Giả thiết nào về lịch sử cây chè Thái Nguyên? - Kỳ 1: 'Kho báu' ẩn mình giữa rừng xanh

Với việc phát hiện những quần thể cây chè cổ, lịch sử xuất hiện cây chè tại Thái Nguyên đang được đặc biệt quan tâm với nhiều giả thiết từ các nhà nghiên cứu.

Trước đây, một số tài liệu cho rằng, cây chè Thái Nguyên có lịch sử khoảng 100 năm. Nguồn gốc là do ông Đội Năm mang cây giống từ Phú Thọ về trồng ở xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) vào đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cây chè đã xuất hiện tại Thái Nguyên và trở thành thức uống quý, được ghi trong sử sách từ vài trăm năm trước. Việc phát hiện quần thể cây chè cổ thụ ước tính 200-300 năm tuổi trên đỉnh núi Tam Đảo và Núi Bóng là minh chứng. Điều này thôi thúc nhóm phóng viên Báo Thái Nguyên cùng với một số chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về chè quyết tâm tìm hiểu, “vén màn” lịch sử xuất hiện cây chè Thái Nguyên.

Dịp cuối tháng 3-2025, sau hơn 8 tiếng leo rừng, vượt suối, băng qua những sườn dốc dựng đứng, vách núi, bờ vực cheo leo, đặt chân lên đỉnh núi Tam Đảo cao hơn 1.300m, đoàn khảo sát (gồm các nhà khoa học, Hội Chè Đại Từ và phóng viên Báo Thái Nguyên) phát hiện quần thể cây chè cổ thụ sừng sững giữa rừng. Theo ghi nhận, tại đây tồn tại một quần thể gồm ít nhất 20 cây chè cổ thụ có chu vi gốc từ 80 đến 150cm, tuổi đời trung bình trên 200 năm.

Trước đó, vào năm 2011, trong nỗ lực tìm hiểu về lịch sử cây chè Thái Nguyên, phóng viên Báo Thái Nguyên đã cùng đoàn công tác của huyện Đại Từ ngược núi, khảo sát cây chè cổ trên đỉnh núi Bóng, thuộc địa bàn xã Minh Tiến. Tại đây, đoàn phát hiện khoảng 30 cây chè cổ thụ. Cây lớn cao khoảng 25m, đường kính gốc 40cm, ước tính khoảng 300 năm tuổi. Cùng với đó là nhiều cây chè khác đường kính gốc 30-40cm, cao 20-25m, ước 200-300 tuổi và hàng chục cây chè có tuổi đời trên 100 năm. Nhiều người dân địa phương cho rằng, họ vẫn thường lấy lá chè cổ trên đỉnh núi Bóng về để hãm nước uống và làm cao chè, dùng như một vị thuốc Nam để chữa bệnh.

Điều đáng lưu ý là, những cây chè cổ tìm thấy trên núi Tam Đảo chỉ nằm trong một khu vực rất nhỏ mà đoàn có thể khảo sát, rất có thể còn nhiều quần thể cây chè nhiều năm tuổi tồn tại ở khu vực này. Đây là những chứng tích thời gian, chứng minh về sự phát triển lâu đời của ngành chè Thái Nguyên.

Tham gia Đoàn khảo sát cây chè cổ trên đỉnh núi Tam Đảo có PGS. TS Hà Duy Trường, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) - đơn vị chủ trì, thực hiện đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây chè cổ thụ núi Bóng, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên”. Đang thực hiện nghiên cứu cây chè cổ trên đỉnh núi Bóng, nên khi nhìn thấy cây chè cổ trên đỉnh Tam Đảo này, PGS. TS Hà Duy Trường nhận thấy 2 giống chè khác nhau về đặc điểm hình thái lá.

“Chè cổ Tam Đảo có răng cưa chìm, búp hình măng bọc nhiều búp trong lớp vỏ cứng hay còn gọi là măng trà; còn chè núi Bóng có răng cưa rõ, búp chè thông thường, gần giống búp chè trung du của Thái Nguyên. Lá chè Tam Đảo dày, còn lá chè núi Bóng thì mỏng, dài, đầu nhọn” - PGS. TS Hà Duy Trường phân tích.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch Hội chè Đại Từ, người trực tiếp tham gia đoàn khảo sát chè cổ trên đỉnh núi Tam Đảo, cho biết thêm: Tôi cũng đã khảo sát ở 2 vùng chè núi Bóng và Tam Đảo, nhận thấy cây chè ở 2 vùng này khác nhau. Cây chè ở núi Tam Đảo có mầm, búp chè rất to, trong bọc những búp nhỏ, nhìn khác biệt so với cây chè ở núi Bóng có búp như chè thông thường.

