Gia tăng nội lực nội sinh cho doanh nghiệp

Hôm nay 27-6, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tuần hoàn tổ chức hội thảo chủ đề 'Thương hiệu - Nội lực mềm cho doanh nghiệp Việt'.

Theo đó, chương trình quy tụ sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp, cơ quan ban ngành trung ương, địa phương… tập trung thảo luận các giải pháp phát triển nội lực mềm cho doanh nghiệp Việt trong bối cảnh thương mại xanh.

Thực tế những năm qua, Việt Nam đã vươn lên tốp 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên thế giới. Trước đó, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt hơn 681 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 354,7 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 xuất siêu 28,3 tỷ USD. Có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 7 mặt hàng trong số đó có kim ngạch xuất khẩu vượt mức 10 tỷ USD.

Còn thống kê từ đầu năm 2024 đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm ngành hàng đã ghi nhận có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao là điện thoại, linh kiện; điện tử, máy móc và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt may; giày dép; gỗ và các sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; thủy sản, rau củ quả và cà phê.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng quan ngại là hầu hết sản phẩm Việt, đặc biệt là nông sản chưa xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm Việt chủ yếu là xuất khẩu thô, xuất khẩu qua trung gian hoặc gia công cho thương hiệu nước ngoài. Rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình. Thống kê từ Bộ Công thương chỉ rõ, có đến 70%-80% tổng sản lượng hàng hóa Việt Nam là xuất thô. Tính chung trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt nhiều nhưng chỉ là “made in Viet Nam”. Còn thương hiệu là của doanh nghiệp ngoại.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều doanh nghiệp thẳng thắn thừa nhận do nội lực yếu, chưa tập trung cho xây dựng thương hiệu, chưa định rõ hành lang pháp lý cần thực hiện để bảo vệ thương hiệu tại thị trường trong nước và nước ngoài. Đó là một thiệt thòi rất lớn cho hàng Việt, cho doanh nghiệp Việt nói chung.

Việc xây dựng thương hiệu Việt không đơn thuần là dừng lại ở sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã sáng tạo mà còn góp phần khẳng định bản sắc, vị thế của doanh nghiệp Việt trên phạm vi toàn cầu. Cao hơn, sự phát triển thương hiệu của từng doanh nghiệp sẽ là mảnh ghép trong hệ sinh thái thương hiệu quốc gia, góp phần đưa thương hiệu quốc gia vươn tầm quốc tế. Thương hiệu chính là nội lực mềm cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ, thông tin và thương mại điện tử đang bùng nổ như hiện nay thì việc xây dựng thương hiệu càng trở nên cấp thiết. Không có thương hiệu cho sản phẩm cũng đồng nghĩa không có dư địa thị trường nào dành cho hàng Việt, kể cả thị trường trong nước. Ở góc độ khác, xây dựng thương hiệu chính là gia tăng nội lực nội sinh cho doanh nghiệp. Bởi giá trị mà thương hiệu định vị được càng rõ nét thì độ phủ sóng thị phần sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường càng cao, sản phẩm của doanh nghiệp mới có thể đi xa và đi sâu vào thị trường thông qua thói quen ghi nhớ tiêu dùng của người tiêu dùng toàn cầu. Do vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu đúng hướng sẽ là cơ sở để khẳng định sự ổn định, vững mạnh và bền vững cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường mở hiện nay.

Tại hội thảo lần này, nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp sẽ cùng thảo luận và tìm các giải pháp để phát triển thương hiệu Việt trong bối cảnh thương mại xanh, hướng đến kiến tạo hệ sinh thái doanh nghiệp Việt có thương hiệu mạnh và bền vững. Từ đó tạo nền tảng vững chắc để thương hiệu Việt phát triển vững mạnh, từng bước vươn xa hơn trên thị trường trong nước và toàn cầu.

ÁI VÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/gia-tang-noi-luc-noi-sinh-cho-doanh-nghiep-post746494.html