Giá quả vải rẻ hơn công hái ở Trung Quốc

Vải chín rộ khắp miền Nam Trung Quốc, nhưng sau vị ngọt là một mùa vụ 'đắng' với người trồng.

 Những người bán vải trên phố ở Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, năm 2022. Ảnh: Wang Shaohua/VCG.

Những người bán vải trên phố ở Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, năm 2022. Ảnh: Wang Shaohua/VCG.

Từng được xem như sản vật tiến vua, quả vải ngày nay không còn là đặc sản xa xỉ tại Trung Quốc. Khi công nghệ bảo quản hiện đại giúp đưa loại quả này phổ biến đến khắp các bàn ăn mùa hè, chính những người trồng vải ở đất nước tỷ dân lại đối mặt với một thực tế cay đắng: giá rớt thê thảm trong năm trúng mùa nhất thập kỷ, theo Sixth Tone.

Giữa vườn vải 500 cây ở ngoại ô tỉnh Quảng Châu, bà Tần Thiếu Phân cùng chồng như đang chạy đua với thời gian. Cành sai trĩu quả, dự báo thu được 2.500 kg vải chỉ trong vài tuần tới. Nhưng thay vì phấn khởi, gia đình bà lại lo lắng từng ngày.

Đầu tháng 6, thương lái từng trả 24 nhân dân tệ/kg, đủ để bù chi phí phân bón, thuốc trừ sâu và nhân công. Nhưng chỉ vài ngày sau, giá giảm mạnh khi thị trường ngập tràn vải từ các vùng khác đổ về.

“Chúng tôi mới bán được một nửa. Ngay cả bán hết, thu nhập cũng không đủ sống qua năm”, bà Tần nói.

 Những cây vải sai quả trong vụ mùa bội thu tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, ngày 22/6. Ảnh: VCG.

Những cây vải sai quả trong vụ mùa bội thu tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, ngày 22/6. Ảnh: VCG.

Năm 2025, sản lượng vải toàn Trung Quốc đạt 3,65 triệu tấn, gấp đôi năm ngoái. Sự phong phú quá mức khiến thị trường rơi vào khủng hoảng cung vượt cầu. Giá bán lẻ của giống vải nổi tiếng Phi Tử Tiêu hiện chỉ còn 12-18 nhân dân tệ/kg, giảm tới 70% so với 2024. Giá các giống vải được ưa chuộng như Quý Vị, Bạch Đường Anh, Nhu Mễ cũng tụt dốc thê thảm.

Thậm chí, nhiều nhà vườn không còn mặn mà thu hoạch.

"Chúng tôi bỏ nghề hái vải rồi. Mỗi công nhân thu hoạch 100 kg/ngày, lương 300 nhân dân tệ, còn cao hơn cả giá trị lô vải", chồng bà Tần nói. Cả mùa vụ, họ chỉ thu về 2.000 nhân dân tệ, vừa đủ trang trải chi phí.

 Những người trồng vải ở miền nam Trung Quốc đang vật lộn để trang trải chi phí cho một năm bội thu nhưng nguồn cung giá rẻ tràn ngập thị trường. Ảnh: VCG.

Những người trồng vải ở miền nam Trung Quốc đang vật lộn để trang trải chi phí cho một năm bội thu nhưng nguồn cung giá rẻ tràn ngập thị trường. Ảnh: VCG.

Ở Thâm Quyến, anh Zheng Yi, chuyên gia tiếp thị, cùng cha chăm sóc vườn vải gia đình. Dù mở kênh bán hàng trên Douyin và WeChat, anh vẫn phải vật lộn với chi phí vận chuyển đắt đỏ: gửi 5 kg vải đi tỉnh khác tốn đến 100 tệ, trong khi bản thân 5 kg vải chỉ có giá 30 tệ.

Chuyên gia Su Yingyi cho rằng dòng vải giá rẻ kém chất lượng đã kéo theo sự sụt giảm nhu cầu ở phân khúc cao cấp. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Jiang Han cảnh báo về chu kỳ luẩn quẩn trong nông nghiệp Trung Quốc: sản lượng tăng – giá giảm, sản lượng giảm – giá lại tăng.

Điểm yếu cốt lõi là hệ thống sản xuất manh mún. Nhiều hộ vẫn quyết định trồng trọt dựa vào giá năm trước, thiếu dự báo thị trường, thông tin chậm, phản ứng chậm. Ngành bảo hiểm nông nghiệp chưa phủ tới cây ăn quả, càng khiến nông dân dễ tổn thương khi giá biến động.

 Vải được thu hoạch từ vườn nhà bà Tần ở Quảng Đông, tháng 6. Ảnh: Qin.

Vải được thu hoạch từ vườn nhà bà Tần ở Quảng Đông, tháng 6. Ảnh: Qin.

Một số hợp tác xã tại Quảng Đông đã vào cuộc, ký hợp đồng bao tiêu với hàng nghìn hộ dân để bảo đảm thu nhập. Tuy nhiên, giới chuyên gia kêu gọi những cải cách lớn hơn: lập quỹ ổn định giá, mở rộng bảo hiểm tới cây trồng dễ hỏng, và xây dựng chuỗi cung ứng thông minh bằng dữ liệu lớn và blockchain.

Bởi lẽ, như ông Jiang nói: “Trái vải – biểu tượng ngọt ngào suốt nghìn năm – đang khiến người trồng nhỏ lẻ phải gánh rủi ro lớn nhất nếu thị trường không được định hướng và bảo vệ kịp thời”.

Quỳnh Trang

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/gia-qua-vai-re-hon-cong-hai-o-trung-quoc-post1569092.html