Gia tăng 'vị ngọt' cho cây ăn trái
Sau 4 năm (2018 - 2021) triển khai Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh, Sóc Trăng đã thu kết quả tích cực, bởi có nhiều loại trái cây đặc sản được liên kết doanh nghiệp xuất khẩu.
Dự án với mục tiêu hỗ trợ phát triển các loại giống cây ăn trái đặc sản, khai thác và phát huy tiềm năng diện tích cây ăn trái, nâng cao thu nhập cho nông dân, gia tăng hiệu quả kinh tế vườn, góp phần xây dựng nông thôn mới và được triển khai thực hiện ở các huyện: Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung, Mỹ Tú, Châu Thành và TX. Vĩnh Châu, TX. Ngã Năm. Đây là vùng sản xuất thích hợp cho phát triển các loại cây ăn trái đặc sản của tỉnh và cũng là các địa phương có nền tảng sản xuất các loại cây ăn trái và tiêu thụ sản phẩm khá tốt trong những năm gần đây, mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà vườn. Bên cạnh đó, ngay sau khi dự án được UBND tỉnh phê duyệt, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện và qua quá trình triển khai, kết quả các hoạt động của dự án đã đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.
Theo đó, dự án đã xây dựng 83/82 mô hình trình diễn, thực hiện 85/61 lớp tập huấn, cấp phát trên 2.000 tài liệu hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây ăn trái cho 2.284 lượt nông dân là thành viên của các hợp tác xã (HTX) trong vùng dự án, tổ chức 3 cuộc tọa đàm hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân và thành lập mới được 18/12 HTX trong lĩnh vực cây ăn trái, vượt chỉ tiêu 6 HTX, củng cố 19 HTX cây ăn trái (vượt 5 HTX) và đầu tư hỗ trợ 3 HTX sản xuất cây giống, giúp HTX thu lợi nhuận hơn 300 triệu đồng, hỗ trợ các HTX hệ thống tưới phun tự động… Xây dựng 4 chuỗi giá trị trên vú sữa, bưởi, xoài, nhãn, kêu gọi được 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở thu mua, sơ chế và đóng gói trái cây là Công ty Cổ phần VINAGREENCO tại huyện Kế Sách (Sóc Trăng) với sản lượng thu mua, sơ chế, chế biến trên 100 tấn bưởi/năm và Công ty TNHH XNK VINA T&T, sản lượng sơ chế trên 200 tấn vú sữa/năm.
Dự án còn thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết, qua đó đã kết nối tiêu thụ trên 3.000 tấn trái cây; trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ với sản lượng trên 500 tấn vú sữa, sang thị trường châu Âu 60 tấn bưởi và 13 tấn xoài, 8 tấn thanh nhãn, còn lại trên 2.000 tấn bưởi, vú sữa được tiêu thụ trong siêu thị cao cấp trong nước. Bên cạnh đó, hiện nay tỉnh có 14 sản phẩm trái cây và sản phẩm chế biến từ trái cây của các HTX vùng dự án đạt chuẩn OCOP từ 3 sao đến 4 sao là: bưởi da xanh Trường Phát, rượu cam xoàn, mứt vỏ cam xoàn sấy dẻo, trà mãng cầu Vĩnh Kiên, bưởi 5 roi, bưởi da xanh Thành Công, vú sữa tím Trinh Phú, nhãn xuồng Vĩnh Châu, nhãn xuồng tím… Các HTX đã và đang có sự gắn bó, chủ động tìm kiếm đối tác liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp nên đa số HTX thực hiện liên kết sản xuất, gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên.
Thông tin về những thành quả đem lại cho các địa phương vùng dự án và nhà vườn, đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, kiêm Giám đốc dự án cho biết, dự án đã góp phần tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong vùng thông qua các cơ sở sơ chế, đóng gói đặt tại địa phương, góp phần giảm nghèo, hạn chế việc di dân đi tìm việc làm ở các nơi khác. Song song đó, khai thác hiệu quả tài nguyên trên cơ sở tiềm năng sẵn có của vùng, tránh làm suy thoái tài nguyên đất, nước, giảm thiểu và tránh các tác động của biến đổi khí hậu. Các mô hình canh tác theo hướng GAP, hữu cơ giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật mới, an toàn, phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh môi trường và cải thiện sức khỏe cộng đồng; nâng cao kỹ thuật canh tác và tay nghề cho nông dân thông qua các lớp tập huấn, đào tạo về trồng trọt, chế biến, bảo quản.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/gia-tang-vi-ngot-cho-cay-an-trai-55393.html