Quyết tâm tăng trưởng trên 8%
Hàng loạt động thái cho thấy Chính phủ đang rất quyết tâm đạt được tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm nay. Ủng hộ kịch bản tăng trưởng của Chính phủ, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý Chính phủ có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp để tránh ảnh hưởng lớn tới ổn định vĩ mô cũng như đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp.
Sáng ngày 11-2-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Một ngày trước đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Đề án này cũng sẽ được Quốc hội cho ý kiến trong Kỳ họp bất thường lần thứ 9, khai mạc ngày 12-2.
Trong Đề án, Chính phủ cho biết, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích. Đây cũng là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Vì vậy tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên (cao hơn mục tiêu Trung ương, Quốc hội đã quyết nghị là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%), góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài, bắt đầu từ năm 2026.
Ủy ban Kinh tế dẫn số liệu cho thấy, mặc dù lạm phát bình quân năm 2024 chỉ ở mức 3,63% nhưng giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng khá cao, như lương thực tăng 12,2%, dịch vụ y tế tăng 9%, dịch vụ giáo dục tăng 5,7%... Trong khi đó, thu nhập bình quân của người lao động năm 2024 tăng 8,6%, thấp hơn mức tăng của một số mặt hàng thiết yếu.
Trên tinh thần đó, Chính phủ xây dựng kịch bản tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên); dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên. Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỉ đô la Mỹ, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 đô la. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%...
Về các động lực tăng trưởng, Chính phủ xác định, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào khoảng 174 tỉ đô la trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP (cao hơn 3 tỉ đô la). Trong đó, đầu tư công 36 tỉ đô la (tương đương 875.000 tỉ đồng, cao hơn 84.300 tỉ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 là 790.700 tỉ đồng); đầu tư tư nhân 96 tỉ đô la; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 28 tỉ đô la; đầu tư khác 14 tỉ đô la. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) tăng khoảng 12% trở lên. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 12% trở lên; thặng dư thương mại khoảng 30 tỉ đô la.
Trong Đề án, Chính phủ nêu bốn điều kiện và sáu nhóm giải pháp, nhiệm vụ để đạt được mục tiêu này.
Bốn điều kiện gồm: (1) Tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế, giải pháp; phân cấp, phân quyền triệt để. Hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn.
(2) Phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Hà Nội, TPHCM, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước.
(3) Đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao để trở thành động lực, nhân tố ngày càng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.
(4) Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.
Sáu nhóm giải pháp, nhiệm vụ gồm: (1) Hoàn thiện thể chế pháp luật. (2) Khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. (3) Thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo. (4) Thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch. (5) Nhóm giải pháp về xuất khẩu. (6) Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến.
Trong đó, đáng lưu ý là ngay trong năm 2025 phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Cụ thể là tập trung sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Doanh nghiệp; tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Cùng với đó, ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí, như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và các vụ án kéo dài. Sớm ban hành Đề án khung pháp lý về phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương và đã phát huy hiệu quả. Xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các khu kinh tế biên giới và các vùng theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Cùng với việc trình Đề án này lên Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết “khoán” chỉ tiêu tăng trưởng cho các địa phương và làm việc với các ngân hàng thương mại. Hàng loạt động thái như vậy cho thấy Chính phủ đang rất quyết tâm tăng trưởng trên 8%. Mục tiêu này cao hơn gần 1 điểm phần trăm so với tăng trưởng năm 2024 và cũng cao hơn so với dự báo của một số tổ chức quốc tế về tăng trưởng của Việt Nam năm 2025.
Tuy nhiên, với những gì nền kinh tế đã thể hiện trong những năm qua và trong bối cảnh có nhiều yếu tố thuận lợi trong và ngoài nước, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên là khả thi, nhưng tính khả thi này không phải là mặc nhiên mà phụ thuộc một số điều kiện.
Đó là nỗ lực mạnh mẽ của các chủ thể trong nền kinh tế, bao gồm Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong, ngoài nước, kể cả người dân với tư cách là người tiêu dùng, người lao động. Sức chống chọi của nền kinh tế, năng lực nội sinh phải tiếp tục được củng cố bên cạnh việc tiếp tục duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, củng cố niềm tin của nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội đến từ sự phục hồi thị trường nước ngoài, và sự dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư cũng như các xu thế phát triển mới.
Đặc biệt, nhiều chuyên gia, và cả Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đều cảnh báo Chính phủ cần hết sức chú ý đến yếu tố lạm phát khi dồn mọi nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng. Ủy ban Kinh tế dẫn số liệu cho thấy, mặc dù lạm phát bình quân năm 2024 chỉ ở mức 3,63% nhưng giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng khá cao, như lương thực tăng 12,2%, dịch vụ y tế tăng 9%, dịch vụ giáo dục tăng 5,7%...
Trong khi đó, thu nhập bình quân của người lao động năm 2024 tăng 8,6%, thấp hơn mức tăng của một số mặt hàng thiết yếu. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ trong điều hành cần có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô; đánh giá kỹ tác động của việc thực hiện điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, giá các dịch vụ công theo lộ trình thị trường, đặc biệt là chi phí người dân chi trả cho các dịch vụ giáo dục, y tế.
Tăng trưởng cao là cần thiết để đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng, song lạm phát cũng là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô cũng như đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp. Bằng việc cân đong, đo đếm kỹ lưỡng những tác động không mong muốn và có giải pháp phù hợp, Chính phủ có thể đạt được không chỉ tăng trưởng cao mà còn cả tăng trưởng bao trùm với khoảng cách bất bình đẳng đa chiều sẽ thu hẹp lại, chất lượng cuộc sống của người dân nói chung và người nghèo nói riêng đều sẽ khá hơn…
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/quyet-tam-tang-truong-tren-8/