Gia tăng lao động thất nghiệp
Tình trạng thiếu đơn hàng vẫn xảy ra khiến cho các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất cầm chừng, phải cắt giảm giờ làm, thậm chí là cắt giảm nhân công để duy trì sản xuất... lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp vì thế cũng có xu hướng tăng.
Lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh
Giới chuyên gia đánh giá, lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng phản ánh tình trạng cắt giảm việc làm kéo dài từ giữa năm 2022 đến nay vẫn tiếp diễn.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn TP Hà Nội có 43.574 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 33.000 người). Trong đó, số người có quyết định hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp là 42.892 người, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 32.678 người). Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là 3.952.409 đồng/người/tháng. Riêng tháng 6 ghi nhận hơn 10.000 hồ sơ. Lượng người đăng ký tăng mạnh so với các tháng khác và cùng thời điểm những năm trước, thậm chí cao hơn cả lúc đại dịch.
Theo bà Liễu, số người làm hồ sơ nhận trợ cấp chủ yếu là công nhân phổ thông làm việc trong các ngành dệt may, điện tử, giày da, sản xuất chế tạo. Lao động bị cắt giảm đã có sự dịch chuyển sang các ngành thâm dụng lao động so với năm trước.
Mặc dù chưa ghi nhận doanh nghiệp (DN) cắt giảm hàng nghìn lao động như phía Nam, song đã có hàng trăm công nhân điện tử cùng một công ty đến làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội cũng đưa ra nhận định, thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng và có thể kéo dài sang năm 2024, đặc biệt là DN xuất khẩu thuộc các ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ..., vì vậy, các DN phải sản xuất cầm chừng, việc cắt giảm lao động cũng có thể là giải pháp duy trì của một số DN hiện nay.
Tương tự tại TPHCM, theo thống kê của Sở LĐTBXH thành phố, nửa đầu năm 2023, TPHCM tiếp nhận hơn 64.800 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 2.700 người so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo tình hình lao động, việc làm quý II/2023 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cũng ghi nhận tình trạng lao động mất việc ở các DN vẫn tiếp diễn, có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức.
Nỗ lực ổn định thị trường lao động
Những con số trên cho thấy, thị trường lao động vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Dự báo thị trường lao động nửa cuối năm 2023, ông Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) cho rằng, thị trường lao động liên quan tới sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu; xung đột giữa Nga - Ukraine; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt… làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn cũng bị suy giảm, dẫn tới các DN trong nước bị cắt giảm đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành như chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... Điều này dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Đứng trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai tốt các chính sách ổn định thị trường lao động, tạo công ăn việc làm, đảm bảo an ninh trật tự, an ninh con người, an sinh và an dân. Đặc biệt là tập trung triển khai những chính sách liên quan đến tiền lương, DN để hỗ trợ trong thời điểm khó khăn này.
Tại Hà Nội, Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, để đảm bảo được mục tiêu giải quyết việc làm cho 162.000 lao động trong năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%..., Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ DN từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo việc làm mới cho người lao động. Đồng thời, xây dựng hoàn thiện hệ thống dữ liệu về thị trường lao động để tăng cường hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, số lao động bị mất việc trong quý II năm nay là 217,8 nghìn người. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ, và phần lớn tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Bình Dương (khoảng 83,2 nghìn người), TPHCM (khoảng 30,4 nghìn người), Bắc Ninh (khoảng 10,7 nghìn người), Bắc Giang (khoảng 9,3 nghìn người)…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/gia-tang-lao-dong-that-nghiep-5722853.html