Giá thịt lợn tăng cao, thị trường có thể điều tiết bằng thịt lợn nhập khẩu
Việt Nam xếp thứ 4 về nhu cầu thịt lợn, ước tính sản lượng tiêu thụ thịt lợn/đầu người xấp xỉ 37 kg/người năm 2024, tốc độ tăng trưởng kép khoảng 3,8%/năm. Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, giá thịt lợn trong nước sẽ giữ mức cao, nhưng khó có khả năng tăng đột biến.
Tại Hội nghị Phòng, chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức sáng 3/4, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, hiện nay bối cảnh quốc tế có nhiều biến động như xung đột Nga – Ukraine và mới nhất là thuế quan của Hoa Kỳ.
Theo số liệu của Cục Hải quan (Bộ Tài chính), hoạt động nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể. Năm 2024 Việt Nam đã nhập khẩu 292.000 tấn, trị giá 460 triệu USD, tăng 13,1% về lượng so với năm 2023. Tính đến hết tháng 2, nhập khẩu thịt lợn đạt 25.500 tấn, trị giá 49,9 triệu USD, tăng 37,1% và giảm 0,1% về trị giá so với năm trước.
Nga đang là đối tác cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Việt Nam, chiếm hơn 22% tổng lượng nhập khẩu. Tiếp theo là các quốc gia như Brazil, Đức, Hà Lan và Ba Lan. Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là thịt đông lạnh như thịt vai, thịt mỡ, sườn và các sản phẩm phụ phẩm. Chất lượng sản phẩm nhập khẩu ngày càng được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Việt Nam.

Hội nghị được tổ chức sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về giá thịt lợn hơi tăng cao trong thời gian vừa qua.
Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2023, Việt Nam xếp thứ 6 thế giới về tiêu thụ thịt lợn, năm 2024 nhu cầu tiêu thụ thịt lợn đã tăng 2 bậc và xếp thứ 4 thế giới. Uớc tính sản lượng tiêu thụ thịt lợn/đầu người xấp xỉ 37 kg/người năm 2024
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, dù đã qua cao điểm tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ nhưng giá thịt lợn không những không giảm mà còn tăng mạnh sau Tết, đến đầu tháng 3, giá lợn hơi đã tăng lên 75.000 - 80.000 đồng/kg, tăng từ 15 - 18% so với đầu tháng 1. Trong tháng 3, mức giá đỉnh xuất hiện tại tỉnh Đồng Nai là 83.000 đồng/kg từ ngày 6/3. Đây cũng là mức giá cao nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, đến trung tuần tháng 3, giá đã có dấu hiệu chững lại và có xu hướng giảm, hiện thị trường heo hơi ba miền trung bình đang giao dịch ở ngưỡng 66.000 - 76.000 đồng/kg. “So với các nước trong khu vực, giá thịt lợn tại Việt Nam cao hơn so với Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với Philippines”, ông Hòa thông tin.
Nói về nguyên nhân giá lợn tăng trong thời gian qua, ông Đăng cho biết, giá thịt lợn tại Việt Nam tăng trong thời gian gần đây là hệ quả của nhiều yếu tố. Theo đó, dịch tả lợn châu Phi vẫn là một trong những thách thức lớn nhất đối với chăn nuôi lợn tại Việt Nam.
Thêm nữa, từ ngày 1/1, các cơ sở chăn nuôi phải đáp ứng các quy định về điều kiện chăn nuôi tại Luật Chăn nuôi. Vì vậy, nhiều địa phương trong cả nước đã tổng rà soát và lên kế hoạch di dời hoặc dừng hoạt động các trang trại không đủ điều kiện chăn nuôi. Do đó, nhiều trang trại ngừng hoạt động hoặc giảm quy mô chăn nuôi dẫn đến thiếu hụt cục bộ tại một số thời điểm.

Nhiều trang trại ngừng hoạt động hoặc giảm quy mô chăn nuôi dẫn đến thiếu hụt thịt lợn cục bộ.
Lợn thịt tập trung được nuôi phục vụ dịp Tết với sản lượng lớn (nhu cầu thường tăng 10-15%) nên hiện nay nguồn cung mặc dù tăng so với cùng thời điểm này của năm 2024 nhưng giảm so với dịp trước Tết Nguyên đán (tháng 1/2025).
Nhận định tình hình giá thịt lợn trên thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nguồn cung thịt lợn toàn cầu có khả năng vẫn ổn định, mức tăng dưới 1%. Hoa Kỳ là nước xuất khẩu thịt lợn lớn nhất. Theo dữ liệu do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) công bố, trong năm 2024, Hoa Kỳ đã xuất khẩu 3,03 triệu tấn thịt lợn, trị giá đạt 8,63 tỷ USD, tăng 4% về lượng và tăng 6% về giá trị so với năm 2023, đạt khối lượng xuất khẩu kỷ lục.
Về tình hình trong nước, dự báo giá lợn hơi sẽ duy trì ở mức cao, tuy nhiên khó có khả năng tăng đột biến nếu công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong năm 2025, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất toàn ngành tăng khoảng 4 - 5% so với năm 2024, trong đó sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 5,4 triệu tấn (tăng 5%), đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Cùng với chăn nuôi trong nước, thị trường có thể điều tiết bằng lượng thịt lợn nhập khẩu (hiện nhập khẩu chủ yếu từ Nga, Brazil, Đức, Hà Lan, Ba Lan...). Ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ nhu cầu và sản lượng đều gia tăng, trong đó chăn nuôi lợn vẫn là lĩnh vực chủ lực của ngành chăn nuôi Việt Nam.