'Cú hích' cho chuỗi giá trị ethanol nội địa

Từ 1/1/2026, Việt Nam sẽ bắt buộc sử dụng xăng E10 trên toàn quốc, đánh dấu bước tiến quan trọng trong lộ trình chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải.

Từ ngày 1/1/2026, toàn bộ xăng lưu thông trên thị trường Việt Nam sẽ bắt buộc pha 10% ethanol, chính thức chuyển sang sử dụng xăng E10. Đây là bước đi quan trọng trong thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững.

Theo ông Trần Minh – Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, nhu cầu thực tế triển khai xăng E10 toàn quốc sẽ lên tới 1 - 1,5 triệu m³/năm. Phần thiếu hụt sẽ được nhập khẩu từ các quốc gia có nguồn cung dồi dào như Mỹ, Argentina…

Mua bán xăng dầu tại một điểm kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Mua bán xăng dầu tại một điểm kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối sản xuất và kinh doanh xăng dầu chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng phối trộn, vận chuyển và phân phối xăng E10 trên toàn quốc từ đầu năm 2026.

Theo định hướng mới của Bộ Công Thương, từ năm 2026, tất cả các loại xăng, bao gồm xăng A92 và A95, sẽ phải pha 10% ethanol nhiên liệu (E100), tạo thành xăng E10. Với sản lượng tiêu thụ xăng trong nước khoảng 12 - 15 triệu m³/năm, nhu cầu ethanol để pha chế sẽ vào khoảng 1,2 - 1,5 triệu m³/năm.

Tuy nhiên, hiện nay năng lực sản xuất ethanol trong nước mới chỉ đạt khoảng 450.000 m³/năm (tương đương 40% nhu cầu), phần còn lại phải nhập khẩu. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phục hồi vận hành các nhà máy ethanol trong nước, đặc biệt là các nhà máy tại Dung Quất, Đồng Nai và Quảng Nam.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng về tình hình cung ứng xăng dầu do Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, Petrovietnam và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã báo cáo kế hoạch sản xuất xăng E10 từ nhiên liệu sinh học, sử dụng Ethanol Dung Quất. BSR xác định đây là nhiệm vụ chiến lược, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2025–2030 và Nghị quyết 57 về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung cũng xây dựng phương án tái vận hành nhà máy Ethanol thông qua hợp tác kinh doanh. Ông Phạm Văn Vượng - Giám đốc Công ty cho biết, nhà máy sẽ hoàn thành chuẩn bị trong tháng 7–8, khởi động lại tháng 9, vận hành thử tháng 10 và sản xuất thương mại từ tháng 11/2025. Hệ thống thu hồi CO₂ sẽ được nâng công suất thêm 40–50 tấn/ngày.

Trước đó, từ năm 2015, BSR đã pha chế xăng E5 RON 92 thành công. Dự kiến tháng 8 tới, BSR sẽ thử nghiệm pha chế xăng E10, xuất bán tại khu vực miền Trung, góp phần chủ động nguồn cung, giảm nhập khẩu và thúc đẩy phát triển bền vững.

Hiện cả nước có 6 nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu, nhưng chỉ 2 nhà máy tại Đồng Nai và Quảng Nam đang hoạt động ổn định, với tổng sản lượng khoảng 100.000 m³/năm. Nếu cả 6 nhà máy cùng hoạt động, năng lực sản xuất có thể đạt 500.000 m³/năm.

Theo các chuyên gia kỹ thuật, hầu hết xe máy hiện đại tại Việt Nam - đặc biệt từ các hãng như Honda, Yamaha, Piaggio – đều tương thích với xăng E10. Tuy nhiên, đối với các dòng xe đời cũ (trước năm 2000), một số vật liệu trong hệ thống nhiên liệu có thể không phù hợp với ethanol, gây hư hỏng như rò rỉ, ăn mòn, hoặc tắc nghẽn.

Bên cạnh đó, việc lưu trữ E10 trong bình xăng quá lâu (trên 3 tháng) có thể gây tách lớp và ảnh hưởng đến hệ thống nhiên liệu. Người tiêu dùng cần lưu ý bảo dưỡng định kỳ và kiểm tra hướng dẫn từ nhà sản xuất.

Đại diện Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) cho biết: “Xăng E5RON92 từng được triển khai từ năm 2014 nhưng hiện có tỷ lệ tiêu thụ thấp tại các đô thị lớn, nơi sử dụng phương tiện đời mới. Trong khi đó, tỷ lệ này cao hơn tại các vùng sâu, vùng xa”.

Nguyên nhân bao gồm: loại xăng nền RON92 không còn phù hợp với phương tiện đời mới, chính sách hỗ trợ còn hạn chế, tâm lý người tiêu dùng chưa tin tưởng, việc truyền thông chưa hiệu quả.

Hiện có hơn 50 quốc gia sử dụng nhiên liệu sinh học. Tại Mỹ, xăng chứa đến 10% ethanol là tiêu chuẩn bắt buộc; tại Brazil, tỷ lệ ethanol trong xăng có thể lên tới 85%; Thái Lan và Philippines cũng sử dụng E10 phổ biến.

Tại Việt Nam, với 214 kho xăng dầu, các doanh nghiệp như Petrolimex, PVOIL, Sài Gòn Petro và các nhà máy lọc dầu lớn như Bình Sơn và Nghi Sơn đã sẵn sàng về năng lực phối trộn, lưu trữ và phân phối xăng E10 theo hai phương pháp: phối trộn tại bể (In tank) và trong đường ống (In line).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo các nhóm giải pháp trọng để hiện thực hóa lộ trình xăng E10 gồm: Ban hành quyết định thay thế Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, xây dựng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng; phát triển hạ tầng phối trộn và phân phối: Nâng cấp nhà máy ethanol, xây dựng hệ thống phối trộn tại các vùng kinh tế trọng điểm; đảm bảo nguyên liệu bền vững; phát triển vùng nguyên liệu sắn, mía, ngô; khuyến khích công nghệ ethanol thế hệ; tăng cường truyền thông: Nâng cao nhận thức về lợi ích môi trường, kinh tế, chất lượng nhiên liệu sinh học; phối hợp chặt chẽ với địa phương: Giao chỉ tiêu tiêu thụ E10 trong kế hoạch phát triển hàng năm; khuyến khích đầu tư tư nhân: Tạo cơ chế thuận lợi thu hút vốn trong và ngoài nước; triển khai đồng loạt phối trộn E10: Trên nền xăng phù hợp với động cơ hiện đại.

Việt Nam hiện đã có đủ điều kiện để triển khai E10 trên toàn quốc. Việc chuyển đổi này không chỉ giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và khẳng định cam kết của Việt Nam trong các thỏa thuận quốc tế như COP26.

Văn Giáp/Bnews/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cu-hich-cho-chuoi-gia-tri-ethanol-noi-dia/380682.html