Gia tăng bệnh nhiễm ký sinh trùng

Các chuyên gia về ký sinh trùng - côn trùng cảnh báo, các bệnh liên quan đến nhiễm ký sinh trùng đang gia tăng do nhiều thói quen không tốt của người dân.

Kỹ thuật viên Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất lấy máu xét nghiệm tầm soát bệnh ký sinh trùng cho bệnh nhân. Ảnh: H.Dung

Kỹ thuật viên Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất lấy máu xét nghiệm tầm soát bệnh ký sinh trùng cho bệnh nhân. Ảnh: H.Dung

Bệnh diễn tiến âm thầm, ký sinh trùng có thể tồn tại trong cơ thể con người nhiều năm, tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người bệnh.

Nhiều người bị ấu trùng di chuyển ở da

TS-BS Huỳnh Hồng Quang, Phó viện trưởng phụ trách chuyên môn Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn, cho biết nhiều người dân Việt Nam có thói quen ăn rau sống, thịt cá tái, sống hoặc tiếp xúc thường xuyên với chó, mèo. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại ký sinh trùng sinh sôi phát triển, đặc biệt là các nhóm bệnh lây từ động vật sang người như: ấu trùng giun đũa chó mèo, ấu trùng giun đầu gai, ấu trùng sán gan lợn…

Nhằm giúp người dân không phải đi xa, giảm chi phí, thời gian, công sức, tháng 6-2024, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã khai trương Phòng khám Chuyên khoa ký sinh trùng - côn trùng theo mô hình của Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn.

Bác sĩ Lê Quang Hiếu, Khoa Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, cho biết bệnh viện hiện có thể xét nghiệm và điều trị nhiễm ký sinh trùng đối với 5 mặt bệnh ký sinh trùng thường gặp gồm: giun lươn, giun đũa chó/mèo, sán dây lợn, sán lá gan lớn và bệnh lỵ amip. Hơn 2 tháng qua, trung bình mỗi tuần phòng khám tiếp nhận từ
60-70 bệnh nhân đến khám. Trong đó có nhiều trường hợp được xét nghiệm, phát hiện bệnh và điều trị thành công. Điển hình như trường hợp bà M.T.H. (56 tuổi, ngụ xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu); ông N.V.S. (ngụ tỉnh Đắk Lắk); bà N.T.H.P. (64 tuổi, ngụ phường An Hòa, thành phố Biên Hòa).

Bác sĩ Lê Quang Hiếu cho hay, cả 3 bệnh nhân trên đều bị bệnh ấu trùng di chuyển ở da, đến bệnh viện trong tình trạng bị ngứa nhiều, nổi mề đay, cảm giác có con gì đó di chuyển dưới da. Điểm chung của các bệnh nhân là nuôi nhiều chó, mèo, hay tắm cho chó, mèo, hay ăn rau sống. Sau một tháng tuân thủ điều trị bằng thuốc, thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, cả 3 bệnh nhân tái khám đã khỏi bệnh.

Phòng khám Chuyên khoa ký sinh trùng - côn trùng, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất khám bệnh từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Bệnh nhân đến khám trước 10h các ngày thứ hai, tư, sáu sẽ được trả kết quả trong ngày.

Phòng bệnh ra sao?

Ký sinh trùng là những sinh vật sống ký sinh trên một sinh vật sống khác, như con người, động vật, thực vật. Có 3 loại ký sinh trùng chính là: sinh vật đơn bào, giun sán và sinh vật ngoại sinh. Trong đó, giun sán là loại ký sinh trùng gây bệnh phổ biến nhất.

Ký sinh trùng có thể có trong những thực phẩm sống như rau sống hoặc các loại thịt bò, thịt heo, cá, cua, ếch chưa được nấu chín. Đặc biệt, món khoái khẩu của nhiều người Việt là tiết canh có khả năng ẩn chứa mầm bệnh ký sinh trùng rất cao. Ngoài ra, ký sinh trùng có thể tồn tại trong nguồn nước bị ô nhiễm; trên cơ thể chó, mèo, động vật…

Ký sinh trùng có thể lây truyền qua đường ăn uống (những thực phẩm tái, sống, chưa chín kỹ); lây qua bề mặt da, tiếp xúc với chó mèo chưa được tẩy giun định kỳ; côn trùng.

Khi ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người sẽ hút máu, chất dinh dưỡng của con người để sinh sôi, phát triển, gây ra nhiều tác hại cho cơ thể. Ký sinh trùng khi di chuyển đến cơ quan nào sẽ gây ra những biểu hiện ở cơ quan đó. Chẳng hạn ở trên da sẽ gây ngứa da, nổi ban, dị ứng; đến đường tiêu hóa sẽ gây tình trạng tiêu chảy kéo dài, buồn nôn, đau bụng, đầy hơi; đến phổi sẽ gây ho, viêm phổi; đến gan sẽ gây đau hạ sườn phải, áp xe gan; đến não sẽ gây đau đầu, co giật, sốt li bì, viêm não, viêm màng não; đến mắt sẽ gây giảm thậm chí mất thị lực…

Bác sĩ Lê Quang Hiếu nhấn mạnh, hầu hết các bệnh ký sinh trùng điều trị không quá khó. Nhưng bệnh khó phát hiện vì thường nhiễm ở dạng mạn tính hoặc âm thầm không có triệu chứng. Nhiều người chỉ phát hiện bệnh khi tình cờ đi khám bệnh hoặc có triệu chứng điển hình, trong đó có những bệnh nhân bị nhiễm ấu trùng nặng như sán lá gan lớn gây đau tức vùng gan, kém ăn, sụt cân và có thể gây biến chứng làm tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, thậm chí là dọa vỡ gan, phải can thiệp ngoại khoa. Hoặc có những trường hợp nhiễm ấu trùng sán dây lợn có thể gây biến chứng nguy hiểm ở hệ thần kinh trung ương, thậm chí có thể tử vong…

Để phòng ngừa nhiễm ký sinh trùng, bác sĩ khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt việc ăn chín, uống sôi, đặc biệt là các loại thịt lợn, thịt bò, cá. Không nên hoặc hạn chế tối đa việc ăn gỏi, tiết canh, rau sống.

Người dân nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với chó, mèo. Giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, thu gom rác thải đúng nơi quy định, thường xuyên vệ sinh chuồng trại cho chó mèo và tẩy giun định kỳ. Nên đi khám sức khỏe định kỳ hoặc xét nghiệm ký sinh trùng định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý do ký sinh trùng gây ra.

Đối với trẻ nhỏ, không ngậm hay mút tay, sờ tay lên vùng mắt, mũi, miệng, vùng vết thương hở. Uống thuốc tẩy giun định kỳ cho trẻ em và người lớn, trừ trẻ nhỏ dưới một tuổi và phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202408/gia-tang-benh-nhiem-ky-sinh-trung-6fa712e/