Gia tăng rủi ro từ hoạt động đầu tư kinh doanh AI ở châu Á

Theo các chuyên gia, cách tiếp cận không đồng nhất giữa các nước châu Á trong quản lý trí tuệ nhân tạo khiến các công ty cảm thấy e ngại triển khai dự án công nghệ trên toàn khu vực.

Thay vì quyết liệt theo đuổi những quy tắc chung cho toàn khu vực, các nước châu Á đang lựa chọn những chính sách AI phù hợp với mục tiêu, hoàn cảnh và chương trình quốc gia riêng biệt.

Theo các chuyên gia, cách tiếp cận này có thể sẽ tạo ra những mối nguy tiềm ẩn cho các công ty.

Trả lời phỏng vấn của Nikkei Asia, Adrian Fisher, người đứng đầu bộ phận công nghệ, truyền thông và viễn thông châu Á tại công ty luật Linklaters của Anh, cho biết: “Mọi thứ sẽ trở nên khó khăn khi các quốc gia lớn ở châu Á bắt đầu ban hành những luật khác nhau. Một công ty sẽ cần phải nghiên cứu kỹ các quy định của từng quốc gia trước khi quyết định tung ra sản phẩm”.

Các nước châu Á chưa đưa ra một bộ quy tắc chung cho AI. Ảnh: Nikkei Asia

Các nước châu Á chưa đưa ra một bộ quy tắc chung cho AI. Ảnh: Nikkei Asia

Công ty dịch vụ chuyên nghiệp KPMG lo ngại những khoảng trống trong quy định về AI sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh doanh trong năm tới.

Quy định xuyên biên giới đã trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với các quốc gia kể từ khi xuất hiện AI tạo sinh vào năm 2022, trong đó có cả Liên Hợp quốc. Mỹ và Trung Quốc, những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này, đã gặp nhau ở Thụy Sĩ trong năm nay để thảo luận về rủi ro AI, dù vẫn chưa đưa bất kỳ quyết định quan trọng nào.

Trong khi đó, EU đã ghi nhận những tiến triển với việc phê duyệt Đạo luật AI, được xem là luật toàn diện đầu tiên trên thế giới điều chỉnh việc sử dụng công nghệ. Sẽ có hiệu lực trong vài tháng tới, luật này áp dụng cho các nhà phát triển AI hoạt động tại thị trường EU.

Ở châu Á, Trung Quốc được xem là quốc gia tích cực nhất trong việc ban hành các quy định quản lý AI.

Chính quyền Bắc Kinh đã ban hành một bộ hướng dẫn hành chính dành cho lĩnh vực này. Có hiệu lực từ năm 2022, bộ quy tắc này đưa ra những hướng dẫn đối với lĩnh vực AI, từ thuật toán, công nghệ deep fake – phương thức tạo ra các sản phẩm công nghệ giả dưới dạng âm thanh, video… cho đến vai trò của AI trong việc phát triển định hướng chính trị.

Nội các Trung Quốc hiện đang xem xét đệ trình dự thảo luật AI chung lên quốc hội nước này trong năm nay.

Laveena Iyer, nhà phân tích tại Cơ quan Tình báo Kinh tế, cho biết: “Các nước châu Á hiện đang quản lý AI dựa trên luật công nghệ chung, vốn đang thiếu các quy định dành riêng cho AI. Trung Quốc đang là ngoại lệ khi chính phủ nước này đã quan tâm đến việc ban hành các quy định dành cho AI, từ các hướng dẫn đến chuẩn bị trình dự thảo luật AI quốc gia.”

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng một số nước không nên quá khắt khe trong việc đưa ra các quy định do có thể sẽ khiến doanh nghiệp cảm thấy e ngại trong việc đầu tư.

Gần đây, Nhật Bản đã cho phép các công ty tự điều chỉnh dựa trên hướng dẫn của chính phủ. Tokyo đang xem xét quản lý các nhà phát triển AI lớn trong và ngoài nước nhằm hạn chế những rủi ro như lan truyền thông tin sai lệch. Ngay từ tháng 5, Hội đồng chiến lược AI, một cơ quan thuộc chính phủ Nhật Bản, đã thảo luận về việc tạo ra khuôn khổ pháp lý cho AI, trong đó có tham khảo các phương pháp tiếp cận ở Mỹ và châu Âu.

Chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy Đạo luật Thúc đẩy Công nghiệp AI. Luật sư Hwan Kyoung Ko từ công ty luật Lee và Ko cho biết: “Hàn Quốc đang chủ động phát triển môi trường pháp lý cũng như quy định để nâng cao khả năng cạnh tranh của lĩnh vực AI trên toàn cầu và quản lý các rủi ro mới phát sinh”.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-tang-rui-ro-tu-hoat-dong-dau-tu-kinh-doanh-ai-o-chau-a.html