Giá thịt lợn bắt đầu 'giảm nhiệt'
Cho đến thời điểm này, giá thịt lợn đã có nhiều dấu hiệu tích cực, quay đầu giảm dần trên cả nước.
Theo Tổng cục Thống kê, dịch tả lợn châu Phi khiến tổng đàn heo cả nước giảm 6 triệu con, tương đương 342.000 tấn thịt. Giá heo hơi leo thang liên tục từ đầu tháng 9 đến nay, do nguồn cung thịt lợn trong nước khan hiếm. Bộ Công Thương dự báo lượng thịt thiếu hụt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sẽ ở mức 300.000 tấn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, giá thịt lợn đã có nhiều dấu hiệu tích cực, quay đầu giảm dần trên cả nước.
Cụ thể, giá thịt lợn hơi trong ngày đầu tiên của năm 2020 đã giảm khá mạnh. Tại thị trường miền Nam bất ngờ “lao dốc không phanh”, xuống 19.000 đồng/kg, từ mức 96.000 đồng xuống còn 77.000 đồng/kg.
Tại miền Bắc, giá lợn hơi ngày 1-1 vẫn tiếp đà giảm mạnh. Các địa phương như Tuyên Quang giảm 4.000 đồng/kg, Phú Thọ giảm 3.000 đồng/kg cùng xuống 88.000 đồng/kg. Lào Cai, Hà Nội cùng giảm 1.000 đồng/kg xuống 92.000 đồng/kg. Tại Vĩnh Phúc, giá heo hơi hôm nay giảm 3.000 đồng/kg còn 89.000 đồng/kg, Hưng Yên giảm tiếp 2.000 đồng/kg xuống 92.000 đồng/kg, Thái Bình giảm 1.000 đồng/kg còn 91.000 đồng/kg...
Tại miền Trung, Tây Nguyên giá lợn ngày 1-1cũng giảm nhẹ tại một số địa phương. Theo đó, Bình Định giảm 3.000 đồng/kg xuống 85.000 đồng/kg, Khánh Hòa và Lâm Đồng cũng giảm 1.000 đồng/kg xuống lần lượt mức giá 81.000 đồng/kg và 91.000 đồng/kg. Thanh Hóa, Nghệ An vẫn đang là hai địa phương có giá heo ổn định nhất vùng, đạt giá 90.000 đồng/kg.
Còn tại các chợ ở Hà Nội, theo khảo sát của phóng viên, giá thịt lợn cũng giảm trung bình từ 10.000 – 15.000 đồng/kg. Tại chợ Gia Lâm (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, giá thịt lợn ba chỉ chỉ còn 160.000 đồng/kg, so với hai, ba ngày trước đã giảm 15.000 đồng mỗi cân. Ngay cả thịt cắt chọn như sườn bỏ cục cũng chỉ còn 170.000 đồng/kg (giá ngày 28-12 là 200.000 đồng/kg).
Chị Thúy, tiểu thương bán thịt lợn ở chợ cho biết, giá giảm nên người mua cũng quay lại đông hơn. “Mấy hôm trước giá cao quá, khách hàng đi đâu hết. Có hôm ngồi đến tận giữa trưa mà mới hết 2/3 phản thịt. May là giá hạ bớt rồi chứ nếu cứ đắt mãi, bọn tôi cũng phải nghỉ bán”, chị Thúy chia sẻ.
Chợ dân sinh trong bán đảo Linh Đàm (Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai), các quầy bán thịt lợn cũng nhộn nhịp hơn do giá cả đã dần giảm xuống.
Sau một tuần chỉ ăn cá, thịt gà, tôm, trứng, đậu phụ... chị Nguyễn Thanh Huyền đã mua được thịt chân giò với giá 170.000 đồng/kg. “Cứ giữ mức giá 200.000 đồng/kg như trước thì em chịu, lương nhân viên văn phòng cũng ở mức trung bình, phải căn cơ từng bữa ăn cho gia đình. Trước đây mua thịt ngon cũng chỉ hơn kém 100.000 đồng/kg. Bây giờ đúng là giá “trên trời”, gọi là giảm nhưng cũng không thể bữa nào cũng ăn thịt được chị ạ, vì giá cao quá”, chị Huyền than thở.
