Gia tăng ca mắc tay chân miệng, dấu hiệu cha mẹ cần lưu ý

Thời tiết nóng ẩm thuận lợi cho các loại virus gây bệnh phát triển mạnh, trong đó có virus gây bệnh tay chân miệng. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ cần được khám và chẩn đoán sớm để hạn chế những biến chứng nguy hiểm.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua số ca mắc một số bệnh truyền nhiễm chủ yếu tiếp tục có xu hướng tăng, đặc biệt là tay chân miệng.

Cụ, thể tuần qua ghi nhận 102 ca mắc tay chân miệng tại 50 xã, phường, tăng 48 ca so với tuần trước (54/0). Không có ca tử vong. Cộng dồn năm 2025, toàn thành phố có 3.202 ca mắc, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024. Dù số ca tăng, các trường hợp chủ yếu là ca bệnh nhỏ lẻ, không ghi nhận ổ dịch mới, các ổ dịch cũ đã kết thúc hoạt động.

Tay chân miệng là bệnh do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây ra. Thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus type 71 (EV71). Bệnh dễ lây lan từ người sang người nên dễ bùng phát thành dịch.

Con đường lây lan cụ thể như: Hít, nuốt phải các dịch tiết, nước bọt người bệnh khi ăn uống chung, ho, hắt hơi, nói chuyện. Tiếp xúc trực tiếp với dịch của mụn nước, bọng nước, phân của người bệnh. Trẻ lành cầm nắm đồ chơi, chạm vào các vật dụng có dịch tiết, nước bọt của trẻ bệnh. Lây qua bàn tay người chăm sóc trẻ.

Thăm khám trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương

Thăm khám trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương

Dấu hiệu của bệnh tay chân miệng cha mẹ cần lưu ý

Thể tối cấp thì bệnh tay chân miệng tiến triển rất nhanh và xuất hiện các biến chứng nặng như suy tuần hoàn – hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong chỉ trong vòng 24 – 48 giờ. Ngược lại, với thể không điển hình thì dấu hiệu phát ban không rõ ràng hoặc chỉ có loét miệng hay một triệu chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp mà không xuất hiện cả phát ban lẫn loét miệng.

Trong khi đó, thể cấp tính tay chân miệng có 4 giai đoạn phát triển bệnh:

Giai đoạn ủ bệnh: Từ 3 đến 7 ngày sau khi trẻ bị lây nhiễm virus tác nhân từ nước bọt, phỏng nước trên da và phân của người mắc bệnh. Môi trường lây nhiễm chủ yếu từ môi trường nhà trẻ mẫu giáo hoặc các khu vui chơi công cộng.

Giai đoạn khởi phát: Diễn ra từ 1 – 2 ngày, trẻ thường có triệu chứng: Sốt (38-39 độ C), sốt nhẹ (37,5 – 38 độ C); mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, chảy nước bọt nhiều; tổn thương, đau rát ở răng và miệng; tiêu chảy vài lần trong ngày,…

Giai đoạn toàn phát: Thường kéo dài từ 3 – 10 ngày.

Trẻ bị phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Các bóng nước có đường kính 2 – 10mm, màu xám, hình bầu dục. Chúng mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ có cảm giác cộm, không đau, không ngứa.

Giai đoạn toàn phát tay chân miệng thường kéo dài từ 3 – 10 ngày có biểu hiện phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông.

Giai đoạn toàn phát tay chân miệng thường kéo dài từ 3 – 10 ngày có biểu hiện phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông.

- Loét miệng: Ở niêm mạc má, lợi và lưỡi của trẻ xuất hiện các bóng nước có đường kính 2 - 3mm, dễ vỡ. Khi vỡ tạo thành vết loét khiến trẻ đau khi ăn, quấy khóc.

- Trên mông trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có các mụn lở, rộp da.

- Trẻ sốt nhẹ, nôn. Nếu trẻ sốt cao, nôn nhiều dễ có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm như: Biến chứng thần kinh, viêm não, viêm màng não; Biến chứng tim mạch hô hấp: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch.

Giai đoạn lui bệnh: Sau giai đoạn toàn phát nếu trẻ hồi phục hoàn toàn mà không gặp biến chứng nào thì sẽ bước vào giai đoạn lui bệnh. Thời kỳ này thường từ 3 – 5 ngày sau phát bệnh hoặc 7 ngày từ lúc khởi bệnh.

Dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay là sốt cao không đáp ứng điều trị (trẻ có thể sốt trên 38,5 độ C) liên tục trong hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamol; Giật mình nhiều; Quấy khóc dai dẳng kéo dài… hay phụ huynh quá lo lắng cho trẻ cũng nên nhập viện để được kiểm tra và điều trị nếu cần thiết.

Tóm lại: Bệnh tay chân miệng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Dù phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều diễn biến nhẹ và tự khỏi, nhưng nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời, trẻ có thể gặp phải những biến chứng nghiêm trọng liên quan đến hệ thần kinh, tim mạch và hô hấp.

Nhiều phụ huynh có thể nhầm tưởng bệnh tay chân miệng chỉ là bệnh nhẹ và dễ khỏi với các triệu chứng nhiễm trùng da và niêm mạc thông thường. Tuy nhiên, nếu không theo dõi sát sao, bệnh có nguy cơ chuyển biến nặng với các triệu chứng như sốt cao, co giật, thở gấp hoặc liệt chi. Khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức, không nên chủ quan hay tự điều trị tại nhà.

BS. Nguyễn Văn Tùng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gia-tang-ca-mac-tay-chan-mieng-dau-hieu-cha-me-can-luu-y-169250722101638832.htm