Gia tăng bệnh nhân diễn biến nặng vì cúm: Hàng loạt sai lầm người dân thường gặp

Nhiều người dân nghĩ cúm mùa là bệnh cảm vặt thông thường nên có tâm lý xem nhẹ. Thông thường, ở thể nhẹ, cúm mùa có thể tự khỏi sau 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn biến nặng gây ra viêm phổi, suy hô hấp…

3 trẻ trong cùng một gia đình mắc cúm A

Những ngày qua, nhiều bệnh nhân cúm vào viện trong tình trạng nặng, suy hô hấp nặng phải thở oxy, thở máy hỗ trợ, trường hợp nguy kịch phải đặt ECMO - tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể.

Thông tin với Người Đưa Tin, TS.BS Ngô Chí Cương - Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, Trưởng Chuyên khoa Truyền nhiễm, Hệ thống Y tế MEDLATEC cho biết, sau kỳ nghỉ Tết, khi mọi người quay trở lại làm việc, bệnh viện tiếp nhận khoảng 30-40 trường hợp mỗi ngày với các triệu chứng giống cúm như ho, sốt, đau họng và tức ngực.

Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện khoảng 30-40% trong số đó mắc cúm A. Đối với những ca bệnh thể nhẹ, triệu chứng đơn thuần, bác sĩ kê đơn thuốc và hướng dẫn bệnh nhân điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, một số trường hợp biến chứng nặng như viêm xoang nặng hoặc viêm phổi nặng cần nhập viện để theo dõi và điều trị tích cực.

Gần đây nhất, Hệ thống Y tế MEDLATEC ghi nhận 3 trường hợp nhiễm cúm A là 3 chị em trong một gia đình.

Trong đó, hai trẻ có diễn biến nặng với biến chứng viêm phổi, phải nhập viện để điều trị.

Cả 3 bệnh nhi đến khám tại MEDLATEC với các triệu chứng: sốt cao, dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng, ho khan nhiều, đau tức ngực trái, nhiều dịch mũi. Các triệu chứng xuất hiện đột ngột, diễn biến cấp tính tăng dần.

Xét nghiệm test nhanh cúm cho kết quả dương tính với cúm A ở cả ba trẻ. Trong đó, 2 bé gái có tình trạng nặng hơn, được chỉ định nhập viện do biến chứng viêm phổi, với các bilan viêm tăng cao, bao gồm bạch cầu (BC) tăng và CRP cao. Chụp CT phổi có hình ảnh tổn thương viêm phổi.

Riêng bé trai do triệu chứng nhẹ hơn, được kê đơn thuốc điều trị và theo dõi tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.

Hai bệnh nhi nhập viện được điều trị tích cực theo phác đồ, bao gồm kháng sinh, thuốc hạ sốt, chăm sóc hỗ trợ hô hấp và theo dõi sát tình trạng viêm phổi. Sau 7 ngày điều trị nội trú tình trạng sức khỏe của các bé đã ổn định. Hình ảnh chụp CT phổi sau điều trị không còn tổn thương, chức năng hô hấp cải thiện tốt, sức khỏe gần như hồi phục hoàn toàn.

Gần đây nhất, Hệ thống Y tế MEDLATEC ghi nhận 3 trường hợp nhiễm cúm A là 3 chị em trong một gia đình.

Gần đây nhất, Hệ thống Y tế MEDLATEC ghi nhận 3 trường hợp nhiễm cúm A là 3 chị em trong một gia đình.

Virus cúm có 4 chủng chính: A, B, C và D. Cúm A và B thường gặp ở người, trong khi cúm C gây bệnh nhẹ và thường không có triệu chứng. Cúm D ảnh hưởng chủ yếu đến gia súc và không gây bệnh ở người. Hiện nay, tại nước ta chủng cúm A đang lưu hành phổ biến.

Các triệu chứng phổ biến của cúm bao gồm đau đầu, sốt, ớn lạnh, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp, mệt mỏi... Các triệu chứng không đặc hiệu có thể khiến người dân nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường.

