'Vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam': Tư duy chiến lược cho một thời kỳ phát triển mới

Nhân kỷ niệm 65 năm thành lập ngành du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: 'Đã đến lúc phải vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam', để khởi đầu cho quá trình tái cấu trúc toàn diện ngành.

Hồ sen An Nhiên tại Sun World Hạ Long.

Hồ sen An Nhiên tại Sun World Hạ Long.

Khát vọng vươn tầm châu lục

Ngành du lịch Việt Nam đang có nhiều cơ hội bứt phá khi trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2025. Với gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, hơn 77,5 triệu lượt khách nội địa và tổng thu đạt 518.000 tỷ đồng, mức tăng trưởng ấn tượng đã được xác lập giữa bối cảnh địa chính trị thế giới nhiều bất ổn và cạnh tranh du lịch ngày càng khốc liệt.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà phải trở thành ngành kinh tế truyền cảm hứng”. Để làm được điều đó, ngành cần một bản đồ mới, không chỉ theo nghĩa địa lý, mà là bản đồ chiến lược về tư duy phát triển, về liên kết vùng, sản phẩm đặc trưng và hệ sinh thái bền vững.

Trong bối cảnh chính quyền 2 cấp đã được triển khai đồng bộ, nhiều sở du lịch chuyên biệt không còn tồn tại ở cấp tỉnh, việc điều phối chính sách, triển khai xúc tiến hay giữ mạch phát triển du lịch đang đứng trước nguy cơ bị “đứt gãy”. Tuy nhiên, thay vì xem đó là trở ngại, Bộ trưởng kêu gọi ngành phải biết “biến không gian cũ chật hẹp thành không gian mới rộng mở”, nhất là sau các đợt sáp nhập địa giới hành chính.

“Vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam” không đồng nghĩa với việc phủ định những nỗ lực đã qua. Ngược lại, như Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là cơ hội để làm mới cách tiếp cận, định vị lại tài nguyên và liên kết phát triển trên nền tảng văn hóa đặc sắc, thứ mà du lịch Việt Nam có thừa, nhưng chưa khai thác hết chiều sâu.

Các ví dụ cụ thể được Bộ trưởng đưa ra tại Hội nghị khiến định hướng “bản đồ mới” không còn là khẩu hiệu. Khi Gia Lai sáp nhập Bình Định, tỉnh mới không chỉ có cao nguyên đất đỏ và Biển Hồ, mà còn sở hữu bãi biển Ghềnh Ráng, mở ra cơ hội phát triển “tour xuyên vùng” kết hợp du lịch biển và văn hóa Tây Nguyên.

Hoặc như liên kết giữa Ninh Bình - Hà Nam - Nam Định. Bản đồ mới có thể tạo ra một trung tâm du lịch tâm linh của miền Bắc, kết nối Tam Chúc - Phủ Dầy - Bái Đính, trở thành sản phẩm du lịch văn hóa liên hoàn hiếm có. Tương tự, khi Quảng Trị - Quảng Bình sáp nhập, sẽ không chỉ có Phong Nha - Kẻ Bàng và đường Hồ Chí Minh huyền thoại, mà còn hình thành chuỗi sản phẩm kết hợp du lịch sinh thái với lễ hội hòa bình, du lịch ký ức và giáo dục lịch sử cách mạng. Đây là minh chứng cho lời khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Vẽ lại bản đồ là phải phát huy lợi thế, tạo ra liên kết, từ đó hình thành không gian phát triển mới với khát vọng vươn tầm châu lục”.

Tư duy mới, liên kết mới, thể chế mới

Chủ trương “vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam” không chỉ là bài toán quy hoạch địa lý, mà là lời hiệu triệu về một tư duy phát triển mới, từ manh mún sang hệ thống, từ sản phẩm đơn lẻ sang hệ sinh thái gắn kết, từ tư duy hành chính cũ sang chiến lược bền vững dựa trên văn hóa, công nghệ và môi trường.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong bối cảnh sáp nhập địa giới hành chính và vận hành chính quyền 2 cấp, cần mạnh dạn định vị lại tài nguyên, tái tổ chức điểm đến và liên kết các địa phương thành chuỗi sản phẩm đặc sắc. Ông nhấn mạnh: “Mỗi làng quê, mỗi lễ hội đều có thể trở thành mắt xích trong bản đồ du lịch mới nếu được tổ chức lại, kể một câu chuyện mới và truyền cảm hứng thực sự”.

Bộ trưởng cũng đặt ra một câu hỏi mang tính gợi mở: “Liệu chúng ta có dám mơ đến những sản phẩm du lịch không có dấu chân?” - ở đây là các mô hình ứng dụng công nghệ số, như bảo tàng kỹ thuật số, thực tế ảo hay số hóa lễ hội, nhằm tạo trải nghiệm du lịch mới mẻ ngay cả từ xa.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đồng tình, ngành cần một cuộc cách mạng tư duy toàn diện. “Sản phẩm du lịch Việt Nam phải độc đáo, hấp dẫn, khác biệt. Không thể phát triển bền vững nếu vẫn tư duy cũ trong bộ máy mới”, ông nói. Hai trụ cột cần thúc đẩy ngay là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Ông đề xuất sớm ban hành hệ thống tiêu chí du lịch xanh thực tiễn và tích cực đưa công nghệ vào xúc tiến, vận hành điểm đến.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh xác định giai đoạn 6 tháng cuối năm là thời điểm “bứt tốc”, với ba trụ cột: hoàn thiện thể chế, nâng cấp sản phẩm và xúc tiến thị trường. Mục tiêu: 23 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa, tổng thu 1,05 triệu tỷ đồng, là thử thách lớn trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và chi phí gia tăng.

Theo ông Khánh, ngành cần định vị lại rõ 10 thị trường trọng điểm và xây dựng chiến lược xúc tiến dài hạn, với các văn phòng đại diện chuyên nghiệp tại nước ngoài, trong đó, văn phòng đầu tiên sẽ ra mắt tại Seoul (Hàn Quốc). “Không chỉ mang hình ảnh đi giới thiệu, mà phải bán được sản phẩm một cách bài bản”, ông nhấn mạnh.

Tại địa phương, Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu trong định hướng mới. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Thủ đô đang tập trung phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch đêm, sản phẩm làng nghề và đề xuất xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số ngành du lịch để tăng hiệu quả quản lý, xúc tiến. Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt đồ án bảo tồn di tích Hương Sơn, nhằm đưa Chùa Hương trở thành trung tâm du lịch tâm linh tầm quốc gia và khu vực.

Một bản đồ du lịch mới, như Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói, không thể do Trung ương đơn phương vẽ nên, mà cần sự đồng lòng từ địa phương, doanh nghiệp và toàn dân. Khi bản đồ ấy có đủ phần cứng (thể chế, hạ tầng, quy hoạch) và phần mềm (câu chuyện, trải nghiệm, xúc cảm), Việt Nam hoàn toàn có thể bước lên tầm cao mới, trở thành biểu tượng du lịch văn hóa của châu Á.

Hồ Hạ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ve-lai-ban-do-du-lich-viet-nam-tu-duy-chien-luoc-cho-mot-thoi-ky-phat-trien-moi-d331844.html