Trong các siêu thị, giá thịt cũng đã nhưng không đáng kể. Tại Vinmart, thịt lợn ba chỉ có giá 21.000 đồng/lạng, sườn chặt có giá 22.000 đồng/lạng. So với ngày 17-12-2019, giá chỉ giảm 1.000 đồng.
Nguyên nhân giá thịt lợn bắt đầu quay đầu giảm do có những chỉ đạo liên tục sát sao của Thủ tướng và sự vào cuộc của các ngành. Về phía các doanh nghiệp chăn nuôi, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam ra thông báo áp dụng giá lợn hơi tại tất cả các đơn vị chăn nuôi trực thuộc công ty là 83.000 đồng/kg.
Tương tự, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Chi nhánh Hải Dương cũng giảm giá lợn hơi thêm 1.000 đồng/kg nhằm bình ổn giá, chia sẻ với người tiêu dùng, đưa giá lợn hơi xuống mức 83.000 đồng/kg (trước đó giá lợn hơi của hai đơn vị này là 84.000 đồng/kg). Hệ thống siêu thị Big C & GO!, Big C Thăng Long (thành viên của Tập đoàn Central Retail) cũng ra thông báo, cam kết bán thịt lợn tươi với giá vốn kể từ ngày 28-12 đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, PGĐ Sở Công Thương Hà Nội cho biết, một số doanh nghiệp phân phối đang đồng hành cũng TP Hà Nội để bình ổn giá: “Đối với 23 đơn vị tham gia bình ổn đăng ký lượng hàng hóa trong 2 tháng Tết với tổng giá trị 121.000 tỷ đồng, tương ứng một số mặt hàng thiết yếu là: khoảng 18.000 tấn lương thực, 6.124 tấn thịt lợn, 762 tấn gà, 40.000 triệu quả trứng gia cầm, 2.634 lít dầu, 622 tấn thủy sản, 1.688 tấn thực phẩm chế biến, 8.900 tấn rau củ”.
Bà Lan cũng khuyến cáo, người chăn nuôi, doanh nghiệp sản xuất không nên găm hàng, vì khi lợn quá lứa thì hiệu quả sẽ giảm do hệ số chuyển đổi kinh tế thấp đi. Việc đưa giá lên cao quá mức sẽ khiến “gậy ông đập lưng ông”, do người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn, lựa chọn thực phẩm khác thay thế.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng phân tích, giá thịt lợn giảm một phần do Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hòa Bình… đã thực hiện công tác tái đàn tốt. Do đó, lượng lợn cung cấp cho người dân TP trong 2 tháng Tết vẫn được đảm bảo.
Bên cạnh đó, các mặt hàng thiết yếu bổ sung thay thế cũng được tích trữ, chuẩn bị tốt.
Cụ thể, nhu cầu mặt hàng thịt gà khoảng 14.800 tấn, khả năng đáp ứng của thành phố là 21.000 tấn (vượt 141%). Mặt hàng trứng gia cầm ước tính nhu cầu là 260 triệu quả, khả năng đáp ứng của thành phố là 337 triệu quả (vượt 129%).
Ngoài ra, một số mặt hàng như thịt bò, thủy hải sản, rau củ,… ngoài dựa trên cơ sở khả năng đáp ứng của Hà Nội, còn có nguồn cung cấp từ các tỉnh, thành phố lân cận, doanh nghiệp đăng ký dự trữ.
Đối với nguồn nhập khẩu tại Hà Nội, 11 tháng 2019, nhập khẩu thịt lợn qua hải quan Hà Nội đạt 64,44kg. Tháng 12-2019 không có thịt lợn nhập khẩu qua Hải quan Hà Nội.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/gia-thit-lon-bat-dau-giam-nhiet-576410/