Giá thịt lợn tăng cao sau Tết Nguyên đán do dịch bệnh, thiên tai

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến tháng 2/2025, tổng đàn lợn cả nước trên 30 triệu con, tăng trưởng 3,7%. Tuy nhiên, trên thị trường, giá thịt lợn lại tăng do nguồn cung thiếu dù nhu cầu tiêu dùng thịt lợn giảm so với trước Tết Nguyên đán.

Hiện nay, giá lợn hơi trên cả nước hiện đang dao động ở mức từ 70 - 73 nghìn đồng/kg (tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước). Lợn giống ngoại giá 2,2 triệu đồng/con từ 6,5 - 8 kg (tăng 41%). Ngày 12/2, tại khu vực miền Bắc ghi nhận tiếp tục tăng tại các địa phương như Lào Cai, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Phú Thọ và cùng tăng 1.000 đồng/kg. Giá lợn hơi khu vực này đang dao động trong khoảng 70.000 - 72.000 đồng/kg. Phú Thọ cùng với Bắc Giang là 2 địa phương có giá lợn hơi cao nhất khu vực với 72.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi duy trì trong khoảng 68.000 – 72.000 đồng/kg. Trong đó, Bình Thuận và Lâm Đồng có giá lợn hơi cao nhất khu vực với 72.000 đồng/kg. Khu vực miền Nam cũng tăng giá khoảng 1.000 đồng/kg. Tỉnh Đồng Nai thiết lập đỉnh giá mới cao nhất cả nước với 73.000 đồng/kg. Trao đổi với báo chí, Trưởng Ban quản lý chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam thông tin, từ sau Tết, giá lợn hơi tăng dù lượng tiêu thụ chậm lại vì đa số người tiêu dùng vẫn chưa tiêu thụ hết thực phẩm Tết. Những ngày gần đây, số lợn hơi đổ về chợ ở mức 400-500 con, tương đương khoảng 50 - 60 tấn, chỉ bằng 1/10 so với thời điểm trước Tết và bằng 1/5 so với những ngày thường khác. Nguyên nhân lợn hơi về chợ ít và giá lên cao như hiện nay, ông Chinh cho rằng, do tổng đàn lợn trong cả nước giảm mạnh khi chịu ảnh hưởng bởi bão số 3 hồi tháng 9/2024 đã làm nhiều trang trại bị thiệt hại nặng nề.

Giá thịt lợn tiên tục tăng dù nhu cầu giảm so với trước Tết Nguyên đán.

Giá thịt lợn tiên tục tăng dù nhu cầu giảm so với trước Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi hồi tháng 10, tháng 11/2024 và sau khi đã cung ứng sản lượng lớn cho thị trường dịp Tết. “Thông thường những ngày sau Tết Nguyên đán, lợn hơi được vận chuyển từ miền Nam ra bán cho miền Bắc, nhưng năm nay, thương lái miền Nam lại ra miền Bắc thu mua. Bên cạnh đó, lợn có trọng lượng hơn 100kg trở lên cũng rất khan hiếm, chỉ có loại lợn từ 100kg trở xuống nên sản lượng đã thiếu càng thêm thiếu”, ông Chinh cho biết.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán phân tích: “Thông thường sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ giảm, giá lợn hơi sẽ giảm nhưng năm nay giá lại tăng cao. Hiện các thương lái thu mua tại địa phương đã ở mức 72.000 - 73.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do nguồn cung thấp. Tại chợ đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn) và Bình Điền (Quận 8 - TP Hồ Chí Minh), mỗi ngày tiêu thụ khoảng 7.000 con lợn, nhưng nay số lượng về chợ giảm 50%, còn khoảng 3.000-3.500 con. Có doanh nghiệp chiếm thị phần chăn nuôi rất lớn còn báo giá cho biểu cân lợn hơi trọng lượng từ 61kg ở khu vực Đồng Nai. Điều này cho thấy, dịch bệnh diễn biến phức tạp, lợn hơi thiếu hụt nên phải “bán non”. Trong khi đó, thương lái đang phải gom mua lợn từ các tỉnh Nam Trung Bộ đưa vào miền Nam để tiêu thụ”.

Theo ông Đoán, hiện nay khu vực miền Nam đang thiếu lợn do nhu cầu cao, vì tổng đàn lợn trong khu vực đã giảm do ảnh hưởng dịch bệnh và lượng tiêu thụ dịp Tết tăng cao. Tuy nhiên, giá lợn sẽ tiếp tục tăng khi các trường học và khu chế xuất hoạt động mạnh trở lại, nhưng khó vượt đỉnh năm 2020. "Hiện nay, chúng ta có rất nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn, họ chủ động được con giống, quy trình chăn nuôi hiện đại, nếu lợn hơi ở nông hộ suy giảm thì các doanh nghiệp sẽ có phương án điều chỉnh để kịp thời cung ứng thịt lợn ra thị trường", ông Đoán nói.

Nhận định về nguồn cung thịt lợn, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng khẳng định, hiện tượng thiếu hụt nguồn cung lợn hơi hiện nay chỉ là cục bộ. Do nhu cầu sử dụng thịt của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán tăng lên, giá cao vì vậy các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi lợn đã xuất bán lợn để đáp ứng nhu cầu của thị trường dẫn đến tổng đàn giảm. Giá lợn hơi vẫn trong xu hướng tăng do nhu cầu phục hồi. Việc tái đàn của nông hộ ở mức thấp vì lo ngại dịch bệnh và giá lợn giống cao. Ngay cả các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng gặp khó khăn vì dịch tả lợn châu Phi và các bệnh khác, khiến sản lượng giảm. Mặc dù vậy, nguồn thịt lợn hơi thiếu hụt lần này không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

"Giá lợn cao như hiện nay sẽ khó duy trì lâu vì tổng đàn lợn trong nước vẫn cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước với hơn 30 triệu con”, ông Thắng khẳng định. Về nhập khẩu thịt lợn, Cục Chăn nuôi thông tin, kim ngạch nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 1 năm nay đạt 383 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 120 triệu USD, tăng 47%, còn thịt và phụ phẩm thịt tăng 34,9%, lên 186 triệu USD. Trên thị trường quốc tế, sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2025 dự kiến giảm do nhu cầu yếu và nguồn cung lợn giết mổ hạn chế. Những biến động này có thể tác động đến giá cả và nguồn cung thịt lợn tại Việt Nam thời gian tới.

Trúc Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/gia-thit-lon-tang-cao-sau-tet-nguyen-dan-do-dich-benh-thien-tai-i758942/