Nga đang xuất khẩu ngày càng nhiều phân bón hơn sang châu Âu.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng với trữ lượng khí đốt dồi dào đã giúp cho phân bón của Nga có lợi thế cạnh tranh về giá, và điều đó cũng mang lại lợi ích cho cả ngành nông nghiệp và người dân châu Âu khi hạ được chi phí đầu vào.

Lạm phát trước mắt đã dịu xuống và nằm trong phạm vi dễ chịu đối với người dân, nhưng rủi ro tiềm ẩn như đã từng xảy ra với khí đốt có thể gây gián đoạn nền nông nghiệp của cả khu vực châu Âu nếu nguồn cung phân bón nhập khẩu bất ngờ gặp khó khăn.

Bất kỳ động thái địa chính trị quan trọng nào, đặc biệt là ở Trung Đông, Ukraine và những thay đổi đột ngột về giá khí đốt tự nhiên đều có thể ảnh hưởng đến giá Ammonia, một thành phần chính của phân bón Nitrogenous.

Khả năng ảnh hưởng của Nga không chỉ nằm trong phạm vi châu Âu mà còn lên ngành phân bón toàn cầu, khi quốc gia này đều đứng vị thế nhà xuất khẩu lớn thứ hai ở cả 3 loại phân bón: Nitrogenous, Phosphaste và Potash. Với tình hình địa chính trị đến nay cho thấy nguy cơ xảy ra xung đột quân sự vẫn đang tăng lên ở Trung Đông, trong khi xung đột Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Do đó, sự ổn định hiện tại của giá phân bón có thể bị phá vỡ và rủi ro tăng lạm phát trong tương lai.

Phạm Tuấn

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/gia-phan-bon-lieu-co-on-dinh-post116378.html