Giá thành liên tục tăng cao, cổ phiếu xi măng có gặp khó?

Ảnh hưởng bởi 'bão giá' than và xăng dầu, giá xi măng trong nước liên tục điều chỉnh tăng, gây áp lực lên lợi nhuận của các doanh nghiệp xi măng. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu xi măng cũng trong xu hướng tiêu cực khi thường xuyên rơi vào nhóm bị bán mạnh.

Từ 15-25/6, liên tiếp các công ty xi măng như: Công Thanh, Tân Quang - VVMI, Hạ Long, Cẩm Phả, Vicem Hoàng Mai, Quang Sơn, Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Thạch... thông báo tăng giá bán 50.000-140.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT). Đây là đợt tăng giá thứ 3 của các doanh nghiệp từ đầu năm đến nay nhằm đảm bảo cân bằng hiệu quả sản xuất kinh doanh do chi phí đầu vào đang tăng cao và nhanh.

Trước đó, trong đợt điều chỉnh tăng giá hồi tháng 3, đầu tháng 4 và nửa cuối tháng 5, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất xi măng đều có mức tăng 100.000-150.000 đồng/tấn và 55.000-80.000 đồng/tấn.

Lợi nhuận suy giảm

Các doanh nghiệp lý giải nguyên nhân là do giá nguyên vật liệu tăng cao như: than, dầu, thạch cao... dẫn đến giá thành sản xuất tăng. Trong đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng song giá than tăng mạnh. 3 tháng đầu năm, giá xi măng tăng 30.000-50.000 đồng/tấn, tăng 11-15% so với cùng kỳ năm 2021.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp xi măng đã điều chỉnh giá tăng lần thứ 3.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp xi măng đã điều chỉnh giá tăng lần thứ 3.

Giới phân tích nhận định, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, áp lực giá đầu vào sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất gặp áp lực lớn để duy trì như hiện nay, gây ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp.

Thực tế, quý I vừa qua, các doanh nghiệp xi măng đã công bố kết quả không mấy khả quan, thậm chí là suy giảm. Chẳng hạn như CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1). Mặc dù doanh thu quý I tăng trưởng, nhưng lợi nhuận vẫn giảm gần 74% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 25 tỷ đồng. Đây cũng là Quý mà công ty có lợi nhuận thấp nhất kể từ quý I/2018.Tương tự, CTCP Vicem Thạch cao Xi măng (TXM) Quý vừa qua lỗ thêm gấp đôi so với cùng kỳ 2021 và là mức lỗ nặng nhất 13 năm qua.

Hay như CTCP Xi măng Vicem Hải Vân (HVX) ghi nhận doanh thu giảm hơn 17%, lợi nhuận sau thuế giảm 8% so với quý đầu năm ngoái.

Trong khi đó, lãi sau thuế của CTCP Xi măng Vicem Hoàng Mai (HOM) nhích nhẹ so với cùng kỳ, lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh lại giảm đến 93%, chỉ ở mức 19 triệu đồng. Lãi của doanh nghiệp này chủ yếu đến từ khoản lợi nhuận khác tăng đột biến gấp 3 lần.

Trên sàn chứng khoán, sau thời gian dài tăng trưởng, cùng chịu ảnh hưởng chung của thị trường, cổ phiếu nhóm xi măng đã bị điều chỉnh mạnh sau một thời gian dài tăng trưởng, nhất là luôn nằm trong nhóm bị các nhà đầu tư bán tháo mạnh.

Cụ thể, tính từ đầu năm đến chốt phiên 21/6, cổ phiếu HT1 đã giảm hơn 38% về 14.750 đồng/cp, cổ phiếu TXM giảm gần 81% về 4.700 đồng/cp, cổ phiếu HVX giảm gần 45% về 4.000 đồng/cp, cổ phiếu HOM giảm hơn 26% về 6.900 đồng/cp…

Doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó?

Trong báo cáo ngành xi măng gần đây, trên cơ sở giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 20 - 30% so với giải ngân thực tế năm 2021 và nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội và TP.HCM sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 với lần lượt 40 - 60% so với cùng kỳ, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa năm 2022 - 2023 sẽ phục hồi mạnh mẽ và sản lượng tiêu thụ đạt 66,5 triệu tấn trong năm 2022 và ở năm 2023 là 69,8 triệu tấn, tăng lần lượt là 6% và 5% so với cùng kỳ.

Có thể thấy, trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp xi măng cũng đã công bố kế hoạch lợi nhuận trước thuế đầy tham vọng với các mức tăng trưởng lớn như Xi măng Vicem Hoàng Mai với lợi nhuận 15 tỷ đồng, tăng 455,7% so với năm 2021; Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS) lợi nhuận ước đạt 83 tỷ đồng, tăng 48,6%; Xi măng Bỉm Sơn (BCC) là 200 tỷ đồng, tăng 42,7%...

Mặc dù kỳ vọng lợi nhuận các doanh nghiệp xi măng tăng trưởng mạnh trong năm 2022, song nhiều chuyên gia nhận định, ngành xi măng vẫn còn gặp khá nhiều rủi ro trước mắt.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, than là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, thường chiếm khoảng 35-40% giá thành sản xuất xi măng trong đó gần hai phần ba lượng than phải nhập khẩu khiến giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá than thị trường quốc tế. Trong khi đó, cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo dài hơn dự kiến khiến giá than nhiệt tiếp tục duy trì ở mức cao, dẫn đến việc biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành sẽ suy giảm mạnh trong năm 2022.

Đồng thời, áp lực giá xi măng tăng cao sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ tại các dự án xây dựng ở cả 3 phân khúc xây dựng dân dụng, nghỉ dưỡng và hạ tầng, từ đó nhu cầu xi măng thực tế có thể thấp hơn dự kiến, khiến tình trạng dư cung và cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp sẽ xảy ra.

Hơn nữa, trong khi nhu cầu xi măng nội địa hiện nay chỉ đạt dưới 65 triệu tấn thì quy mô công suất toàn ngành đã lên tới gần 107 triệu tấn. Điều này dẫn đến tình trạng dư cung trầm trọng và ngày càng phụ thuộc vào kênh tiêu thụ xuất khẩu. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành xi măng.

Bên cạnh đó, xi măng cũng là ngành sản xuất thâm dụng điện năng, chi phí điện chiếm tới 15-20% giá thành thành phẩm. Mặc dù EVN đã cam kết không tăng giá điện trong năm 2022, song Chứng khoán VNDirect vẫn dự đoán chi phí sản xuất điện của các doanh nghiệp xi măng sẽ tăng lên.

Nhận định về cổ phiếu xi măng trong thời gian tới, VNDirect đánh giá, mức P/E forward (dựa trên kế hoạch năm 2022) của ngành vẫn ở mức khá cao khoảng 17-20x.

Theo đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp xi măng như Xi măng Hà Tiên 1 hay Xi măng Bỉm Sơn hiện đang được giao dịch ở mức rất cao, dao động trong khoảng 22-25x, cao hơn nhiều so với mức trung bình ngành 3 năm là 7x-10x.

“Định giá của nhóm cổ phiếu ngành xi măng hiện không còn hấp dẫn và đã phản ánh triển vọng lợi nhuận ròng tăng trưởng của các doanh nghiệp trong năm 2022”, VNDirect nhận định.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/gia-thanh-lien-tuc-tang-cao-co-phieu-xi-mang-co-gap-kho-1086220.html