Gia tăng số ca mắc thủy đậu
Tuần vừa qua, Hà Nội tiếp tục ghi nhận xu hướng gia tăng của dịch thủy đậu trên địa bàn thành phố. Dự báo, thời gian tới, số ca mắc có thể tiếp tục tăng.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 24 đến 31/3), trên địa bàn thành phố ghi nhận 166 ca mắc thủy đậu, tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó.
Đặc biệt, xuất hiện một số chùm ca bệnh tại các trường mầm non, tiểu học. Cụ thể, chùm ca bệnh tại Trường mầm non Chu Minh (huyện Ba Vì) có 12 ca mắc thủy đậu; Trường mầm non Trung tâm xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) có 9 ca mắc; Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm, xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) có 20 ca mắc; Trường mầm non Hạ Bằng (huyện Thạch Thất) có 12 ca mắc…
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 800 ca mắc thủy đậu (trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 11 ca), chưa ghi nhận ca tử vong. Dự báo, thời tiết giao mùa như hiện nay, bệnh thủy đậu thường có xu hướng gia tăng. Do đó, số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi trung ương lý giải, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus thủy đậu gây nên. Virus này có thể lây truyền từ mẹ sang con qua bánh rau khi mang thai hoặc trẻ mắc phải sau sinh do tiếp xúc với các giọt bắn trong môi trường chứa virus thủy đậu (lây truyền qua đường hô hấp) hoặc tiếp xúc trực tiếp với người chăm sóc bị nhiễm bệnh.
Đáng chú ý, trái ngược với quan niệm thông thường cho rằng đây là căn bệnh lành tính, chuyên gia nhấn mạnh, thủy đậu ở trẻ sơ sinh là một bệnh nặng (nặng hơn so với thủy đậu trẻ lớn hoặc người lớn) với nguy cơ tử vong cao lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ thì trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn, các biến chứng về thần kinh như viêm màng não, viêm tủy, viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa dây thần kinh. Hoặc một số biến chứng khác như suy thượng thận, viêm cầu thận, tổn thương mắt, thậm chí là tử vong.
“Nguy cơ tử vong ở trẻ tăng lên khi người mẹ xuất hiện các triệu chứng nhiễm thủy đậu từ 5 ngày trước sinh cho đến 2 ngày sau khi sinh do không có đủ thời gian để hình thành và truyền kháng thể của mẹ cho con. Do vậy, trước khi mang thai từ 3-6 tháng thai phụ nên lên kế hoạch tiêm phòng thủy đậu. Điều này không chỉ giúp mẹ phòng bệnh mà cũng ngăn chặn khả năng mầm bệnh lây sang cho trẻ” - BS Nga nhấn mạnh.
Còn theo TS.BS Phạm Quang Thái - Phó Trưởng khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bệnh thủy đậu tại nước ta có tỷ lệ mắc rất cao và diễn ra quanh năm. Đây được xem là 1 trong 5 bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất Việt Nam và rất dễ lây nhiễm ở trẻ từ 5 tháng tuổi.
BS Thái cho biết: “Nhiều nghiên cứu cho thấy, sau khi người mẹ tiêm phòng thủy đậu trong lúc mang thai thì khi sinh ra, trẻ cũng có kháng thể với bệnh dịch này thông qua đường sữa mẹ. Tuy nhiên, những kháng thể từ mẹ nói trên chỉ có tác dụng trong khoảng 4-6 tháng, trong khi chúng ta mới chỉ có vaccine tiêm phòng cho trẻ từ 9 tháng trở lên. Bởi vậy, trẻ ở độ tuổi từ 5-9 tháng trở thành đối tượng dễ bị nhiễm bệnh cũng như dễ gặp những biến chứng nghiêm trọng. Đây cũng là lý do khiến 1/3 tổng số ca thủy đậu phải nhập viện là trẻ dưới 1 tuổi. Thế nhưng, thực tế cũng ghi nhận đối với những trẻ có mẹ tiêm vaccine phòng thủy đậu khi mang thai sẽ hạn chế được nguy cơ mắc bệnh cũng như biến chứng”.
Các chuyên gia cũng lưu ý, trẻ sơ sinh phơi nhiễm (mẹ đang bị thủy đậu, con không bị thủy đậu) hoặc bị nhiễm bệnh thủy đậu vẫn được khuyến khích cho ăn bằng sữa mẹ vì kháng thể trong sữa mẹ có thể có hiệu quả bảo vệ trẻ. Tuy nhiên, mẹ cần chú ý nguy cơ lây bệnh khi vắt sữa cho trẻ chưa bị bệnh.
“Đặc biệt, khi trẻ sơ sinh có những dấu hiệu mắc thủy đậu, cha mẹ không nên tự điều trị tại nhà, cần đưa con đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng gây nguy hiểm cho trẻ” – BS Nguyễn Thị Quỳnh Nga khuyến cáo.
Để phòng, chống bệnh thủy đậu hiệu quả, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội khuyến cáo, người dân cần đưa trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên tiêm vaccine phòng bệnh. Bên cạnh đó, cần hạn chế tiếp xúc với người mắc thủy đậu, những trường hợp mắc bệnh cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7-10 ngày để tránh lây lan trong cộng đồng. Người dân cũng cần chú ý thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, trường học. Khi trẻ có những biểu hiện sốt, mẩn nốt, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/gia-tang-so-ca-mac-thuy-dau-5714138.html