TS.BS Ngô Chí Cương cho biết, nhiều người dân nghĩ cúm mùa là bệnh cảm vặt thông thường nên có tâm lý xem nhẹ. Thông thường, ở thể nhẹ, cúm mùa có thể tự khỏi sau 5 - 7 ngày.

Tuy nhiên, bệnh có thể diễn biến nặng gây ra viêm phổi, suy hô hấp, viêm cơ tim, suy đa tạng, hoặc nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong, đặc biệt ở người có hệ miễn dịch yếu, bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, phụ nữ mang thai.

Bác sĩ lưu ý thêm, cúm ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những người có bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính do virus cúm tác động trực tiếp lên phổi. Các trường hợp đã có tổn thương phổi từ trước sẽ dễ tiến triển nặng hơn so với người khỏe mạnh.

"Khi thăm khám, nếu chụp X-quang phát hiện dấu hiệu viêm phổi, bệnh nhân cần được nhập viện ngay để điều trị kết hợp giữa thuốc kháng virus cúm và kháng sinh chống bội nhiễm. Đối với những ca nặng, bệnh nhân có thể cần hỗ trợ thở oxy và theo dõi sát sao tại bệnh viện", BS.Ngô Chí Cương nói.

TS.BS Ngô Chí Cương cho biết, nhiều người dân nghĩ cúm mùa là bệnh cảm vặt thông thường nên có tâm lý xem nhẹ.

TS.BS Ngô Chí Cương cho biết, nhiều người dân nghĩ cúm mùa là bệnh cảm vặt thông thường nên có tâm lý xem nhẹ.

Khi bị cúm A, bác sĩ cho biết, đối với người trẻ, khỏe mạnh, thường không cần điều trị đặc hiệu, chỉ cần dùng thuốc hạ sốt và nghỉ ngơi, bệnh có thể tự khỏi sau 3-5 ngày.

Tuy nhiên, những đối tượng có bệnh lý nền như bệnh tim, phổi, suy giảm miễn dịch, người già, phụ nữ mang thai và trẻ em cần được điều trị sớm bằng thuốc kháng virus và theo dõi chặt chẽ.

Khi điều trị cúm, thông thường bệnh nhân sẽ hết sốt trong vòng 24-48 giờ. Nếu sau thời gian này vẫn không cắt sốt hoặc xuất hiện các triệu chứng như khó thở, tức ngực, viêm phổi, cần đặc biệt lưu ý.

Đối với trẻ em, các dấu hiệu như nôn trớ, thở nhanh cũng cần được theo dõi sát sao. Người già có thể xuất hiện tình trạng tím tái, cần đo SPO2 tại nhà và nếu có bất thường, phải đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Theo bác sĩ, đa số bệnh nhân cúm A có thể điều trị tại nhà, nhưng với những trường hợp có biến chứng nặng, việc nhập viện kịp thời là vô cùng quan trọng để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Những sai lầm trong phát hiện, điều trị cúm mùa

Ths.BS Trần Thị Kim Ngọc - Chuyên khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa MEDLATEC cũng chia sẻ với Người Đưa Tin về những sai lầm trong phát hiện và điều trị cúm mùa đó là, bệnh nhân tự mua que test cúm tại hiệu thuốc để test, sau đó tự dùng thuốc để điều trị.

"Có một số loại thuốc đã được đưa vào phác đồ như tamiflu để điều trị kháng cúm, nhưng không phải "thần dược". Tuy nhiên, mọi người lại tự ý dùng thuốc tamiflu dễ dẫn đến tác dụng phụ", BS.Kim Ngọc cho hay.

Thêm nữa, bản chất của cúm là do virus, một số bệnh nhân lại tự ý điều trị kháng sinh tại nhà. Theo BS.Ngọc điều này là lợi bất cập hại.