Nhà khoa học và chuyên gia ngành chè đều nhận định quần thể cây chè cổ trên đỉnh núi Tam Đảo và núi Bóng có sự khác biệt về hình thái lá và búp, nên bước đầu có thể đây là 2 giống hoặc 2 dòng chè khác nhau. Trong đó, giống chè trên núi Bóng có đặc điểm hình thái gần với chè trung du Thái Nguyên hơn.

Hiện nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu cây chè cổ trên núi Bóng và đề xuất tỉnh cho phép nghiên cứu quần thể chè trên đỉnh núi Tam Đảo. Dù chưa có kết luận khoa học, nhưng các nhà khoa học đều nhận định đây là những giống chè cổ rất quý hiếm, là “Khối tài sản vô giá” của Thái Nguyên. Việc phát hiện hai quần thể cây chè cổ này cũng chứng minh sự tồn tại của cây chè ở Thái Nguyên từ rất xa xưa trước khi ông Đội Năm mang giống chè từ Phú Thọ về trồng trên mảnh đất này. Điều này cũng phù hợp với các tài liệu lịch sử mà chúng tôi thu thập được.

Trong cuốn sách “Văn minh trà Việt”, tác giả Trịnh Quang Dũng khẳng định: Việt Nam là “cái nôi” - vùng sản trà của thế giới. Trong bức tranh chung về trà Việt, cây chè và văn hóa trà Thái Nguyên cũng có lịch sử phát triển lâu đời, với nhiều dấu ấn nổi bật.

Khẳng định Việt Nam là đất nước có văn hóa từ lâu đời, tác giả Trịnh Quang Dũng đề cập nội dung về biên niên sử trà Việt rằng: Từ trước công nguyên, Thần Nông - Viêm Đế là thủy tổ của dân Bách Việt và tộc Lạc Việt. Thần Nông được coi là người Việt đầu tiên phát hiện ra cây chè và dùng trà cho nhân loại.

Về sản phẩm trà của Thái Nguyên, sách “Vân đài loại ngữ” của tác giả Lê Quý Đôn (viết bằng tiếng Hán vào năm 1773) có ghi: Xứ Thái Nguyên có vàng, bạc, đồng, thiếc, chì, sắt, tre, gỗ, củi, than, công tư dùng đủ; còn có chè, sơn, vỏ gió, dâu gai và tôm các, mối lợi dồi dào.

Đặc biệt, sách “Đại Nam nhất thống chí” viết bằng chữ Hán, do Quốc sử quán triều Nguyễn dưới thời vua Tự Đức (1847-1883) - bộ sách lớn nhất và quan trọng nhất về địa chí Việt Nam dưới thời phong kiến (do tác giả Phạm Trọng Điều phiên dịch, Đào Duy Anh hiệu đính - Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội xuất bản năm 1971), đề cập có nhiều tỉnh của cả nước có giống chè Nam (để phân biệt với chè Bắc, tức là chè Tàu - chè Trung Quốc). Tại cuốn sách này, tại mục thổ sản quyển 20 ghi chép về tỉnh Thái Nguyên, nêu rõ: “Chè Nam sản ở các huyện Phú Lương, Động Hỉ (nay là Đồng Hỷ), Đại Từ, Phổ Yên, vị ngon hơn chè các nơi khác".

Nghệ nhân trà Mông Đông Vũ, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Nguyên, nhận định: Cây chè đã có tại Thái Nguyên từ hàng trăm năm và chè Thái Nguyên phải là thức uống thông dụng, là loại chè ngon mới được chính sử ghi chép tỉ mỉ đến vậy. Mà để được trở thành chè ngon, thì cây chè phát xuất hiện, trở thành thức uống thông dụng hàng trăm đến vài trăm năm trước khi chính sử ghi lại.

Ngoài ra, theo một số tài liệu lịch sử, từ đầu thế kỷ XX, Ph. Ebevharart (Pháp) đã phát hiện ra cây chè dại mọc ở vùng rừng Tam Đảo ở độ cao khoảng 900m so với mực nước biển. Cây chè cao từ 8-10m, đường kính thân 40cm, mọc lẫn với rừng tre nứa.

Từ quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học, nghệ nhân, nhà nghiên cứu về chè đã đưa ra nhận định, giả thiết về mối liên hệ giữa chè cổ và chè Thái Nguyên ngày nay. Vấn đề này sẽ được đề cập trong kỳ 2: Chè cổ “xuống núi”

(Còn nữa)

TNĐT

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202505/gia-thiet-nao-ve-lich-su-cay-che-thai-nguyen-ky-1-kho-bau-an-minh-giua-rung-xanh-d9d1270/