"Cúm không thể điều trị bằng kháng sinh nếu như không có tình trạng bội nhiễm", BS.Ngọc nhấn mạnh.

Sai lầm nữa là người bệnh sử dụng thuốc không đúng liều lượng, thời gian điều trị thuốc không đúng. Có nhiều trường hợp uống thuốc hai, ba ngày xong lại dừng thuốc.

"Như vậy là không đúng với phác đồ dẫn đến sau đó xuất hiện một số triệu chứng cúm trở lại và khi đi khám thì phát hiện biến chứng cúm", BS.Ngọc nói.

Vấn đề khác, trong quá trình điều trị cúm người nhà không biết cách phát hiện hoặc không biết cách theo dõi những triệu chứng, diễn biến của cúm như viêm phổi, suy hô hấp. Do đó, cần phải lưu ý hơn.

Thêm một sai lầm nữa đó là khi trẻ bị cúm sốt, cha mẹ thường dùng quá nhiều thuốc trong điều trị cúm.

"Ví dụ như khi thấy trẻ có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, chảy dịch mũi, ho thì thường lựa chọn cho uống thuốc ho đặc hiệu kèm theo nhiều loại thuốc khác…như vậy là sai lầm", BS.Ngọc cho hay.

Ai cần tiêm vắc-xin phòng cúm?

Thông tin từ Trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu cho thấy, đầu năm 2025, số lượt người dân đến tiêm chủng tăng 5% so với cuối năm trước. Đặc biệt, nhu cầu tiêm vắc-xin cúm và phế cầu tăng gấp đôi trong vòng 1-2 tháng qua.

Điều này xuất phát từ sự thay đổi thời tiết và gia tăng nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc phòng bệnh chủ động trước những thông tin về dịch bệnh diễn ra trên diện rộng.

BS. Lê Thanh Khôi - Trưởng hội đồng Y khoa, hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu cho biết, cúm gây các triệu chứng nặng hơn cảm lạnh thông thường và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi.

"Để bảo vệ sức khỏe cá nhân, đặc biệt đối với những nhóm đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và những người có bệnh nền, việc chủ động tiêm vắc-xin cúm là rất quan trọng và nên thực hiện càng sớm càng tốt", BS. Khôi nhấn mạnh

Những nhóm đối tượng có nguy cơ cao, có bệnh nền chủ động tiêm vắc-xin cúm là rất quan trọng.

Các nhóm như người từ 65 tuổi trở lên, thai phụ, trẻ nhỏ, người có bệnh nền như tim mạch, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận, đái tháo đường… có nguy cơ cao trở nặng hơn.

Trước đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm nặng. Có những trường hợp sốc nhiễm khuẩn, tổn thương phổi nặng, phải thở máy và phải đặt ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể). Các bệnh nhân diễn biến nặng đều ghi nhận có bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp, người già, các cơ địa suy giảm miễn dịch, đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Triệu chứng cảnh báo cúm diễn biến nguy hiểm cần nhập viện

Chuyên gia khuyến cáo, phát hiện và điều trị cúm sớm vô cùng quan trọng. Khi cúm diễn biến nặng, xử trí chậm trễ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nặng nề nhất dẫn đến tử vong. Người dân cần lập tức nhập viện ngay khi xuất hiện các biểu hiện sau:

Khó thở, thở nhanh.

Tím tái môi, đầu ngón tay đổi màu.

Lơ mơ, mất tỉnh táo.

Hạ thân nhiệt bất thường (dưới 36⁰C).

Đau ngực, huyết áp tụt.

Không ăn uống được, nôn nhiều, mất nước (khô môi, mắt trũng).

Những dấu hiệu trên có thể là biểu hiện của viêm phổi nặng, suy hô hấp, hoặc suy đa tạng. Đây là những biến chứng có nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Hoàng Bích - Kim Thoa

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gia-tang-benh-nhan-dien-bien-nang-vi-cum-hang-loat-sai-lam-nguoi-dan-thuong-gap-204250207183132084.htm